PHẢN BIỆN LƠ LỮNG

Hôm nay được tập trung nghe phổ biến tinh thần hội nghị trung ương 7 khóa X vừa rồi. Có một chỗ làm mình và mọi người chú ý là nói về trí thức và vai trò của phản biện xã hội. Thông báo của hội nghị trung ương 7 có ghi: “Phê phán và xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng. Đồng thời đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng các hội của trí thức... “. Cuối giờ mình lên gặp sếp, một người cởi mở và khá thân với mình. Mình tâm sự và nhiệt tình đề nghị với anh ấy hãy cho phép khai thác những vấn đề gai góc đã được đề cập trong những bài viết của Trần Đông Chấn (anh ấy cũng đã đọc và thường trao đổi với mình về chúng trên tinh thần tán thành đa số các nhận định), phát triển chúng thành những bài phản biện một cách chính thức của một cơ quan có chức năng nghiên cứu các vấn đề kinh tế xã hội.

Anh ấy trả lời với mình đại ý rằng đừng cầm đèn chạy trước ô tô, từ nghị quyết Đảng để đi vào cuộc sống phải mất rất nhiều thời gian, còn phải chờ các hướng dẫn của các Bộ hay Chính phủ, đừng nôn nóng mà chệch định hướng. Có lẽ thấy mình hơi hẫng nên khi tiễn ra cửa anh ấy vỗ vai nói nhỏ “có những cái nói thế nhưng không phải thế, hãy kiên nhẫn chờ đợi”

Mình không biết nói gì hơn với anh ấy, bước ra khỏi phòng, chân trên mặt đất nhưng lòng thì lơ lững… Hy vọng “nói thế chứ không phải thế” chỉ để ám chỉ những lời anh ấy nói.

Tương lai sẽ thế nào

Suốt mấy tuần nay cứ suy nghĩ mãi mông lung về tương lai. Tương lai của mình, tương lai của đất nước, tương lai của đảng.

Mọi thứ đều bất định, không định hình được suy nghĩ nào cho chắc chắn.

Nhưng muốn cắt dòng suy nghĩ ấy mà không được, nó cứ bám lấy mà không cho câu trả lời ...

Tiền đồng đang ở đâu? (1) (đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số 29-2008 ngày 10-7-2008)

Thực ra, người có đủ khả năng và thẩm quyền để có thể đưa ra câu trả lời một cách tin cậy nhất nhằm trấn an công chúng chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc thông tin kịp thời rõ ràng và chính xác là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn lòng tin của công chúng dễ bị tác động bởi những thông tin thổi phồng thiếu cơ sở.

HUỲNH THẾ DU

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng các quỹ đầu cơ đang nắm giữ một lượng lớn tiền đồng nhằm thực hiện những mưu đồ riêng, gây tổn hại đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho không ít người và tác động không tốt đến sự ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền đồng chẳng mất đi đâu cả và cảm giác “thiếu tiền” đơn giản chỉ là do cung không đáp ứng đủ cầu theo kỳ vọng được hình thành ở thời điểm mở rộng tiền tệ trước đây.

Quy trình tạo tiền

Ở mỗi quốc gia, ngân hàng trung ương (NHNN, ở Việt Nam) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền in và phát hành tiền. Khi muốn đưa tiền ra nền kinh tế thì NHNN sẽ “chuyển” qua kênh các ngân hàng thương mại, hay kênh kho bạc (chính phủ).

Giả sử NHNN cho Chính phủ vay 100 đồng để mua hàng hóa dịch vụ. Khi những thành viên trong nền kinh tế nhận được số tiền này sẽ giữ lại 70 đồng để đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu và cất giữ, 30 đồng còn lại đem gửi ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ giữ lại 3 đồng (10%) làm dự trữ bắt buộc (DTBB) và đảm bảo khả năng thanh toán, 27 đồng đem cho những người có nhu cầu vay để mua hàng hóa và dịch vụ. Người bán hàng sẽ đem gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng và các ngân hàng lại trích 10% làm dự trữ, còn lại tiếp tục cho vay. Cứ như vậy, các vòng quay tiền tệ sẽ diễn ra mãi mãi và trong két của các ngân hàng (kể cả NHNN) vẫn luôn có 30 đồng, nhưng 300 đồng tiền gửi đã được tạo ra (30/10%) (ký hiệu là D).

Như vậy, 100 đồng tiền cơ sở ban đầu (ký hiệu là MB) đã tạo ra 370 đồng. Đây chính là cung tiền (ký hiệu là M) với 70 đồng tiền mặt đang lưu thông (ký hiệu là C), 30 đồng dự trữ ở các ngân hàng (ký hiệu là R) và 270 đồng cho vay (ký hiệu là CR) (xem bảng 1).

Tỷ số giữ M/MB được gọi là số nhân tiền tệ, ký hiệu là m và có thể tính toán bằng công thức m = (1+c) / (r+c) với r = R/D và c = C/D.

Cung tiền (M=m*MB) tỷ lệ thuận với cơ sở tiền (MB), tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tiền trong lưu thông (c) và tiền dự trữ (r) tại các ngân hàng so với số dư tiền gửi. Những yếu tố này lại phụ thuộc vào công nghệ ngân hàng cũng như thói quen thanh toán do chúng làm cho dòng tiền được luân chuyển nhanh hay chậm hơn (2).

Diễn biến tiền tệ ở Việt Nam (3)

Bình quân trong giai đoạn 2000-2007, tốc độ tăng cơ sở tiền, cung tiền và tín dụng lần lượt là 23,7%, 29,3% và 31,5%, một mức khá cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong một vài năm gần đây. Đến cuối năm 2007, tổng tín dụng cho nền kinh tế đã xấp xỉ 1 lần và cung tiền tương đương 1,2 lần GDP. Đây là một mức khá cao so với nền kinh tế Việt Nam và dần tiệm cận với một số nước trong khu vực.

Số nhân tiền tệ đã tăng từ khoảng 3 lên hơn 4. Một số tiến triển tích cực có được phần lớn là do (1) hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nên người ta sử dụng nhiều hơn; (2) sử ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài đã làm gia tăng lòng tin của công chúng nên việc tích trữ tiền mặt ít được coi trọng hơn, dẫn đến tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm xuống; và (3) tỷ lệ tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng so với lượng tiền gửi cũng giảm, có thể là do các ngân hàng đã dần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhất là kể từ khi áp dụng mô hình quản trị nguồn vốn tập trung (xem đồ thị 1 và 2) (4).


Những biến động bất lợi và lạm phát và tiền tệ bắt đầu bùng phát từ năm 2007 do sự tích tụ từ thời gian trước đó cộng với tiền tệ được mở rộng quá mức. Đến năm 2008 này, khi những bất ổn vĩ mô xảy ra, chính sách tiền tệ được thắt chặt thì dường như ai cũng có cảm giác thiếu tiền. Nếu những yếu tố bất ổn không được xử lý tốt có thể sẽ làm cho số nhân tiền tệ giảm đi và cung tiền cũng sẽ giảm với một cơ sở tiền không đổi.

Tại sao nhiều người cảm thấy thiếu tiền?

Một số người cho rằng tiền đồng hiện đang do các quỹ đầu cơ nắm giữ và đến một lúc nào đó họ sẽ tấn công vào đồng tiền trong nước để trục lợi và gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam như từng đã xảy ra ở một số nước. Lập luận này là thiếu cơ sở vì đồng Việt Nam không phải là đồng tiền có thể chuyển đổi và nếu các quỹ đầu cơ nắm giữ nhiều thì họ vẫn phải gửi trong các ngân hàng Việt Nam hoặc chuyển ra bên ngoài.

Nếu tình huống thứ nhất xảy ra thì tiền vẫn ở trong nền kinh tế, ngược lại, thì ở đâu đó ngoài lãnh thổ Việt Nam phải tồn tại một thị trường mua bán sôi động vì không ai đem hàng ngàn tỉ đồng cất trong két cả. Thực tế điều này khó xảy ra cho dù tiền đồng vẫn được trao đổi ở một vài nơi nhưng khối lượng không nhiều đến mức làm cho nền kinh tế hết tiền.

Thực ra, nguyên nhân làm cho ai cũng cảm thấy thiếu tiền là do cung tiền được siết chặt trong khi cầu tiền gia tăng do chịu tác động bởi những yếu tố sau:

Thứ nhất, với tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền trong một năm trước đây ở mức rất cao, nhiều kế hoạch hoành tráng đã được xây dựng với kỳ vọng việc huy động vốn sẽ rất dễ dàng. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra nên nhiều người đã không có tiền để triển khai kế hoạch của mình.

Thực ra, việc thiếu tiền chỉ là do không thể thực hiện các khoản đầu tư mới, hoặc chỉ một số ít người không thể quay vòng vốn vay, hoặc một vài ngành (cá ba sa chẳng hạn) đến vụ thu hoạch cần một lượng vốn lớn nhưng không được đáp ứng đầy đủ, trong khi hầu hết số dư nợ hiện tại vẫn được quay vòng và duy trì ổn định. Hay nói cách khác, tiền vẫn nằm ở những chỗ chúng đang nằm chứ không biến đi đâu cả. Thậm chí, trong nền kinh tế còn có nhiều tiền hơn vì trong sáu tháng đầu năm, lượng tín dụng do hệ thống ngân hàng cung ứng đã lên trên 200.000 tỉ đồng, tương đương 50% số vốn cho vay năm 2007.

Thứ hai, khi mức giá tăng vài ba chục phần trăm thì nhu cầu nắm giữ tiền mặt cũng gia tăng tương ứng để đảm bảo cho việc thanh toán diễn ra một cách bình thường. Hơn thế, những biến động không tốt trong thời gian qua đã tác động đến lòng tin làm cho nhiều người có xu hướng gia tăng dự trữ tiền mặt. Chính những yếu tố này đã làm cho lượng tiền mặt được giữ lại trong nền kinh tế nhiều hơn thay vì nằm trong hệ thống ngân hàng.

Dựa trên những số liệu quá khứ cho thấy, nếu giả định các yếu tố khác không đổi, để đảm bảo lượng tiền trong nền kinh tế tương ứng với dư nợ tín dụng (1,250 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 4-2008 và 1,380 triệu tỉ đồng theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng 30% vào cuối năm nay) thì NHNN phải cung ứng thêm khoảng 60.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm và gần 100.000 tỉ đồng trong năm 2008 (xem đồ thị 2). Hơn thế, nếu lượng tiền mặt công chúng nắm giữ gia tăng thì lượng tiền cung ứng phải nhiều hơn nữa vì lúc này số nhân tiền tệ sẽ giảm, đó là chưa kể tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc và 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc.

Trên thực tế, với chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN chỉ đưa vào nền kinh tế một lượng tiền hạn chế, thậm chí có thể còn rút bớt tiền về. Đây chính là yếu tố làm giảm cơ sở tiền hay chí ít nó cũng không tăng như kỳ vọng của nhiều người. (Cũng có thể, một lượng tiền lớn hơn đã được tung ra, nhưng nếu lượng tiền mặt được nắm giữ nhiều hơn như đã phân tích thì cung vẫn không gặp cầu).

Với những lý do nêu trên, cảm giác thiếu tiền trong nền kinh tế là điều hiển nhiên. Đây chính là dấu hiệu của việc thực thi chính sách tiền tệ đúng hướng. Nguyên nhân của lạm phát là do nền kinh tế có quá nhiều tiền nên cần phải giảm bớt. Câu hỏi đặt ra là tại sao tiền đã giảm mà giá vẫn tăng?

Thực ra, nguyên nhân của áp lực tăng giá vẫn còn là do yếu tố kỳ vọng. Giá đang tăng thì mọi người nghĩ nó sẽ tăng tiếp và kết quả tăng thật. Tuy nhiên, sau khi tiền được rút bớt hay không tăng thêm thì nền kinh tế chỉ còn 100 đồng ứng với 100 đơn vị hàng hóa nên mức giá hợp lý chỉ là 1 đồng cho một đơn vị hàng hóa, nhưng do yếu tố kỳ vọng mức giá được đẩy lên 1,2 đồng. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu tiền và thiếu thanh khoản, nhưng theo thời gian, nếu không có tiền tăng thêm và lượng hàng hóa không giảm đi, thì mức giá sẽ giảm xuống. Đây chính là tác động của việc thắt chặt tiền tệ đối với lạm phát.

Điều cần lưu ý là nếu những đồng tiền còn lại được sử dụng không hiệu quả sẽ làm cho tình trạng lạm phát trầm trọng hơn. Có nghĩa khi nền kinh tế có ít hơn 100 đơn vị hàng hóa và với số tiền hiện tại thì lạm phát vẫn có thể xảy ra. Đây chính là lý do tại sao thắt chặt tiền tệ phải đi kèm với thắt chặt chi tiêu ngân sách. Hơn thế, thắt chặt tiền tệ sẽ gây khó khăn thanh khoản, nên cần phải có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay.

Tóm lại, cảm giác thiếu tiền trong thời kỳ chính sách tiền tệ được thắt chặt là điều hiển nhiên. Chính điều này làm cho người ta phải chi tiêu tằn tiện và tính toán thiệt hơn kỹ càng với mỗi đồng tiền được bỏ ra. Kết quả là hàng hóa sẽ được tạo ra nhiều hơn và tiền ít bị phung phí hơn làm áp lực tăng giá sẽ giảm và chúng sẽ trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện các chính sách vĩ mô đã được triển khai đúng hướng.

__________

(1) Xem từ số báo trước, bài của GS.TS. Trần Ngọc Thơ.

(2) Trên thực tế việc tính toán, đo lường cung tiền phức tạp hơn. Tiền được chia ra làm các loại M0, M1, M2, M3 và L.

(3) Các số liệu bài viết này được thu thập và tính toán dựa trên dữ liệu của NHNN, IMF và số liệu công bố trên các báo.

(4) Thực ra việc tính toán cung tiền nêu trên còn thiếu hai yếu tố có tác động không nhỏ đến khối lượng tiền trong nền kinh tế, đó chính là số ngoại tệ và vàng lưu thông có chức năng như tiền mặt.

Bài viết của GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế Tp.HCM. (nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 7/7/2008)

Để trả lời câu hỏi này, một số tác giả đã tiến hành so sánh tốc độ tăng GDP và cung tiền. Theo đó tốc độ tăng GDP trong giai đoạn 2005-2007 là 27,6% nhưng cung tiền lại tăng tới 135%.

Hai dữ kiện này sau đó đã được liên kết lại để đưa đến nhận định rằng với lượng cung tiền này thì lạm phát đáng lý phải cao hơn nhiều chứ không phải như trong thời gian qua (?!). Sở dĩ lạm phát chưa bùng phát lên cao là do phần lớn lượng tiền cung ứng trong ba năm qua đã nằm ở các hedge fund (quỹ đầu cơ) và một số nhà đầu cơ lớn nhỏ khác. Họ chỉ chờ thời cơ thuận lợi để thao túng (lũng đoạn tiền tệ hoặc tiến hành các hoạt động thâu tóm).

Nếu ví tiền đồng như “nước”, phần lớn nước hiện nay nằm ở các con sông (ngân hàng thương mại). Có điều lượng nước từ các con sông cũng không còn nhiều do đã được hồ chứa là Ngân hàng Nhà nước hút về phần lớn (bằng việc siết van khóa chặt tiền tệ). Nước không nhiều nên các con sông đã hạn chế đến mức tối đa cho các cánh đồng (doanh nghiệp) vay mượn.

Nếu ví tiền đồng như “nước”, phần lớn nước hiện nay nằm ở các con sông (ngân hàng thương mại).


Cánh đồng nào may mắn vay được nước từ sông cũng không chủ yếu dùng để canh tác mà để bù đắp thanh khoản. Sông nào vay được nước từ hồ cũng rất hạn chế cho các cánh đồng vay lại vì bị hồ chứa đặt ra quá nhiều điều kiện (như tốc độ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 30%).

Phần nước mà hồ cung ứng trước đây cho các cánh đồng “chứng khoán và bất động sản” đã bốc hơi phần lớn, số còn lại cũng bị đóng băng vì thị trường đang rơi vào cảnh chợ chiều. Sau khi tính hết các yếu tố này, lượng nước chắc rất ít ỏi còn lại nằm ở các cây giữ nước là người có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp và một số quỹ đầu tư.

Đây mới là cách phân tích khả dĩ để trả lời cho câu hỏi “tiền đồng đang ở đâu”, thay vì chỉ suy đoán. Trước hết, ta thấy rằng tiền không phải đến từ những cỗ máy in mà từ nguồn vốn vay hoặc huy động từ cổ đông. Tiền trả lãi vay và cổ tức lấy từ đâu khi mà lượng tiền đồng này nằm yên không sinh lợi trong thời gian quá dài chỉ để chờ thời cơ thao túng?

Tuy nhiên tiền đồng mà các quỹ có được là do trước đó họ phải bán đi Đô la để đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản, nhưng với việc thị trường chứng khoán và bất động sản giảm giá khoảng 60% trong gần một năm qua, kết hợp với tỷ giá ngày càng có xu hướng tăng lên (nghĩa là cũng số lượng tiền đồng như cũ nhưng chuyển sang Đô la ngày càng ít đi theo thời gian), liệu các quỹ có đủ kiên nhẫn chấp nhận lỗ thêm nữa và chờ đến bao giờ để tiến hành các hoạt động thao túng?

Thống kê từ một số quỹ đầu tư cho thấy lượng tiền mặt hiện cũng chỉ còn vài phần trăm so với tài sản ròng, trừ các quỹ mới huy động (xem bảng dưới). Các quỹ khác không nằm trong thống kê này chắc hẳn cũng đang trong tình trạng tương tự. Và ngay cả trong trường hợp toàn bộ lượng tiền đồng này được chuyển đổi sang Đô la, các quỹ cũng gặp phải những khó khăn từ các rào cản ngoại hối.

Việt Nam chưa phải là quốc gia tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn và với chính sách quản lý ngoại hối vẫn còn khá chặt chẽ như hiện nay, khó nhà đầu tư nào có thể bán ngay một lúc toàn bộ lượng tiền đồng lấy Đô la để chuyển ra nước ngoài. Còn nếu sử dụng các công cụ phái sinh để chuyển tiền đồng thành Đô la thì càng không thể.

Các hợp đồng phái sinh ở các ngân hàng chủ yếu là hợp đồng kỳ hạn, và cũng chỉ được các ngân hàng cung ứng cho các doanh nghiệp trong giao dịch xuất nhập khẩu. Còn với công cụ phái sinh quyền chọn (option) Đô la Mỹ/Đồng Việt Nam thì do đang trong quá trình thí điểm nên thiếu khung pháp lý để các quỹ chuyển đổi hàng loạt sang đô la với số lượng lớn.

Như vậy nếu có thể chuyển từ tiền đồng sang Đô la và sau đó chuyển ra nước ngoài, các quỹ chỉ có thể tiến hành nhỏ giọt, thị trường ngoại hối khó có thể có đột biến đáng kể, thậm chí nếu khả năng này xảy ra. Tuy nhiên với những thông tin tích cực gần đây và việc các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đổ vốn vào Việt Nam, xem ra việc tính toán thế trận giờ đây đã không còn hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ mỗi một phía các quỹ đầu cơ.

Tóm lại, nếu chỉ nhìn vào lượng nước (tiền) mà hồ chứa là Ngân hàng Nhà nước cung ứng trong nhiều năm qua để cho rằng chúng hiện đang nằm ở các quỹ đầu cơ lớn là chỉ chụp ảnh có mỗi lượng nước tích tụ tại các cây giữ nước ngay tại một thời điểm nào đó (khi thị trường chứng khoán và bất động sản còn đang nóng).

Cách chụp ảnh ở trạng thái tĩnh tại một thời điểm hoàn toàn bỏ qua việc hồ chứa nước đã thu hồi nước từ các con sông (ngân hàng tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu bắt buộc và chuyển toàn bộ khoảng 50.000 tỉ đồng tiền gửi của hệ thống kho bạc đang gửi về Ngân hàng Nhà nước).

Để trả lời cho câu hỏi nước (tiền) đang ở đâu, cần xem lại từ đầu đến cuối cuốn phim “bơm hút nước” từ toàn bộ hệ thống của hồ chứa nước, các con sông, các cánh đồng và các cây giữ nước, thay vì chỉ xem duy nhất một tấm ảnh của chỉ có mỗi cây giữ nước. Sau đó còn phải nhận diện các điều kiện và cơ chế mà lượng nước từ các cây có thể gom lại được để tạo nên một trận lụt.

Ta còn phải tiến hành chọn mẫu tiêu biểu một số cây giữ nước để ước đoán lượng nước từ các cây khác còn lại nhiều hay ít. Điều quan trọng mà nhà làm chính sách cần quan tâm chính là các cây giữ nước này đang tích trữ bao nhiêu lượng ngoại tệ Đô la và vàng trong thời gian qua để chờ thời?

Mọi suy diễn chủ quan khác đều tạo ra tâm lý hoang mang không đáng có về một trận lụt ảo.

Lượng tiền mặt tại một số quỹ trong nước và nước ngoài (đến cuối tháng 5/2008)
Quỹ đại chúng trong nước niêm yết tại HOSE (Đồng Việt Nam)TiềnTài sản ròngTỷ lệ
VF1258.101.576.8251.881.152.746.19413,7%
VF4 (mới hoạt đồng từ 28/2/2008)578.256.092.098738.937.038.30778,3%
PRUBF116.820.213.714376.227.371.6444,5%
MAFPF140.225.898.492118.999.527.45333,8%
Quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (Triệu Đô la Mỹ)TiềnTài sản ròngTỷ lệ
Vietnam Enterprise Investments Limited - VEIL11,44381,43,0%
Vietnam Growth Fund Limited - VGF14,70245,016,0%
Vietnam Dragon Fund Limited - VDF4,07203,62,0%
Vietnam Opportunity Fund (VOF) 18,74694,02,7%
Vietnam Infrastructure Limited (hoạt động từ tháng 7/2007)226,71361,062,8%
Nguồn: Tổng hợp từ website của các quỹ và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM
(Theo TBKTSG)

Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Trang chủ