Đọc trên blog Osin hôm nay, nhân dịp 30 năm Việt Nam đánh trả Trung Quốc xâm lăng biên giới. Nhà báo Huy Đức đặt câu hỏi: “Bao nghĩa trang dọc theo Biên giới/Biết có ai về hương khói không?”, làm tôi nhớ tới một bài rất hay đăng trên Hà Nội Mới cách đây 4 năm:

Tâm linh lễ

“Mùa xuân có lễ Khai ấn, mùa thu có lễ hội Trần”. Nghe lời giới thiệu hấp dẫn của bè bạn, tôi háo hức lên đường về Thiên Trường dự lễ hội Khai ấn đầu xuân mang đầy nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Tối 22-2, tức 14 tháng Giêng ất Dậu chúng tôi rời Hà Nội khi trời mới chạng vạng, đến Thành Nam đã 9h30 tối. Sương khói mênh mông còn vương đầy hương vị Tết Bắc. Xe dừng ngay ở ngã tư trên đường 10. Dễ có đến cả trăm ngàn người dàn kín con đường dẫn tới đền Trần. Chúng tôi dắt nhau đứng vào hàng. Cách đó chừng 1 cây số là quầng sáng rực rỡ, có lẽ đó là trung tâm lễ hội. Tương truyền vào những đêm thế này, ngày mười bốn tháng Giêng, các triều đại vua Trần trao ấn cho các quan để ngày mai bắt đầu một năm làm việc mới. Tôi thích thú vì sắp được chứng kiến cái nghi lễ đó được tái hiện.

Hàng người dài quá, không biết khi nào tôi mới tới được ngôi đền. Những người cùng đi động viên tôi bằng kinh nghiệm của người đã nhiều năm được nhận ấn: “Cứ yên chí xếp hàng, lát nữa sẽ có xe cảnh sát rẽ đường đưa các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào làm lễ, như vậy đến 3-4h sáng sẽ tới lượt mình thôi”.

Tôi thắc mắc không hiểu sao lại có nhiều người tín mộ đến thế, họ đến đây vì tò mò như tôi hay vì điều gì khác. Một người bạn giải thích bằng thái độ hết sức nghiêm trang và huyền bí: “Đất này thiêng lắm, cả triều đại nhà Trần võ công, văn trị oai hùng được phát tích từ đây, các Thánh ở đây rất linh hiển, vì thế mà các quan chức đua nhau tới đây cầu quan cầu lộc, ai đã tới đây rồi mà không vào lễ nghiêm túc thì Thánh sẽ quở phạt !”.

Vậy là tôi đang không cùng mục đích với nhiều người đứng quanh tôi đây, chuyến đi này tôi không nhằm cầu quan lộc. Nản lòng, tôi rời hàng và hài hước nói với bạn: “Nếu nhận ấn xong mà được một chức quan thì tôi cũng ráng chờ, nhưng điều đó bây giờ còn ngoài tầm kiểm soát của các Thánh, nên đêm nay nếu tôi chưa tới được Thiên Trường chắc các Thánh cũng cảm thông, mà lượng thứ”. Họ cười gượng gạo, rồi cũng lưỡng lự theo tôi.

Chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố Nam Định, đúng là nơi đây có nhiều địa danh lịch sử, nhiều phong tục mang dấu ấn sâu đậm của nền văn minh Đại Việt xưa. Hướng về xã Mỹ Phúc, qua vài cây số đường mương hẹp, ghồ ghề, chúng tôi tới được đền Bảo Lộc, nơi xưa kia là thái ấp An Sinh Vương Trần Liễu, nay thờ Trần Hưng Đạo. Đã gần 10 giờ đêm, ở đây vẫn tấp nập, người, xe dập dìu, đèn hoa rực rỡ, ngoài kia vạn thì ở đây cũng có đến cả ngàn người. Nhiều đám đông tụ tập chào mời khách thập phương tới mua băng, đĩa quay cảnh lên đồng lên bóng. Những dàn tivi bật âm thanh hết cỡ với hình ảnh những cô đồng nhảy múa trong tiếng thanh la, mõ, trống phách tạo nên khung cảnh náo nhiệt lạ thường. Một thoáng thất vọng hiện lên trong tôi.

Tôi không mua gì để làm lễ cúng cả, chỉ vào thắp vài nén nhang như lệ thường rồi ra ngoài, để thoát khỏi cảnh sắc sôi động. Bên kia đường, đối diện đền Bảo Lộc là một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ khoảng trăm ngôi. Bóng đèn thắp sáng đã quá cũ làm không gian ở đây mờ hơn cả ánh trăng mười bốn. Lư hương có mấy nén nhang bị tắt giữa chừng, nhìn rất hiu quạnh. Tôi nhờ người bạn mua nhang, hoa tươi và trái cây, còn mình cố thắp lại mấy cây nhang bị tắt giữa chừng. Chúng tôi thắp nhang cắm lên từng ngôi mộ, hy vọng mang chút hơi ấm bên kia sưởi ấm bên này. Dưới ánh trăng, tôi đọc tên trên từng ngôi mộ, có người nằm xuống từ năm 1941, có người mới năm 1979, đa số đều mang họ Trần. Họ đều đã nằm xuống với niềm tin rằng để người thân của họ sẽ có cơm ngon áo đẹp. Chúng tôi ở đây hơn 30 phút, không có một khách thập phương nào vào viếng đền Bảo Lộc bước qua thắp một nén hương cho những con người đã mãi mãi ra đi vì đất nước.

Trên đường xe quay ra, dưới ánh trăng tôi nhìn rất rõ tấm biển đề: “Đền thờ Trần Thủ Độ”. Đền cổ kính, kiến trúc đẹp, rất u tịch. Đền đã đóng cửa nhưng ông từ già vẫn đón chúng tôi rất vui vẻ, hướng dẫn thắp hương và giải thích: “Trần Thủ Độ là Quốc sư, Thống Quốc Thái sư, là vị thánh khai quốc công thần, lập nên nhà Trần”. Ông nhiệt tình hỏi chúng tôi cầu gì để khấn giúp. Chúng tôi hàn huyên với ông từ gần một giờ đồng hồ. Bên ngoài xe vẫn vun vút lao qua, rất nhiều xe mang biển xanh 80B, và chưa thấy có chiếc xe nào dừng lại ghé vào. Tôi thắc mắc, ông từ chậm rãi đáp: “Vào đền Thái sư là để cầu kiến thức, học vấn thôi, các ngôi đền ngoài kia người ta thường đến cầu quan lộc”, giọng rất bình thản. Một thực tế không bình thường đã hình thành đến mức trở thành bình thường.

Tôi lên xe, lòng không khỏi chơi vơi. Ngôi đền vắng lặng tĩnh mịch dưới ánh trăng, gà đã gáy sang canh. Trời sắp sáng nhưng tôi lại cảm thấy điều gì đó đang đè nặng, trăn trở mãi.
HNM

Trong bài có đề cập đến những người lính đã “định cư” ở nghĩa trang này từ năm 1979, như vậy các anh ấy chính là những người lính Việt Nam đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc hồi 30 năm trước chống sự xâm lược của Trung Quốc. Theo bài báo nói trên thì các anh cũng bị lãng quên trước hàng chục ngàn người đang sính lễ vì cầu quan lộc, chỉ có tác giả bài viết ghé qua thấp ít nén hương. Ở miền biên giới xa xôi mà anh Huy Đức hỏi đến, chắc là cũng chẳng khác gì.

Xã hội giờ đây chỉ có tiền và chỉ có hiện tại. Người ta quên hết quá khứ và ăn cướp của tương lai. Hôm nay kỷ niệm 30 năm ngày bắt đầu một sự kiện bi hùng của lịch sử Việt Nam, bao nhiêu người đã nằm xuống từ ngày đó, thế mà chính quyền im bặt và bịt miệng tất cả báo chí. Cũng may còn còn được những “nhà báo lề trái”. Một sự nhục nhã của lịch sử Việt Nam diễn ra 30 năm sau một thiên sử bi hùng.

Đọc bài viết trên cũng làm tôi nhớ tới một enrty trên blog của Skarlor vừa rồi, kể chuyện ông Nguyễn Thiện Nhân tranh giật ấn ở lễ hội khai ấn vừa rồi. Tôi đang xác minh thông tin này, sẽ có bài sau khi kiểm chứng xong.

Vào chủ nhật vừa rồi, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã đưa trở lại trang 15 & 16 trên mục epaper của TBKTSG số 7-2009 (trang 16 có tin Mai Linh lời giả lỗ thật). Đây là việc rất đáng hoan nghênh.

Đến chiều hôm qua thì tạp chí này lại đăng một bản tin online (nằm đầu tiên trên trang home) với nội dung mà tôi trích nguyên dưới đây, khẳng định là trang 15 & 16 nói trên chưa bao giờ bị gỡ xuống. Tôi thực sự không hiểu vì sao TBKTSG lại chọn cách này, cả chục ngàn người đã chứng kiến khi vào epaper của số 7-2009 và thấy rõ ràng lật từ trang 14 nhảy ngay qua 17. Thật tình là tôi không mấy khi đọc tạp chí này, chỉ nghe vài người bạn nói nó hay , nhưng tôi không chuyên về kinh tế nên không quan tâm lắm. Cái vụ tin Mai Linh bị gỡ xuống vừa rồi tôi biết đươc là do 3 bloggers gửi tin cho tôi biết và nhờ tôi lên tiếng, tôi vào xem và thấy rõ như thế. Sau khi tôi đưa tin thì cũng rất nhiều bạn gửi message vào chia sẻ và xác nhận cũng thấy rõ như thế.

Tôi nghĩ TBKTSG chọn cách chối một cách không vững vàng như thế thì càng làm người đọc mất niềm tin. Tôi vốn vẫn có cảm tình với tạp chí này thông qua những đánh giá của bạn bè. Tôi vừa gọi một người bạn trong số này, nói về câu chuyện này thì họ bảo "xin lỗi, tao cũng đâu biết được hôm nay nó thế. Nhưng mà cũng phải thông cảm, lỡ đâu Mai Linh nó mạnh quá, nó dùng sức ép từ trên xuống thì sao đỡ nổi".

Những bạn nào đã đọc, đã thấy cái vụ này, xin lên tiếng trên comment giùm nhé.

Trích bản tin Thứ Hai, 16/2/2009, 15:59 (GMT+7) trên TBKTSG Online:

(TBKTSG Online) – Vừa qua, một bạn đọc có gửi e mail cho tòa soạn nêu thắc mắc vì sao tin “Mai Linh: lời giả lỗ thật” được đăng trên báo in TBKTSG (số 7-2009, ra ngày 5-2-2009) nhưng bị cắt mất trên mục E-paper ở báo mạng TBKTSG Online? Thắc mắc này có sự nhầm lẫn nhưng lại lan truyền trong một số diễn đàn trên internet nên TBKTSG Online xin nói như sau:

Các tin, bài của báo in Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 7-2009, ra ngày 5-2-2009, vẫn được đăng tải đầy đủ trên mục E-paper của báo mạng Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. Cụ thể, bản tin “Mai Linh: lời giả lỗ thật” mà độc giả phản ánh có ở đường link sau: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/So7-2009(947)/22764/ .

Vì đây là bản tin (news) nên khi nhập lên E-paper, tòa soạn không nhập tít tựa (title) của từng tin, mà gọi chung là “Tin chứng khoán”. Bạn đọc muốn xem thông tin này thì vào mục lục chọn: “tin chứng khoán” trong mục “Một vòng chứng khoán”.

Trong E-paper chỉ có những bài viết (articles) mới có tên trong mục lục, tương tự như mục lục của tờ báo in.

Tòa soạn xin thông tin để bạn đọc nắm rõ.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

VIỆT NAM KHÁC GÌ ZIMBAWE

Hôm nay Tuổi Trẻ có một bài đáng đọc: Để mừng sinh nhật thứ 85 của tổng thống Zimbabwe... của Danh Đức. Bài báo nói về sự xa hoa của Mugabe – Tổng thống mấy chục năm nay của đất nước Zimbabwe đói khổ, dù ông ta là người đã có công giải phóng nước này khỏi thuộc địa. Bài báo có một phần nói về cách mà tay Tổng thống già này dung tham nhũng và đặc quyền để duy trì bộ máy cai trị như thế nào. Đảm bảo mọi người đọc sẽ thấy nó giống hệt Việt Nam ta từ lúc được giải phóng thuộc địa đến nay.

Bài báo không dám nói thẳng, mượn kiểu chửi chó mắng dê, nhưng trong hoàn cảnh này cũng là rất đáng hoan nghênh. Tôi trích phần nói về cách thức duy trì quyền lực của Mugabe dưới đây cho mọi người tiện đọc. Hoan hô Tuổi Trẻ. Mọi người vào link trên đọc nhanh đi nhé, kẻo lại bị gỡ xuống bây giờ.

Hệ thống quyền lực của Tổng thống Mugabe

Trên website Africa Agenda của giới trí thức châu Phi, bài viết “Is Mugabe’s legacy a lesson for Zuma?” (“Di sản của Mugabe: một bài học cho Zuma?”) được đăng nhằm cảnh báo nguy cơ tương tự cho Nam Phi mà sang năm tới sẽ có tổng thống mới là ông Jacob Zuma. Dưới đây là vài trích đoạn:

“Mugabe hoạt động qua một hệ thống giám sát hữu hiệu các thuộc hạ nhằm “bêtông hóa” quyền lực của mình. Thoạt đầu khi mới giành được độc lập, ông và các đồng đội của mình cũng tin rằng sẽ phục vụ dân chúng nên lập ra bộ quy ước lãnh đạo rất nghiêm khắc, theo đó làm giàu là nghịch đề.

Thế nhưng thật nhanh chóng, Mugabe phát hiện rằng họ tham ăn như lợn nên quyết định nuôi tính háu ăn vô chừng của họ bằng cách gắn họ với chế độ tổng thống trọn đời của mình. Nghe họ thề trung thành với tổng thống trọn đời, người ta cứ ngỡ rằng họ chỉ nói đùa. Thật ra họ không đùa: họ thừa biết số phận của họ gắn chặt với lão già này, như ông thường bảo họ: “Nếu tôi văng, các ông sẽ văng trước”.

Ông cho phép họ thoải mái tham nhũng, song tất cả đều được ghi chép đầy đủ. Các ghi chép đó chính là nguồn bảo hiểm nhân thọ của ông. Chỉ cần ông giơ ra vài ghi chép là chẳng cần xét xử gì cả cũng sẽ văng xa tít. Nhiều người thắc mắc sao các đệ tử của ông lại cong lưng cung cúc cúng bái ông như thế. Chẳng qua, ông đã tạo ra hoàn cảnh (tham nhũng) mà nay họ đang ở trong đó.

Hệ thống ấy rất đơn giản: trước tiên phải tạo ra những “cổ chai”. Càng kẹt cứng, ai có quyền hành càng dễ làm giàu. Vụ xìcăngđan Willowgate trong những năm đầu thập niên 1980 là một ví dụ. Chiếc Toyota Cressida nhảy vào thị trường Zimbabwe. Cho dù người ta có tiền cũng không mua được, vì số xe lắp ráp quá ít. Thế nhưng các quan thì tha hồ mua, mua cho mình và cho người khác.

Nếu đã vi phạm thì xin lỗi đi, rồi sẽ được luân chuyển sang một ghế khác. Có khi được cử đi sứ hoặc đâu đó. Có một quan chức kỳ cựu tên Chikoore đã làm một chuyện không thể tưởng tượng được là xin từ chức ngay giữa lúc dân chúng đang bực tức vì thiếu hàng hóa. Sau đó, Chikoore đến gặp lãnh tụ tối cao xin một chức khác, bị từ chối thẳng thừng, bèn tự tử.

Chiếm đất mới diễn ra như giữa ban ngày, cứ truất hữu ở đâu tùy thích, chẳng cần đền bù gì cả. Song hệ thống không dừng lại ở đó. Những kẻ mới có đất đai này sẽ được mua dầu diesel trợ giá có khi chỉ bằng 5% giá thực tế. Mua xong bán lại chợ đen và hái ra tiền ngay. Các quan trong chính phủ còn được mua ngoại tệ với tỉ giá chính thức không đầy 10% tỉ giá thị trường chợ đen. Cứ thế mà nhân chục lần, chục lần, chục lần... tài sản.

Còn việc truất hữu các công ty nước ngoài, gọi là “nội địa hóa” chúng, thì mỗi công ty sẽ phải nhượng một số đáng kể cổ phần cho người Zimbabwe. Và những người nhiều khả năng được mua nhất chẳng ai khác hơn là các quan chức đầu ngành.

Đó là vài bí quyết gắn chặt họ với lãnh tụ tối cao...”.

CÁC NHÀ BÁO HÃY CỐ LÊN




Mấy hôm nay có nhiều chuyện về báo chí thấy thật là đáng buồn và xấu hổ. Xin được nói lên đôi điều với những người làm báo.

Chuyện thứ nhất là về sự kiện Trung Quốc đánh Việt Nam ta 30 năm trước. Tờ báo duy nhất có bài đăng về câu chuyện lịch sử này là SGTT, đăng bài Biên Giới Tháng Hai (2009-1979) của nhà báo nổi tiếng Huy Đức, nhưng bị gỡ xuống ngay sau đó. Những sức ép về chính trị bởi TQ là lớn thật, nhưng sao vẫn thấy chí khí của những lãnh đạo báo chí giờ chẳng còn gì. Dù sao cũng cảm ơn anh Huy Đức, anh có lẽ là một trong những người bản lĩnh nhất còn trụ lại được trong ngành báo.

Chuyện thứ hai, cũng là một sự việc đã đăng rồi lại gỡ xuống, nhưng lại chẳng liên quan gì đến chính trị, mà dễ thấy rằng nó bị đồng tiền chi phối quá dễ dàng. Đó là mẫu tin trên trang 16 Thời báo KTSG, số 7-2009 ra ngày 5-2-2009 về tập đoàn “Mai Linh: lời giả lỗ thật”. Tạp chí ra hàng tuần (được xem là uy tín nhất về kinh tế hiện nay) và được đăng tải lên mạng dưới dạng e-paper (bản scan). Nhưng bản e-paper của số này bị cắt mất 1 tờ của trang 15 và 16, tức trang có thông tin đăng tin tức về Mai Linh báo cáo không trung thực. Các bạn có thể vào link này để xem e-paper bị mất 2 trang: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/324/22505/14/ , và xem cái ảnh ở trên là tin tức về Mai Linh được scan lại từ báo in. Uy tín của một tạp chí lớn bị bán rẻ quá dễ dàng bởi sức mạnh của đồng tiền. Sao thế TBKTSG?

Chuyện thứ ba liên quan đến nhà báo Trung Dân và tạp chí Du Lịch. Nghe nói ông này và con trai mình là Trung Bảo (người viết bài về Hoàng Sa Trường Sa trên Du Lịch số xuân vừa rồi) đang gặp nhiều rắc rối với an ninh điều tra. Những người yêu nước và dám lên tiếng sao mà bị khổ sở quá.

Chuyện thứ tư là của Đài Truyền hình Việt Nam VTV, một đài của trung ương đại diện cho quốc gia. Cách đây 2 hôm, chương trình thời sự 7h tối (bản tin quan trọng nhất trong ngày) đưa tin Thủ Tướng tiếp 1 Đại sứ hữu nghị của Nhật, một chức vụ tượng trưng để làm từ thiện, chẳng có chút quyền hạn hay tư cách đại diện quốc gia nào. Thủ Tướng đã phải tiếp một người như thế thì thấy cái thế của quốc gia xuống thấp đến thế nào rồi, ấy vậy mà cái VTV này lên giọng: “Thủ tướng yêu cầu Nhật nhanh chống nối lại cấp vốn ODA trong tháng 4 này…..”. Chẳng hiểu Thủ Tướng đang giương oai với Nhật hay với dân đen kém hiểu biết. Trong khi đó thì tin tức từ hậu trường cho biết Chính phủ đang phải xuống nước, hứa hẹn, năn nỉ, cam kết nhưng Nhật vẫn chưa trả đồng ý tới khi nào VN làm rõ vụ PCI. Thái tử Nhật gửi đến một thông điệp rất rõ ràng là cho dù Hoàng gia Nhật không tham gia vào chính trị và công việc của Chính phủ Nhật, nhưng Hoàng gia Nhật rất hiểu tình cảm và thái độ của dân Nhật. Người dân Nhật sẽ không bao giờ tha thứ cho Chính phủ nếu tiếp tục đem tiền đóng thuế của dân Nhật tài trợ cho nơi nào mà bị tham nhũng nhưng không xử lý rõ ràng. Ông cũng bày tỏ rằng theo ông Chính phủ Nhật sẽ kiên quyết yêu cầu trả lại những khoản đã tài trợ nhưng bị tham lạm. Thế vậy mà bản tin của VTV hôm rồi làm cho mọi người cứ tưởng VN đang thắng thế. Huỳnh Ngọc Sỹ đang bị bắt vào lúc Thái tử Nhật vào VN, chưa biết là có mối quan hệ gì, nhưng nhìn hiện tượng thì thật là nhục nhã, chẳng khác gì họ vào đất nước này ra lệnh.

Chuyện thứ năm là những tờ báo lớn nhất như Tuổi Trẻ và Thanh Niên, càng ngày càng xuống cấp, chất lượng thông tin quả thật không biết nói sao. Có lẽ lời 1 người bạn của tôi nhận xét là khá gần với thực tế nhất: “TT và TN bây giờ trở thành cái loa phóng thanh cấp phường của TTXVN”. Nhưng tôi bổ sung thêm là không phải chỉ có TTXVN, bây giờ 2 tờ báo này đang ra sức nịnh Văn phòng Chính Phủ và Ban Tuyên giáo TW để mà tồn tại, chỉ cần 1 cuộc điện thoại của thư ký từ 2 nơi này thôi thì các phóng viên của TT và TN phải xách máy đi làm tin theo yêu cầu liền. Bây giờ chẳng còn hơi thở cuộc sống ở 2 tờ báo này nữa. Đọc báo toàn hơi của lãnh đạo.

Chuyện thứ sáu là rất nhiều những tờ báo mạng báo in, nhỏ lớn mấy tháng qua ra sức ca khợi hoàng tử và phò mã, cách người dân gọi con trai và con rễ của Thủ Tướng, rất thô thiển. Nào là Nguyễn Thanh Nghị học và làm việc suốt tại đại học Kiến Trúc TPHCM mà không ai biết là con trai của Thủ Tướng cho nên việc hoàng tử lên chức Phó Hiệu trưởng đại học này là chỉ do năng lực của anh ta. Nào là Henry Nguyễn (Bảo Hoàng) vô tình gặp Chủ tịch IDG, nhờ đó Henry thuyết phục được 300 lãnh đạo của IDG đầu tư vào VN. Quỹ IDG venture VN đã thành lập xong và có Giám đốc điều hành đầu tiên không phải là Henry, Henry tham điều hành quỹ này sau khi nó thành lập 1 thời gian. Có nhiều điều chói tai lắm, kể ra chẳng hết.

Báo chí VN không thể như thế, không thể như thế được. Chúng ta phải làm sao, các nhà báo hãy cố lên. Bên ngoài người ta đang nguyền rủa chúng ta là bồi bút.

Giữa tháng 1 vừa rồi tôi biết được quyền sách Những Tiểu luận của Phạm Quỳnh bằng Tiếng Pháp từ 1922-1932 khi đọc bài Chính trị trên blog của anh Trần Đông Chấn. Bài viết này anh Chấn cho thấy tình trạng chính trị vào thời Pháp thuộc cách đây 80 năm ở nước ta so với bây giờ rất giống nhau, chẳng khác là mấy. Tôi tìm đọc quyển sách này và cũng phát hiện ra rằng tình trạng kinh tế và xã hội của nước ta hiện nay cũng chẳng khác gì cách đây đúng 80 năm. Tôi đảm bảo với các bạn, hãy đọc bài “Tinh thần bất ổn” ở trang 339 trong quyển sách này, nhà văn hóa Phạm Quỳnh viết vào năm 1929, các bạn sẽ thấy như thế. Hoặc giả như các bạn in cái trích đoạn dưới đây ra, đừng để tên tác giả và năm viết rồi đưa cho người nào đó đọc, rồi bạn hỏi xem người ta nghĩ gì, tôi tin chắc rằng người ấy sẽ trả lời rằng ai mà viết về hiện trạng kinh tế - xã hội hiện nay hay thế.

Tôi tin rằng nếu làm một phép so sánh tương đối (chứ không phải tuyệt đối theo con số GDP) Việt Nam với các nước, thì 80 năm trước thứ hạng VN có khi còn cao hơn bậy giờ.

Trích:

Không thể chối cãi được rằng đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng, có thể là khủng hoảng tăng trưởng, cách gì thì cũng là một khủng hoảng khá sâu sắc, và nhiều người không nghi ngờ gì mức độ nghiêm trọng của nó.

Sự phát triển kinh tế, sự thịnh vượng vật chất có thể dễ dàng đo đếm, đánh giá được: các chỉ số, các thống kê khéo léo, các biểu đồ dễ dàng hiển thị chúng thành các đường cong biểu diễn. Nhưng một trạng thái bất ổn về tinh thần biểu lộ trong những lĩnh vực không cân đong đo đếm được thì khó nắm bắt hơn nhiều.

Ở nhiều nước khác, văn chương, báo chí cho biết tình hình các chuyển động và dao động của công luận, phản ánh thái độ hay miêu tả các tâm trạng, cung cấp các dấu hiệu quý giá về cuộc sống sâu kín của dân chúng, nhưng ở đất nước này, vì nhiều lý do mà nói ra sẽ rất dài, những phương tiện đó gần như không có.

Đến mức một nhà quan sát tò mò muốn tìm hiểu cuộc sống sâu kín của dân tộc này, đặc biệt nếu anh ta lại không nói được ngôn ngữ của nó, không hòa mình được vào cuộc sống bản địa, sẽ không biết mình phải dựa trên cái gì để mà quan sát. Thậm chí đôi khi anh ta còn không nắm bắt được những biểu lộ ra bên ngoài của người dân: hoặc anh ta không hiểu, hoặc anh ta hiểu sai. Và nếu anh ta hài lòng với các tài liệu chính thức, vốn rất dồi dào và dài dòng, anh ta sẽ chia sẻ một sự lạc quan giả tạo, rất ít thật và rất nhiều giả!

Phải chăng nói như thế có nghĩa là cảnh khủng hoảng mà chúng ta vừa nói ở trên và tình trạng tinh thần bất ổn sinh ra từ đó là điều một nhà quan sát sành sỏi không thể nắm bắt được?

Bất kỳ ai chịu khó nghiên cứu cuộc sống của người dân nước Nam mà không dừng lại ở những khía cạnh hời hợt bên ngoài đều nhận ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo cảnh tượng khủng hoảng và bất ổn đó. Và người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ trong vài năm mà đã có những biến đổi sâu sắc trong ý thức, tập tục và tâm trạng của các tầng lớp dân chúng khác nhau.

Một sự tiến hóa đang trở thành hiện thực không diễn ra theo đường thẳng mà người ta muốn gán nó theo những dấu hiệu bề ngoài, mà đó là một cuộc tiến hóa lộ ra rất nhiều khó khăn và trắc trở, nhiều sóng gió, gian truân, đau đớn.

…………..

Giờ đây, một trạng thái tinh thần bất ổn đang trùm lên đất nước này, nó có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển tích đầy điện dông bão.

Trạng thái tinh thần bất ổn này là do các nguyên nhân về đạo đức, xã hội và chính trị.

………….

Ngoài các nguyên nhân về đạo đức này, còn cần phải kể đến các nguyên nhân xã hội, chúng làm trầm trọng thêm và làm phức tạp thêm các nguyên nhân đạo đức. Xã hội nước Nam là một xã hội phân chia thứ bậc rất mạnh. Ở trên là một tầng lớp thị dân nho giáo tạo thành tầng lớp tinh hoa của quốc gia, ở dưới là dân chúng gắn bó với đồng ruộng, chỉ biết miệt mài với công việc đồng áng. Trong bốn tầng lớp của xã hội: sĩ, nông, công, thương (nhà nho, nông dân, thợ thủ công, thương lái), theo tôn ti truyền thống, chỉ có hai tầng lớp đầu là quan trọng nhất, đáng kể nhất. Trật tự mới do cuộc xâm chiếm thiết lập và sự phát triển kinh tế của đất nước đã làm đảo lộn trật tự thứ bậc cũ. Các tầng lớp mới hình thành nhờ sự phát triển chung và cũng từ hoàn cảnh mới đang du nhập vào đất nước các tập tục mới, ban đầu thì ở thành phố, sau đó ngày càng thấm sâu vào các vùng nông thôn. Chúng mâu thuẫn với các thói quen lâu đời, va chạm với những khuôn khổ xã hội cũ, làm tan rã nền tảng cũ của gia đình và làng xã. Hệ quả tất yếu là một sự rối loạn trong tập tục, cũng nghiêm trọng như rối loạn ngự trị trong đầu óc con người.

Nhưng nếu đúng là giá trị của một đất nước là ở tầng lớp tinh hoa, thì tầng lớp tinh hoa nước Nam hiện giờ lại đang vô cùng chán nản, và họ chán nản vì những lý do chính trị. Trong bài viết về chủ nghĩa dân tộc, chúng tôi đã lưu ý rằng người nước Nam có cảm giác mình là những người xa lạ ở ngay trong đất nước họ.

…………….

Gộp tất cả các nguyên nhân này lại thì có một trạng thái tinh thần bất ổn chung, nó rồi sẽ trôi qua thôi, cần phải hy vọng thế, nhưng không phải vì thế mà lúc này không lo lắng, bởi vì bất ổn đó làm cho cơ thể xã hội rơi vào trạng thái kháng cự yếu ớt nhất, đúng vào thời điểm trên toàn thế giới sự lây nhiễm một vài tư tưởng đang là điều đáng lo ngại nhất.

(1929)

Hết trích

Tôi cảm thấy xấu hổ vì Đảng

Đọc bài viết dưới đây trên blog và những comments của nó, tôi thấy xấu hổ vì đã là Đảng viên. Tôi đang viết những lời bộc bạch của một Đảng viên, sẽ đưa lên sớm.

Gửi ông thủ tướng,

Tui không là nhà báo, nhà văn, nhà quản lý "blog", nhà cầm quyền hay nhà hoạt động chính trị chi hết mà tui chỉ là một người dân ở nhà lá ... Dân nhà lá tụi tui biết rằng, còn màu xanh của cây lá là còn nhà cho tụi tui ở, là còn làn gió mát lành cho hơi thở của con cháu tụi tui.

Sống ở đâu thì phải biết quan tâm ở đấy, nắm quyền ở cấp bậc nào thì phải có tầm nhìn ở cấp bậc đó, sống trong làng thì phải biết quan tâm đến việc làng, nắm quyền ở xã phải có tầm nhìn trong toàn xã, dân trong huyện thì quan tâm đến huyện, điều hành tỉnh thì phải có tầm nhìn trên toàn tỉnh.

Ông là một thủ tướng đứng đầu chính phủ của một quốc gia, thay mặt nhân dân để điều hành, lèo lái đất nước. Ở cấp bậc đó thì lẽ ra ông phải có tầm nhìn trên toàn diện quốc gia chứ. Mà quốc gia là ngàn đời chứ không phải một ngày, một bữa, nửa tháng, một năm, một thập niên hay một thế kỷ. Những chuyện về kinh tế, thất nghiệp, tham nhũng, khủng hoảng, .. hay chính trị, đảng phái, tư tưởng, chủ nghĩa gì gì đó thì tui hỏng biết có phải là "vô địch muôn năm" (chuyện ngàn đời) hay không, chứ còn chuyện môi trường thì tôi tin chắc rằng đó là chuyện ngàn đời.

Môi trường sống mà không trong lành, môi sinh bị hủy hoại thì con người làm sao mà phát triển. Đặc biệt sự hủy hoại môi sinh đó là kết quả của sự khai thác khoáng vật và sử dụng hóa chất kỹ nghệ để tẩy rửa và tinh chế khoáng vật. Hậu quả là dân chúng tụi tui sẽ bị những bệnh tật kỳ dị không thể chữa, những thứ bệnh có thể gây tổn thương đến yếu tố di truyền và suy kiệt nòi giống. Than ôi, trong đó cũng có con cháu của ông đấy.

Hay là ông cho rằng con cháu của ông đã lấy Việt kiều và không thèm định cư ở Việt Nam này nữa, nên ông mới phớt lờ nguyện vọng của nhân dân, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa và những người còn chút tâm huyết với mảnh đất Việt Nam này dù tuổi đã cao, sức đã yếu.

Chắc có lẽ vậy nên ông mới cho rằng KHAI THÁC BAUXIT LÀ CHỦ TRƯƠNG LỚN khi tiếp xúc với báo chí tại cuộc họp báo đầu năm diễn ra hôm qua ngày 4/2/2009 tại Hà Nội. "Về vấn đề khai thác boxit tại Tây Nguyên, Thủ tướng cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sắp tới, Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc gia" Nguồn: chinhphu.vn

Đó là do tui dốt nên chỉ thấy còn lá thì còn nhà, còn lá xanh thì còn gió mát, còn gió mát thì tụi tui mới hát ca dao, dân ca giữa trưa hè ru cho con cháu tụi tui ngủ được chớ. Để tụi nó còn nhớ đến cội nguồn tổ tiên. Có vậy thì bản sắc văn hóa Việt mới còn, bản sắc còn thì dân tộc còn, dân tộc còn thì quốc gia còn, còn quốc gia thì mới còn cái danh thủ tướng Việt Nam được, phải không, thưa ông?

Chứ tui còn nghe mấy người ít dốt hơn tui một chút bảo rằng Tây Nguyên là yếu hầu của đất nước, Tây Nguyên mà bị kiểm soát rồi thì dẫu quân đội có hùng mạnh cách mấy, chiến lược, chiến thuật tác chiến có hay cách mấy cũng thiếu mất đi một yếu tố là địa lợi thì làm sao mà giữ nổi mảnh đất của tổ tiên.

Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là muốn bán tài nguyên quốc gia cho Trung Quốc thì cứ nói thẳng là bán tài nguyên cho Trung Quốc đi, muốn cho Trung Quốc lập làng, lập huyện ở Tây Nguyên hay bán hẳn Tây Nguyên cho Trung Quốc thì cứ nói vạch tẹt ra cho rồi. Bày đặt mị tụi tui làm gì với kiểu "sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc gia" làm chi cho mệt vậy. Kỹ thuật tân tiến như nước Úc mà còn không thể tái tạo được môi sinh tại các dự án khai thác Bauxit ở quốc gia của họ huống chi là kỹ thuật Trung Quốc, một thứ kỹ thuật bắt chước kém cõi, chuyên làm hàng giả.

Đó là không kể trong khi ông chưa tổ chức hội thảo để thảo luận về phương án khai thác thì "trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án)" nguồn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên. Vậy thì chắc là khi ông tổ chức xong các hội thảo thì Trung Quốc đã lập xong làng, huyện và kiểm soát toàn bộ Tây Nguyên mất rồi.

Vài lời bày tỏ cùng ông, mong ông mở rộng tầm nhìn hơn một chút cho con cháu tụi tui nhờ.

Gác bút,

Dân nghèo ở nhà lá...Skarlor

11.01.4888 – Việt lịch

Nguồn tại blog Skarlor




Change tôi đăng lại toàn bộ bài viết "Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam" mới xuất hiện hôm nay trên thời báo Kinh Tế Việt Nam của tác giả Trần Thái để mọi người có ý kiến, nhằm rộng đường dư luận nhiều chiều. Change tôi sẽ có những bài tiếp theo về đề tài này.

"Nguyễn Bảo Hoàng tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard khoá học 1991-1995.

Sau đó, anh lấy bằng bác sỹ y khoa của Trường Y Feinberg (Feinberg School of Medicine, thuộc Đại học Northwestern) và thạc sĩ khoa quản trị kinh doanh thuộc Trường Quản trị Kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management) cũng của Trường Đại học Northwestern) cùng trong năm 2000 (khoá học 1995-2000).

Nhưng có lẽ bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bảo Hoàng là cuộc gặp tình cờ vào năm 2003 giữa anh với tỷ phú Mỹ Patrick McGovern-người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn IDG của Mỹ.

Đánh giá cao khả năng phân tích thị trường và năng lực quản lý của Nguyễn Bảo Hoàng, Patrick McGovern đã giao cho Hoàng trọng trách là Tổng giám đốc điều hành của IDG Venture Việt Nam kể từ năm 2003.

IDG Venture Việt Nam là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam với số vốn ban đầu lên đến 100 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong một hai năm tới. IDG Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển trên quy mô toàn cầu.

Thời tuổi trẻ

Nguyễn Bảo Hoàng sinh năm 1974, là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em gồm 2 trai, 2 gái. Gia đình anh rời Sài Gòn năm 1975 di cư sang Mỹ và định cư tại ngoại ô Washington thuộc bang Virginia, khi anh mới 22 tháng tuổi.

Ngay từ khi 8 - 9 tuổi, Hoàng được cha mẹ dành dụm cả 3 tháng lương để mua cho con một chiếc máy tính IBM, lúc đó là mơ ước của nhiều người kể cả đối với người Mỹ. Với chiếc máy tính đó, ngoài việc chơi game như bao đứa trẻ khác, Hoàng đã mày mò tìm hiểu các linh kiện của nó, học cách lập trình.

Khi thấy thông tin rao bán nhà của những người họ hàng xung quanh mình khá lộn xộn, Hoàng đã giúp họ đánh lại văn bản, trình bày sạch đẹp, lại có thêm những bức ảnh minh họa khá đẹp mắt, dễ nhận diện. Kể từ đó, hầu hết những người buôn bán bất động sản trong vùng đều tới nhờ Hoàng làm giúp những tờ rơi (brochures).

Số tiền thù lao mà họ trả đủ để Hoàng mua thêm hai chiếc máy tính nữa. Có thêm máy, Hoàng rủ thêm hai người bạn cùng làm. Yêu thể thao và chơi giỏi một số môn thể thao, Hoàng còn tham gia viết báo thể thao và làm việc cho đài phát thanh của trường.

Các anh chị của Hoàng đều là bác sĩ. Hoàng kể “Các anh chị tôi đều muốn trở thành bác sĩ, bởi vì chúng tôi coi đó là cách tốt nhất có thể trực tiếp giúp đỡ người khác. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề bác sĩ và tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ như các anh chị tôi. Thế nhưng, dịp trở về quê hương Việt Nam sau 20 năm xa cách đã làm thay đổi sự nghiệp và cả cuộc đời tôi”.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard, Nguyễn Bảo Hoàng lần đầu tiên trở về Việt Nam sau thời gian dài xa cách. Được tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và nhiều vùng miền của đất nước kể cả các vùng thôn quê đánh dấu một cảm xúc khác lạ trong dòng máu con cháu Lạc Hồng trong anh.

Thực ra những năm tháng theo gia đình định cư trên đất Mỹ, ký ức về quê hương của anh là những điệu hò xứ Nghệ mà mẹ hát cho anh nghe, và những câu chuyện mà cha anh kể lại về những vùng đất mà ông từng đi qua. Vị mặn nồng quê hương như theo lời ru của mẹ cứ thấm dần vào cảm xúc của một người con xa quê lâu ngày.

Đặc biệt, trong chuyến về Việt Nam đó, Hoàng đã được gặp lại bà nội của mình, dù cho tiếng Việt của Hoàng lúc bấy giờ chưa rành lắm. Nhưng tình thương yêu và sự chăm sóc của những người thân trong gia đình ở quê nhà đã trỗi dậy trong anh nỗi thiết tha trở lại Việt Nam và gắn bó lâu dài hơn với đất nước quê hương.

Sau chuyến thăm đó anh lại trở về Mỹ, tiếp tục học lấy bằng bác sỹ y khoa của Đại học Northwester. Cũng trong thời gian này anh đồng thời theo học thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Quản lý kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management cũng trực thuộc Đại học Northwestern) và tốt nghiệp hai trường này vào năm 2000.

Trong thời gian theo học Trường Y khoa, anh đã cùng các cộng sự xây dựng nhóm S2S Medical Publishing chuyên xuất bản sách, tài liệu học tập cho sinh viên y khoa, thành lập website medschool.com chuyên sâu nghiên cứu việc phát triển hệ thống học tập từ xa cho sinh viên y khoa và đã thu hút được hơn 25 triệu USD vốn đầu tư cho công trình này.

Trên 8 năm làm việc trong lĩnh vực y học, Hoàng đã có công trình nghiên cứu về chu kỳ và sự suy giảm của protein và sự phát triển của cấu trúc neuron, được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Biological Chemistry.

Năm 2000, Nguyễn Bảo Hoàng quay lại Việt Nam lần thứ hai để giúp một doanh nghiệp viễn thông Mỹ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Anh trở thành giám đốc điều hành cho Công ty Viễn thông Mỹ VITC tại khu vực châu Á - một công ty chuyên về giao thức Internet và công nghệ.

Trong suốt thời gian làm việc tại VITC, Hoàng đã góp sức biến công ty mới được thành lập, phát triển lớn mạnh và đạt doanh thu hơn 30 triệu USD hàng năm.

Bước ngoặt

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, Tập đoàn IDG cũng đã cân nhắc rất nhiều vì họ cũng chưa hình dung hết những khó khăn, thách thức mang tính đặc thù rất riêng biệt của thị trường Việt Nam.

Chỉ đến khi tỷ phú Mỹ Patrick J. McGovern - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG - tình cờ gặp Bảo Hoàng trong năm 2003, bài toán này mới tìm ra lời giải. Patrick không chỉ là người đặt nền móng cho lĩnh vực truyền thông trong ngành công nghệ thông tin mà còn có tầm nhìn rất rộng về tương lai và sự phát triển của lĩnh vực này.

Năm 2003, Nguyễn Bảo Hoàng tình cờ gặp ông Patrick McGovern - vào một buổi ăn sáng do Hội đồng thương mại Mỹ (Amcham) tổ chức cách đây hơn 6 năm. Họ trao đổi rất nhiều về tình hình công nghệ thông tin tại Việt Nam, về lĩnh vực truyền thông, viễn thông và về tương lai của chúng trong nhiều năm tới.

Sau đó ít lâu, bằng những lập luận của mình, Nguyễn Bảo Hoàng đã thuyết phục được hơn 300 nhà lãnh đạo của Tập đoàn IDG khi họ đồng ý đầu tư vào Việt Nam.

Hoàng cảm nhận được sự đồng cảm của Patrick khi ông chia sẻ với Hoàng về tương lai của việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, về niềm tin rằng ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và thu hút thật nhiều nhà đầu tư trong một tương lai không xa.

Hoàng cắt nghĩa đầu tư mạo hiểm là số vốn bỏ ra để đầu tư vào các công ty hoặc các nghiên cứu mang tính đổi mới và sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, nơi tiềm ẩn cả hai khả năng mất vốn hoặc thu được lợi nhuận cao đều có thể xảy ra.

Nhưng thực ra đối với Hoàng anh không thích dùng từ “mạo hiểm” lắm, và Hoàng thích dùng khái niệm đầu tư triển vọng hơn, bởi quỹ hỗ trợ cho những công ty mới, có nhiều tiềm năng phát triển. Tất nhiên, đối với việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, khả năng mất vốn và kinh doanh có lãi đều có thể xảy ra.

Hoàng nói: “Vốn đầu tư sẽ không hạn chế, mà điều quan trọng là doanh nghiệp xin cấp vốn phải chứng tỏ được tiềm năng của mình”. Anh cho biêt trong số gần 2.000 doanh nghiệp xin cấp vốn đầu tư trong năm 2007, chỉ có 13 doanh nghiệp được IDG Venture Việt Nam lựa chọn.

Ngoài ra, IDG Ventures Việt Nam còn đóng vai trò là cầu nối cho thị trường công nghệ thông tin ở Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. “Khi hiểu rõ thị trường Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu những công ty về công nghệ thông tin tốt nhất của Việt Nam tới các đối tác nước ngoài”, Hoàng nhấn mạnh. "

Cuộc đối đầu giữa 2 phe trong Đảng hiện nay đang đến độ rất căng thẳng do nguyên nhân từ Nguyễn Việt Tiến. TBT Nông Đức Mạnh đang hậu thuẫn cho việc phục hồi chức vụ hoặc bố trí một chức vụ mới tốt hơn cho ông này. Điều này dẫn đến sự phản đối quyết liệt của CTN Nguyễn Minh Triết. Ông Triết đã chỉ trích thẳng ông Mạnh cùng ông Sang trong một cuộc họp BCT sau Tết và dọa rằng nếu việc đó xảy ra thì sẽ có những hậu quả khó lường.

Nhớ lại vào đầu năm 2006, lúc vụ án PMU-18 nổ ra cũng là lúc mà sự đấu đá tranh giành trước Đại hội X tới hồi quyết định. Vào lúc đó, nhóm miền Nam gồm ông Triết, ông Dũng, ông Sang đang thắng thế và dự định đặt ông Triết vào ghế TBT thay vì CTN. Dự định này được khởi động bằng vụ án PMU-18 bắt Bùi Tiến Dũng để nhắm tới Nguyễn Việt Tiến vì ông Tiến liên quan chặt chẽ với gia đình ông Mạnh. Con gái ông Mạnh làm cho PMU-18, chồng của chị này, tức con rễ ông Mạnh (tên Hải) cũng làm tại đó và là một nhân vật rất quan trọng trong việc củng cố thế lực cho Nguyễn Việt Tiến. Những bê bối của ông Dũng và ông Tiến đã lâu, ai cũng biết, mà cũng chẳng riêng gì PMU-18 hay 2 ông này, những vụ tham nhũng bê bối, ăn chơi xa hoa diễn ra ở hầu hết các quan chức; nhưng vào thời điểm chuẩn bị khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc thì nó được lựa chọn để phanh phui với mục tiêu chính trị là chính chứ không phải chống tham nhũng là chính. Do vậy phe miền Nam lúc đó đã thành công trong việc lôi Bùi Tiến Dũng và sau đó là Nguyễn Việt Tiến vào tù. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến cái ghế TBT có thể tái đắc cử cho ông Mạnh. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng bước tiếp theo là ông Hải con rễ của TBT cũng sẽ bị bắt. Mà như thế thì chưa cần biết thực sư, đúng sai thế nào, có liên quan gì không thì ông Mạnh cũng sẽ mất uy tín trầm trọng và sẽ phải tự rút lui vì không tự tin là sẽ được tái đắc cử.

Trong lúc tình hình đang thuận lợi như vậy, nhiều người tin rằng ông Triết sẽ nắm ghế TBT sau Đại Hội X thì bất ngờ xảy ra. Không hiểu vì lý do gì mà vào kỳ Hội nghị TW áp chót trước Đại Hội (là kỳ hội nghị quan trọng nhất mang tính quyết định) thì ông Triết chỉ có mặt 1 buổi đầu tiên rồi sau đó bỏ về Tp. HCM. Với thông điệp để lại là không muốn nhận ứng cử vào vị trí TBT. Phe miền Nam hoàn toàn bất ngờ và hơi hẫng. Rất nhiều người không hiểu được lý do vì sao anh Sáu Phong (tức ông Triết) lại bỏ dỡ như vậy. Có một số ý kiến cho rằng vì anh 6 muốn bảo về đàn em, không muốn sự đấu đá sẽ dẫn tới “tàn sát” nhau vì sau vụ PMU-18 nổ ra, ông Mai Ái Trực – một nhân vật thân cậy của anh 6 - lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, đang từ vị thế sáng giá có thể lên đảm nhận chức phó Thủ tướng sắp tới, thì bị những đe dọa nghiêm trọng về việc lý lịch và có thể bị truất phế. Có nhiều thư tố giác từ Bình Định gửi ra nói rằng ông Trực đã từng khai ra đồng đội trong thời gian bị tù thời trước 1975. Dù sẽ không làm được gì ông Triết và không cản được anh 6 nắm TBT nhưng chắc chắc là phe miền Bắc và ông Mạnh lúc đó cũng sẽ có những trả đũa quyết liệt, dẫn đến những thiệt hại nặng nề. Nên những ý kiến đó cho rằng anh 6 không muốn huynh đệ tương tàn nhau như vậy nên đã âm thầm rút khỏi mục tiêu TBT. Ông Trực sau đó cũng tuyên bố rút lui, không tiếp tục ứng cử vào TW Đảng.

Việc rút lui của anh 6 sau đó dẫn đến một sự thỏa hiệp với ông Mạnh và phe cánh miền Bắc. ông Mạnh vẫn làm TBT nhưng ông Sang sẽ kè sát ông Mạnh làm Thường trực Ban Bí Thư, ông Dũng làm Thủ tướng với những quyền lực được mở rộng hơn nhiều trước đây. Ông Triết làm Chủ tịch nước với những quyền hạn đúng như Hiến Pháp qui định mà không phải lúc nào cũng phải thông qua BCT. Kết quả Đại Hội X cuối cùng đã diễn ra như thế.

Chắc rằng ông Mạnh đã rất uất hận sau cái “deal” này, dù phải chấp nhận nhưng vẫn nuôi dưỡng những kế hoạch trả đủa. Cuối cùng ông ấy đã gặp thời khi ông Sang mâu thuẫn với ông Dũng và tách khỏi nhóm ông Triết để thêm sức mạnh cho ông Mạnh. Hiện nay thế lực của ông Mạnh và ông Sang rất mạnh. Hội nghị TW vừa rồi lại được bổ sung thêm 1 nhân vật là Tô Huy Rứa vào BCT. Ông Rứa này là phe ông Sang và ông Mạnh làm cho phe này chiếm đa số trong BCT. Trong khi đó ông Dũng và ông Triết đã thất bại trong việc đưa Nguyễn Thiện Nhân vào BCT.

Kế từ khi ông Sang về phe ông Mạnh, kế hoạch phục hồi cho Nguyễn Việt Tiến được bắt đầu. Việc không đưa ông Tiến ra xét xử để nhằm hạ uy tín của ông Dũng, người đã hô hào lớn tiến chống tham nhũng thông qua vụ án PMU-18, và để tăng thêm đối thủ của ông Dũng. Cho dù sau đó ông Dũng dùng hết quyền hạn của mình để tiến hành kỷ luật Nguyễn Việt Tiến để chứng minh với công luận quyết tâm chống tham nhũng của mình, nhưng việc này cũng không cản nổi kế hoạch đưa ông Tiến trở lại quyền lực của ông Mạnh và ông Sang. Do vậy việc này phải nhờ đến anh 6. Anh 6 đã chính thức phản đối việc này nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu gì là ông Tiến đang bị cản trở trong việc trở lại chính trường.

Chưa thể đoán được diễn tiến sắp tới sẽ ra sao. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông Mạnh mạnh và đắc thắng như bây giờ. Người ta cũng chưa bao giờ thấy ông ấy có được những nước cờ khôn ngoan về chính sách và đường lối phát triển đất nước tốt đẹp, nhưng lần này thì mọi ngượi lại ngạc nhiên với khả năng thủ đoạn trong đấu đá của ông ấy.

Sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến cho mọi người.

Hôm nay kỷ niệm 79 năm thành lập Đảng. Từ hôm qua đến giờ đọc toàn những từ ngữ hay ho bay bổng trên các báo đài ca ngợi công ơn trời biển của "đảng ta".

Sáng sớm nay đọc được bài viết dưới đây của Trần Đông Chấn, thấy thật đã. Thật là tuyệt vời. Tôi tin vào những gì anh Chấn nói trong bài viết này, tôi tin rằng lịch sử sắp sang trang rồi. Sẽ không có những lễ kỷ niệm sinh nhật đảng hoành tráng như lâu nay nữa.

KỶ SỬU VÀ VẬN HỘI MỚI CỦA VIỆT NAM

Năm mới ai cũng nguyện ước về những điều tốt đẹp, mọi người thường chúc nhau tài lộc và thịnh vượng. Làm giàu là mong muốn chính đáng và tự nhiên của con người, là quyền con người mà ai cũng được hưởng. Những nơi nào người ta được tự do làm giàu thì xã hội nơi đó sẽ phát triển thịnh vượng bền vững và bình đẳng. Ngược lại, ở những đâu mà cái quyền làm giàu ấy bị biến thành đặc quyền để những người cầm quyền ban phát thì ở đấy đầy dẫy bất công và sẽ phát triển không bền vững.

Tự do hay làm giàu

Muốn giàu có và làm cuộc sống tốt đẹp hơn là điều con người hướng tới và tìm kiếm từ hàng nghìn năm trước, nhưng xã hội loài người chỉ mới thực sự phát triển thịnh vượng được vài trăm năm nay. Người ta thường gắn cho thành tựu vĩ đại này là nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Điều đó không sai, nhưng bước tiến bộ nhảy vọt về khoa học kỹ thuật này chỉ là quả, nhân của nó chính là sự giải phóng tự do và tư tưởng con người. Có tự do và quyền con người nên người ta mới thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi để hiểu rõ được những quy luật của tự nhiên; mới không sợ hãi phát biểu chính kiến của mình để tìm ra những giải pháp tốt nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để tạo ra các phát minh, sáng chế; hiểu được quy luật kinh tế; và sáng tạo ra những hệ tư tưởng chính trị, triết học làm thay đổi hình thái nhà nước hiệu quả hơn. Lịch sử đã chứng minh rằng một xuất phát điểm ở phía sau nhưng đặt quyền tự do của con người lên trước đã thắng và vượt xa một xuất phát điểm ở phía trước nhưng không coi trọng quyền và sự tự do của con người.

Trong cả thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Châu Âu cộng lại. Vào lúc đó, khi mà triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn đang say sưa với sức mạnh của mình và tiếp tục tìm mọi cách để đạt mục tiêu là kẻ mạnh nhất giàu nhất, thì Phương Tây bắt đầu những cuộc cách mạng về nhân quyền với mục tiêu hàng đầu là giành bằng được quyền tự do của con người. Chỉ 50 năm sau, Trung Quốc đã trở thành một kẻ to xác nhược tiểu bị các nước phương Tây xâu xé, rồi sau đó bị Nhật – một láng giềng nhỏ bé đi theo mô hình phương Tây xâm chiếm. Triều đình Mãn Thanh phải ký hàng loạt các hiệp ước bán nước nhục nhã. Trong cùng thời gian đó, thế giới phương Tây đã phát triển nhanh chóng, đạt đến sự thịnh vượng bền vững. Điển hình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước này đã đưa vào trong hiến pháp đầu tiên của mình sự bảo về quyền con người, tự do của con người lên trên tất cả những thứ cần bảo vệ khác. Hiến pháp Hoa Kỳ đã hiệu chỉnh nhiều lần nhưng ở đó sự tự do thiêng liêng của con người vẫn luôn là ngự trị số một. Không phải tự nhiên mà Mỹ trở thành quốc gia cường thịnh như ngày nay. Tự do cho con người cũng không phải là thứ tự nhiên mà có.

Cuộc cách mạng nhân quyền

Khi con người có tự do và có đủ quyền con người thì chắc chắn sẽ làm cho mình giàu có hơn và đồng thời làm xã hội phát triển thịnh vượng bền vững. Đó là một quy luật tất yếu mà loài người đã nhìn ra được. Phương Tây đã biết thuận theo quy luật ấy nên đã phát triển đến kinh ngạc, tạo ra giá trị của cải trong vòng 200 năm của thế kỷ 19 và 20 lớn hơn mấy ngàn năm trước đó của cả thế giới cộng lại. Cách mạng nhân quyền không chỉ mang đến cho con người sự tự do mà còn cho nhân loại cả sự thịnh vượng chưa từng có. Trước khi nhìn ra và hiểu được quy luật tất yếu này, xã hội loài người tiến triển rất chậm chạp. Những nền văn minh sớm nhất như Ai Cập, Trung Quốc cuối cùng đều bị tàn lụi. Cho dù trải qua hàng nghìn năm phát triển nhưng trong các xã hội này quyền con người chưa bao giờ được tôn trọng một cách đầy đủ. Thay vào đó là các mục tiêu đại cường, bá chủ mà thực chất là tham vọng cá nhân của những kẻ cầm quyền. Quyền tự do của con người đã bị tước đoạt để thực hiện các tham vọng như vậy.

Liên Xô trong thế kỷ 20 cũng đã từng dẫn đầu thế giới rất nhiều mặt, nhưng ngay sau đó không lâu nó sụp đổ và tan rã nhanh chóng. Nó đạt được đỉnh cao ngắn ngủi không phải bằng tự do mà bằng sự sợ hãi của dân chúng, nó dùng vũ lực để buộc người dân phải thực hiện những tham vọng của giới thống trị. Nó nghĩ mình hơn cả tạo hóa nên phủ định kinh tế thị trường – một quy luật khách quan. Trái quy luật thì tất yếu dẫn đến sụp đổ cho dù lý tưởng của nó mong muốn sự công bằng cho mọi người. Sẽ không bao giờ có sự công bằng khi con người bị tước đoạt tự do và những quyền cơ bản của mình. Sau khi Mao Trạch Đông mất, Trung Quốc nhanh chóng nhận ra quy luật của kinh tế thị trường nên đã phát triển kinh tế nhanh chóng. Người dân nước này đã bị bần cùng hóa một thời gian dài nên lao vào làm giàu bằng mọi giá, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ điều gì để được giàu có. Hiểu được điều này nên giới cầm quyền Trung Quốc dễ dàng tiếp tục tước đoạt tự do của người dân để duy trì quyền lợi độc tôn về chính trị cho mình. Với người dân Trung Quốc bây giờ, muốn được làm giàu thì đừng nói đến chính trị. Một sự đánh đổi không xứng đáng, chỉ tạo ra lợi ích nhỏ cho giới cầm quyền.

Một dân tộc vĩ đại như Trung Quốc lẽ ra phải có một ví trí xứng đáng hơn nhiều so với hiện nay. Vị trí ấy sẽ không bao giờ có được đến khi nào mà tự do và nhân quyền của người Trung Hoa được tôn trọng một cách đầy đủ. Ngược lại, sự phát triển kinh tế như hiện nay sẽ dẫn đến một sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng, dễ dàng gây nên những rối loạn chính trị và hình thành nên một triều đại mới, giống như sự tồn vong của các chế độ phong kiến ở nước này xưa nay. Nhưng trước khi sụp đổ nó sẽ gây ra bao nhiêu tai họa cho cả thế giới. Khi một cá nhân hay một nhóm nhỏ cầm quyền cảm thấy mình có quyền lực tuyệt đối với hàng chục, hàng trăm triệu người thì sẽ dễ dàng nắm trong tay mình những nguồn lực khổng lồ. Tham vọng bá quyền tất sẽ phát sinh. Đang độc tôn về chính trị nên họ dễ dàng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi để phát động những cuộc chiến tranh tàn phá những dân tộc và quốc gia khác. Điều này đã từng xảy ra trong cả chủ nghĩa phong kiến, tư bản lẫn cộng sản.

Thảm họa và thách thức

Đức Quốc xã gây ra thảm họa thế chiến thứ II là một kinh nghiệm còn nóng hổi. Nước Đức sau thế chiến thứ I đã phục hồi và phát triển chóng mặt nhờ đi theo kinh tế thị trường và áp dụng các tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật trong một thiết chế dân chủ. Nhưng từ khi lên nắm quyền thủ tướng năm 1933, với nhiều mánh khóe đê hèn và thủ đoạn tàn nhẫn, Hitler đã dẫn nước Đức đến một nền chính trị độc đảng bằng một đạo luật qui định: “đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (tức đảng Quốc xã) là đảng chính trị duy nhất ở Đức. Mọi quyền tự do cá nhân, phát biểu ý kiến, tự do báo chí, quyền lập hội và tụ tập đều bị hạn chế và cấm đoán; người dân Đức dễ dàng bị lục soát và xâm phạm riêng tư. Tự do bị tước đoạt và sợ hãi được áp đặt lên toàn nước Đức. Chỉ hơn 5 năm sau đó nó đã gây ra một cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, tàn sát gần 70 triệu người vô tội.

Nhưng nó cũng nhanh chóng sụp đổ bất chấp nó đã từng tuyên bố: “Vận mệnh mới của dân tộc Đức được xác định chắc chắn trong một ngàn năm tới... Sẽ không cần có cuộc cách mạng nào khác ở Đức trong một ngàn năm nữa!”. Sụp đổ đó là tất yếu, nhưng những kẻ mang tham vọng điên cuồng luôn bị mờ mắt trước những cám dỗ của quyền lực tuyệt đỉnh, không nhận ra quy luật tất yếu vì những tiếng nói có trách nhiệm để soi sáng thực tế đều bị dập tắt từ trong trứng nước.

Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những nguy cơ tương tự. Nếu toàn cầu hóa thất bại trong việc tạo ra một sự phân bổ hợp lý thị trường thế giới và Trung Quốc không hình thành được một thiết chế dân chủ để đảm bảo tự do và các quyền cơ bản, kể cả quyền quyết định vận mệnh chính trị quốc gia cho người dân Trung Hoa; Nga không phát triển được nền dân chủ non trẻ dân chủ hơn nữa thì nguy cơ xảy ra một cuộc chiến diện rộng để tranh giành thị trường, ảnh hưởng và thỏa mãn tham vọng cá nhân được ẩn chứa trong những mục tiêu dân tộc là điều khó mà tránh khỏi. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho toàn nhân loại trong vòng 20 năm tới. Nhưng chính điều này tạo ra một vận hội mới cho Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm với hòa bình và ổn định của thế giới.

Sách lược Ô-ba-ma

Sau chiến tranh lạnh, thừa thắng, Phương Tây đứng đầu là Mỹ đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh chóng theo hướng tạo ra lợi thế cho mình và gây thiệt thòi lớn cho nhiều nước khác. Đây là một sai lầm vì nó làm gia tăng thêm sự bất ổn và nguy cơ cho thế giới, và nước Mỹ đã phải nhận lấy hậu quả của nó là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu lan rộng mà đỉnh điểm là vụ 11 tháng 9. Nặng nề hơn nữa là nó kéo Mỹ vào một cuộc chiến chống khủng bố làm tổn hao rất nhiều tiền của và nhân mạng. Nhưng người Mỹ giờ đây đã nhận ra những sai lầm đó nên bầu cho Barack Obama lên làm tổng thống của mình. Vị tổng thống mới đã được dân Mỹ lựa chọn bởi những quan điểm chiến lược táo bạo, mạnh dạn và rõ ràng hơn những người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Có thể đọc được những mấu chốt chiến lược này trong quyển sách nổi tiếng của ông - Hy vọng táo bạo(*):

“Đôi khi, chính sách đối ngoại của Mỹ khá nhìn xa trông rộng, vừa phục vụ lợi ích, lý tưởng của Mỹ, vừa vì lợi ích của các nước khác. Nhưng một vài lúc khác, chính sách của Mỹ đã đi sai đường do dựa trên những giả định sai lầm – bỏ qua mong muốn hợp lý của các dân tộc khác, làm suy giảm uy tín quốc gia, tạo ra một thế giới nguy hiểm hơn.” (trang 298)

“Toàn cầu hóa khiến cho nền kinh tế, sự thịnh vượng cũng như an ninh quốc gia của chúng ta gắn chặt với những sự kiện diễn ra ở đầu kia thế giới. Và trên trái đất này không có nước nào có khả năng hơn chúng ta để thiết lập nên một hệ thống toàn cầu hay xây dựng sự đồng thuận xung quanh một loạt những quy tắc hành xử quốc tế giúp mở rộng tự do, an toàn cho mỗi cá nhân và lợi ích kinh tế. Dù muốn hay không, nếu chúng ta muốn nước Mỹ an toàn hơn thì chúng ta phải giúp cả thế giới an toàn hơn … Việc Đức và Nhật gia nhập thế giới dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường tự do đã xóa bỏ nguy cơ xung đột giữa các cường quốc trong thế giới tự do” (trang 322)

“Chúng ta cần duy trì lực lượng quân sự chiến lược cho phép chúng ta kiểm soát được nguy cơ từ những quốc gia bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran cũng như đáp ứng được thách thức từ những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc.” (trang 324)

“Vì vậy, thách thức đối với chúng ta là phải đảm bảo các chính sách của Mỹ sẽ dẫn hệ thống quốc tế theo hướng công bằng hơn, có công lý hơn và thịnh vượng hơn – và các quy tắc chúng ta đề ra sẽ đem lại lợi ích cho cả nước Mỹ lẫn thế giới” (trang 332)

Do đó thay vì dùng sức mạnh để áp đặt những bất công thì ông chủ trương tạo ra những quan hệ thương mại bình đẳng hơn để mang đến nhiều cơ hội hơn cho các nước đối tác; thay vì chỉ xem dân chủ nhân quyền là những chiêu bài để mặc cả quyền lợi cho Mỹ như những chính phủ trước đây thì ông tin rằng nếu những giá trị tự do, dân chủ và quyền con người được thực thi bên ngoài nước Mỹ thì dân Mỹ vẫn là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Không khó để nhận ra một chiến lược toàn cầu mới mà ông Obama sẽ triển khai: thúc đẩy hòa bình để tránh chiến tranh; thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền để kiến tạo hòa bình và ổn định nhằm phát triển thịnh vượng bền vững. Sẽ không ít người hoài nghi khả năng vượt qua thách thức thực tế của ông. Nhưng một vị tổng thống bước lên vũ đài chính trị Mỹ mà không chịu sự chi phối tiền bạc của giới tài phiệt sẽ cho phép ông ta tự do và có nhiều quyền lực hơn để thực thi những suy nghĩ và chiến lược của chính mình. Thách thức lớn nhất của Obama là làm sao giữ được tính mạng.

Vận hội cho Việt Nam

Tổng thống Obama, vì thế, sẽ đặt mục tiêu làm sao để Trung Quốc có được một nền dân chủ, người dân Trung Hoa có được tự do và đầy đủ quyền con người để quyết định vận mệnh chính trị của đất nước mình một cách hòa bình. Điều đó sẽ tạo ra một sự ổn định và cân bằng để kiến tạo hòa bình lâu dài cho cả thế giới. Đây là một kế hoạch lớn và rất khó nhưng chắc chắn ông sẽ thực hiện. Và Mỹ sẽ chọn Việt Nam làm điểm nhắm chiến lược vì Việt Nam là mô hình không khác gì Trung Quốc. Nếu Việt Nam trở thành một nền dân chủ, tự do thì chắc chắn sẽ định hình niềm tin của người dân Trung Hoa và cả thế giới rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm phải tham gia vào thế giới tự do dân chủ. Niềm tin của con người là một sức mạnh to lớn, nền chính trị độc đảng Trung Quốc khó mà duy trì trước một sức mạnh hợp lực từ bên trong lẫn bên ngoài như vậy được. Nhưng mấu chốt quan trọng nhất để đảm bảo thắng lợi là bởi điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đại đa số nhân dân các dân tộc Trung Hoa và cho cả hòa bình của nhân loại. Các lợi ích chung đó sẽ hình thành nên những động lực mãnh liệt để đảm bảo mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được không quá 10 năm nữa.

Các đồng minh quan trọng của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những nước sẽ được hưởng lợi rất lớn khi mục tiêu chiến lược này hoàn thành nên chắc chắn sẽ hết sức mình chung tay cùng thực hiện. Không có lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam, không chỉ bởi sự giống nhau về mô hình với Trung Quốc mà còn bởi hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam rất thuận lợi cho chiến lược đó. Chính quyền hiện tại có thể xem đây là một nguy cơ và thách thức, nhưng nó thực sự là một cơ hội lớn cho đất nước Việt Nam. Không có gì tốt hơn là dân tộc Việt Nam cần chủ động chớp lấy thời cơ này, tự thay đổi mình trở nên dân chủ và tự do, đặt mình vào một mắt xích quan trọng trong chuỗi chiến lược toàn cầu này. Được như vậy Việt Nam ngoài việc góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo ổn định và hòa bình cho thế giới trong đó có mình, sẽ còn được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách của các cường quốc trong quá trình thực thi chiến lược này. Một cơ hội vàng để Việt Nam có thể xây dựng sự thịnh vượng bền vững từ tự do và dân chủ.

Ngược lại, nếu dân tộc Việt Nam vẫn thụ động, chính quyền vẫn bám lấy quyền lực thì cũng không thể ngăn cản được tiến trình lịch sử tất yếu. Một khi các cường quốc đã muốn thì họ sẽ thực hiện cho bằng được. Và cho dù Obama có chủ trương quan hệ công bằng thì quyền lợi chiến lược của nước Mỹ vẫn phải được đảm bảo trên hết. Và vì Trung Quốc mới là đích nhắm cuối cùng nên người Mỹ sẵn sàng chấp nhận một sự tự do dân chủ hình thức ở Việt Nam miễn không còn là cộng sản và độc đảng. Khi đó một lực lượng chính trị dễ vâng lời sẽ được hậu thuẫn để tạo ra những hiện tượng bên ngoài tưởng như tự do dân chủ. Chỉ có những kẻ cơ hội mới chấp nhận tham gia lực lượng chính trị như vậy. Và như thế sẽ tiếp tục là một bất hạnh cho đất nước Việt Nam. Chỉ khi nào dân tộc Việt Nam nhìn ra được thời cuộc và tiến trình tất yếu của lịch sử, giành lấy quyền lực về cho nhân dân, tự quyết định vận mệnh của dân tộc để chủ động tham gia vào xu thế đó một cách có chiến lược thì mới tạo ra cho mình một vận hội mới tốt đẹp hơn.

Quy luật của tất yếu

Chỉ khi đó Việt Nam mới trở thành lựa chọn tối ưu mang tính chiến lược, chứ không phải là một căn cứ chiến thuật để lợi dụng nhất thời nên chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội. Trong cuộc chiến với chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là những điểm nhắm chiến lược tối ưu trong khi đó Indonesia và Philippines chỉ là những căn cứ chiến thuật trong chiến lược của Mỹ chống sự bành trướng đỏ thời kỳ đầu chiến tranh lạnh. Mục tiêu chiến lược thời kỳ đó là đánh bại chủ nghĩa cộng sản nên Mỹ sẵn sàng chấp nhận thậm chí dung dưỡng cho những chế độ độc tài tham nhũng, điển hình nhất là Suharto ở Indonesia. Đó là một bài học mà chúng ta cần hiểu rõ để tránh cho Việt Nam. Chế độ Suharto cuối cùng cũng bị lật đổ bởi một cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến nền kinh tế Indonesia sụp đổ vì sự mục ruỗng được khéo léo che đậy trước đó bị phơi bày ra ánh sáng. Sẽ rất ngây thơ nếu cho rằng kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam cho dù có nhiều sự kiện tương đồng, nhưng sẽ càng kém khôn ngoan hơn nếu không hiểu rằng những quy luật suy vọng như thế không diễn ra ở trên đất nước này ở một hình thái khác, có khi còn nhanh chóng và khốc liệt hơn nhiều.

Quy luật tất yếu là một thực tế khách quan tồn tại từ thời mới khai thiên lập địa để chi phối sự vận hành của tất cả những gì trong vũ trụ này, và độc lập với ý chí con người – thực thể thông minh và phức tạp nhất của vũ trụ. Luật vạn vật hấp dẫn không phải mới có từ lúc nhà bác học Newton phát hiện ra, mà chỉ là từ lúc đó con người mới bắt đầu hiểu biết đến quy luật này. Thật khó mà hình dung được vũ trụ này tồn tại ra sao nếu không có một quy luật như thế vận hành. Thế giới ý thức và tâm linh của con người cũng vậy, chắc chắn tồn tại những quy luật khác nhau chi phối sự vận hành. Thật khó có thể tin rằng một thế giới phức tạp đến như vậy đã có thể tồn tại và phát triển cả ngàn năm nay mà không theo những quy luật nào đó. Nói cách khác, những gì trái với quy luật đều không thể tồn tại. Tùy trí tuệ con người phát triển tới đâu thì loài người mới nhìn ra và hiểu biết được các quy luật tất yếu khách quan đến đấy. Những gì chưa được biết là do trí tuệ con người chưa vươn được tới chứ không phải thực tế khách quan đó không tồn tại. Lịch sử của khoa học đã cho thấy khi nào con người hiểu biết và thuận theo những qui luật tất yếu thì sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Luật lục thất thập phân

Ngay cả sự tồn vong của các triều đại cũng tuân theo một quy luật. Những ai đọc qua sấm Trạng Trình đều có thể thấy rằng cụm từ lục thất, lục thất gian hay lục thất nguyệt gian được lặp lại nhiều lần trong các câu thơ sấm. Đó là một quy luật tồn vong của các triều đại được thiên tài Nguyễn Bỉnh Khiêm mô hình hóa thành một cách tính toán đơn giản. Một gian lục thất (6+7) là 13 năm, một nguyệt gian hay một gian thập phân là 10 năm (đây là cách ẩn dụ của Trạng Trình, ngày xưa theo âm lịch, 1 tuần trăng – nguyệt là 10 ngày). Hãy xem xét 3 triều đại liền kề nhau từ Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Nhà Hậu Lê do Lê Lợi sáng lập năm 1428 và kết thúc hoàn toàn vào năm 1789 sau khi Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh và bị Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan. Tổng cộng tồn tại 361 năm, tương đương với 27 gian lục thất (27 x 13 = 351 năm) cộng thêm 1 gian thập phân (351 + 10 = 361 năm). 27 gian lục thất từ năm thành lập, tức rơi vào năm 1779 (1428 + 351), đây là năm đánh dấu sự suy vong của triều đại nhà hậu Lê vì năm đó Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế nhà Tây Sơn. Nhà Hậu Lê đã suy yếu từ cả trăm năm trước, có thời gian bị nhà Mạc lật đổ, sau đó khôi phục lại và dẫn đến hình thành triều Lê Trung Hưng với chúa Trịnh đàng Ngoài chúa Nguyễn đàng Trong. Dù vậy danh nghĩa nhà Lê vẫn ngự trị trong lòng dân chúng nên cho dù nắm mọi quyền bính trong triều đình Bắc Hà nhưng các đời chúa Trịnh không bao giờ dám xưng đế vì sợ mất lòng dân. Ngay cả ở đàng Trong, dù hùng cứ một phương nhưng các chúa Nguyễn vẫn tôn nhà Lê là thiên tử. Nhưng vào năm 1779, một triều đại mới ra đời dám xưng đế và không chịu bất kỳ ảnh hưởng và quyền lực nào của triều Lê. Và đúng 10 năm sau đó, chính nhà Tây Sơn đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Hậu Lê. Tóm lại, nhà Hậu Lê sinh năm 1428, vong năm 1779 (sau sinh 27 gian lục thất) và tận năm 1789 (sau vong thêm một gian thập phân nữa).

Nhà Tây Sơn được khởi sự bởi 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Khởi nghĩa vào năm 1771, đến năm Mậu Tuất 1778 thì Tây Sơn đã làm chủ gần một nửa đất nước, từ Quảng Nam đến Hà Tiên. Vào cuối năm Mậu Tuất (tức đầu năm 1779) thì Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đóng đô tại Qui Nhơn và lấy hiệu là Thái Đức, chính thức khai sinh ra triều đại Tây Sơn. Triều đại này đã có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm nhưng đã không dàn xếp được tranh giành trong nội bộ gia đình nên chỉ đúng 1 gian lục thất sau đó (1779 + 13), tức năm 1792, đã bước vào suy vong. Cùng năm đó Nguyễn Ánh đã chiếm lại gần hết phần đất miền Nam và tiến đánh thành Qui Nhơn, còn vua Quang Trung Nguyễn Huệ - người đứng đầu triều đình Tây Sơn lúc đó thì đột ngột qua đời. Và đúng 10 năm (1 gian thập phân) sau đó, tức năm 1802, Nguyễn Ánh đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn, bắt sống vua Cảnh Thịnh Quang Toản, chấm dứt triều đại Tây Sơn tồn tại 23 năm. Tóm lại nhà Tây Sơn sinh năm 1779, vong năm 1792 (sau sinh 1 gian lục thất) và tận năm 1802 (sau vong thêm 1 gian thập phân nữa).

Cùng năm đó, triều Nguyễn được thành lập bởi Nguyễn Ánh, lấy hiệu Gia Long. Dù bị Pháp xâm chiếm năm 1858 nhưng triều Nguyễn vẫn tồn tại song song với chính quyền bảo hộ thực dân thêm gần 100 năm nữa. Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại bị chính quyền Cách mạng tháng 8 lật đổ vào năm 1945, đúng bằng 11 gian lục thất sau năm sinh (1802 + 11 x 13 = 1945). Nhưng đây mới chỉ là năm vong của nhà Nguyễn. Sau khi giả chấp nhận làm cố vấn Vĩnh Thụy cho chủ tịch Hồ Chí Minh một thời gian ngắn thì Bảo Đại bỏ trốn rồi theo chân pháp về miền Nam thành lập Quốc gia Việt Nam và giữ chức quốc trưởng. Đến năm 1955 quốc trưởng Bảo Đại bị thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế bằng một cuộc trưng cầu dân ý, mất hoàn toàn quyền lực, thành dân thường và bắt đầu cuộc sống lưu vong bên Pháp. Như vậy triều Nguyễn tồn tại 153 năm, bắt đầu sinh vào 1802, vong năm 1945 (sau sinh 11 gian lục thất) và tận năm 1955 (sau vong thêm 1 gian thập phân nữa).

Tự do và dân chủ

Số gian lục thất cũng có quy luật để tính toán. Với triều đại Cộng sản do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1945, số gian lục thất là 5, 2010 là năm vong, 2020 là năm tận. Cũng chẳng cần hiểu biết luật lục thất thập phân, chỉ cần phân tích biện chứng tình hình, bối cảnh chung, đánh giá những động lực bên trong và bên ngoài, nhận thức của những người cầm chèo cầm lái, … thì cũng có thể nhận ra được những biến động từ nay đến 2010. Đó cũng không nằm ngoài quy luật nhân quả. Xét cho cùng, không ai đánh bại được chủ nghĩa Cộng sản trên toàn cầu nếu nó tốt và phù hợp với quy luật tất yếu. Nó suy vong là bởi chính nó. Sự xuất hiện những tác nhân bên ngoài cũng chỉ là kết quả theo quy luật từ cái nhân bên trong tạo ra. Các tác nhân bên ngoài sẽ tôn tạo hay hủy diệt cái bên trong cũng là do cái nhân sinh ra từ bên trong đó. Triều đại Cộng sản Việt Nam sẽ suy vong nhanh chóng là tất yếu không thể cản lại được bởi chính những sai lầm của nó.

Điều nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cần quan tâm trên hết lúc này là một thời đại mới sẽ hình thành như thế nào, chúng ta có nắm bắt được vận hội mới để tham gia kiến tạo hòa bình và ổn định cho toàn thế giới, qua đó tận dụng cơ hội để phát triển thịnh vượng bền vững hay không. Điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào ước nguyện bây giờ của chúng ta. Nếu chúng ta lại rơi vào cái bẫy của nghèo đói hoặc của sự tham lam mà mong ước một xã hội thế nào cũng được miễn có thể kiếm tiền nhiều hơn thì lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta sẽ không đi được đến đó. Nhưng nếu chúng ta mong cầu tự do; mong được có đầy đủ quyền con người mà tạo hóa dành cho chúng ta; kiên quyết nắm lấy quyền quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc mình bằng lá phiếu của mình để lựa chọn những thành phần ưu tú nhất lãnh đạo đất nước thì chúng ta sẽ có tất cả.

Chúng ta sẽ có quyền làm giàu và cũng có quyền không thích làm giàu, nhưng không ai có quyền tước đoạt hay ban phát những cơ hội đó của chúng ta. Chúng ta sẽ có quyền nói lên tiếng nói của mình mà không phải sợ hãi cho dù đó là những lời phê bình chỉ trích những nhà lãnh đạo. Lịch sử đã cho thấy rõ là những xã hội như thế thì luôn phát triển thịnh vượng và bền vững, mọi người trong đó luôn có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp. Những doanh nhân chân chính khát khao làm giàu để làm ra của cải vật chất cho mình và cho xã hội thì chỉ cần phục vụ khách hàng và thỏa mãn cổ đông chứ không phải những quan chức nhà nước. Nhìn những doanh nhân “đại gia” nhất nước hiện nay phải cung kính trước mặt hoặc lấp xấp chạy theo các quan chức không chỉ tạo ra hình ảnh của sự bất công mà còn là sự hạ thấp phẩm giá của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa này, Việt Nam cần những doanh nhân có tư thế lớn, ngẩng cao đầu. Người Nhật đã rất giận dữ khi doanh nhân của họ cúi đầu đút lót cho quan chức Việt Nam.

Và chủ quyền quốc gia

Một nền tự do dân chủ cũng sẽ giúp chúng ta bảo vệ chủ quyền đất nước, chống việc xâm lấn biên giới lãnh hải hiệu quả. Nếu quyền lực tối cao của Việt Nam thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam và quyền lực tối cao của Trung Quốc thuộc về nhân dân Trung Quốc thì chắc chắn hai dân tộc sẽ lựa chọn giải pháp chung sống hòa thuận để cùng nhau phát triển hòa bình. Thật đáng buồn với tình trạng hiện nay, khi quyền lực thuộc về một nhóm nhỏ cầm quyền ở cả 2 nước thì kẻ mạnh kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi kêu gọi đánh chiếm Việt Nam, còn kẻ yếu thì trấn áp sự biểu lộ tinh thần yêu nước chống xâm lăng. Trong một xã hội mà quyền quyết định cuối cùng thuộc về nhân dân thì những tham vọng cá nhân muốn xâm chiếm nước khác không thể phát triển, nếu có cũng không thể thực hiện được vì điều đó đi trái ngược với ý muốn của đa số dân chúng. Tuyệt đại đa số con người trên trái đất này đều muốn hòa bình, không muốn đổ máu chém giết lẫn nhau. Người ta chỉ phải làm điều đó khi bị bắt buộc.

Nhật Bản sau 50 năm duy tân bằng những tư tưởng tự do đưa đến một sự cường thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Nhưng do không có một thiết chế dân chủ hiệu quả để duy trì tự do và dân chủ, nước Nhật đã sa vào chủ nghĩa quân phiệt rồi gây bao nhiêu chiến tranh khốc liệt, tàn sát hàng chục triệu người vô tội bởi tư tưởng đại Đông Á bệnh hoạn. Người Nhật cũng bị xua vào những cái chết vô nghĩa. Cuối cùng nó đã bị đánh bại một cách nhục nhã ê chề. Nhưng người Nhật đã nhanh chóng nhận ra sai lầm đó, họ hiểu rằng cần tôn trọng tự do và quyền quyết định vận mệnh đất nước của người dân. Và họ đã xây dựng một thiết chế hiệu quả để duy trì và đảm bảo dân chủ. Nhờ vậy mà nước Nhật đã đứng lên, phát triển nhanh chóng từ đống đổ nát. Cũng dân tộc Nhật đó nhưng gần 65 năm nay đã chung sống hòa bình với cả thế giới. Người Đức cũng đã như thế, không còn là mối đe dọa an ninh cho bất kỳ nước nào. Nước Mỹ tự do và dân chủ cũng không tránh khỏi vài lúc xuất hiện những tư tưởng bá quyền của tầng lớp lãnh đạo, nhưng với quyền lực thực tế luôn thuộc về nhân dân Mỹ, nó dễ dàng thay đổi nhanh chóng để đưa về đúng với quỹ đạo của tự do, bình đẳng, bác ái, chống quyền lực tuyệt đối mà nó theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập quốc.

Do vậy, thay vì đấu tranh phản đối Trung Quốc đe dọa biên giới lãnh hải Việt Nam, chúng ta cần đấu tranh để có được tự do, có đủ quyền con người và một thiết chế dân chủ hiệu quả. Khi đó chúng ta có quyền thể hiện lòng yêu nước của mình mà không phải chờ được phép.

Gửi những người Cộng sản

Những người Cộng sản Việt Nam hơn lúc nào hết nên nhận ra thời cuộc. Lịch sử sẽ sang trang và chấm dứt vai trò lịch sử của đảng Cộng sản. Lịch sử sẽ tiếp tục đi về phía trước. Việc phán xét công trạng của đảng Cộng sản cũng sẽ thuộc về lịch sử. Nhưng cho dù thế nào thì lịch sử cũng đã lựa chọn đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi thuộc địa. Việt Nam ta đang đứng trước một vận hội lịch sử để có thể đóng một vai trò quan trọng trong một chiến lược toàn cầu để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho toàn thế giới. Vận hội đó cần một hình thái nhà nước và mô hình chính trị khác với hiện tại. Đó là sự phát triển tất yếu theo quy luật. Đó không phải là sự phủ định lịch sử. Việt Nam có sứ mạng lịch sử để trở thành một nơi cân bằng và giao thoa về kinh tế, văn hóa, chính trị giữa đông và tây để duy trì sự ổn định và hòa bình cho thế giới. Hãy để lịch sử tiến về phía trước nếu không muốn bị bánh xe lịch sử đè bẹp.

Bánh xe lịch sử đó nếu không đến từ trong thì cũng sẽ đến từ bên ngoài. Trong diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Obama đã nói:

“Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm.”

“Chúa trao cho mọi người quyền được bình đẳng, quyền được tự do, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.”

“Và do đó đối với tất cả các dân tộc và chính phủ khác đang theo dõi chúng ta hôm nay, từ các thủ đô lớn nhất tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi ra đời: quý vị biết rằng nước Mỹ là bạn bè với từng quốc gia, từng cá nhân dù là nam hay nữ, từng đứa trẻ, đang tìm kiếm tương lai hoà bình và phẩm giá, và chúng ta sẵn sàng để đi đầu một lần nữa.”

Chúc Tết năm Kỷ Sửu

Nếu người Mỹ gốc Phi bao lâu nay chỉ ước nguyện làm giàu là trên hết thì sẽ còn rất lâu nữa người da đen mới có thể chiếm ưu thế tuyệt đối trong nền kinh tế Mỹ. Nhưng họ đã ước nguyện đến tự do, đến quyền làm người của mình để đến ngày hôm nay họ có một tổng thống của nước Mỹ.

Do vậy năm mới, thay vì chúc nhau phát tài, chúng ta hãy chúc nhau và cùng nguyện ước đến tự do và quyền con người. Chúc cho Việt Nam dân chủ.

Xin hãy gửi lời chúc này đến tất cả người dân Việt.

Chào Kỷ Sửu. Đón chào một vận hội mới của Việt Nam.

Trần Đông Chấn

Mùa xuân, mùng 8 Tết Kỷ Sửu 2009


(*) Nhà xuất

Năm mới ai cũng nguyện ước về những điều tốt đẹp, mọi người thường chúc nhau tài lộc và thịnh vượng. Làm giàu là mong muốn chính đáng và tự nhiên của con người, là quyền con người mà ai cũng được hưởng. Những nơi nào người ta được tự do làm giàu thì xã hội nơi đó sẽ phát triển thịnh vượng bền vững và bình đẳng. Ngược lại, ở những đâu mà cái quyền làm giàu ấy bị biến thành đặc quyền để những người cầm quyền ban phát thì ở đấy dẫy bất công và sẽ phát triển không bền vững.

Tự do hay làm giàu

Muốn giàu có và làm cuộc sống tốt đẹp hơn là điều con người hướng tới và tìm kiếm từ hàng nghìn năm trước, nhưng xã hội loài người chỉ mới thực sự phát triển thịnh vượng được vài trăm năm nay. Người ta thường gắn cho thành tựu vĩ đại này là nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Điều đó không sai, nhưng bước tiến bộ nhảy vọt về khoa học kỹ thuật này chỉ là quả, nhân của nó chính là sự giải phóng tự do và tư tưởng con người. Có tự do và quyền con người nên người ta mới thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi để hiểu rõ được những quy luật của tự nhiên; mới không sợ hãi phát biểu chính kiến của mình để tìm ra những giải pháp tốt nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để tạo ra các phát minh, sáng chế; hiểu được quy luật kinh tế; và sáng tạo ra những hệ tư tưởng chính trị, triết học làm thay đổi hình thái nhà nước hiệu quả hơn. Lịch sử đã chứng minh rằng một xuất phát điểm ở phía sau nhưng đặt quyền tự do của con người lên trước đã thắng và vượt xa một xuất phát điểm ở phía trước nhưng không coi trọng quyền và sự tự do của con người.

Trong cả thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Châu Âu cộng lại. Vào lúc đó, khi mà triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn đang say sưa với sức mạnh của mình và tiếp tục tìm mọi cách để đạt mục tiêu là kẻ mạnh nhất giàu nhất, thì Phương Tây bắt đầu những cuộc cách mạng về nhân quyền với mục tiêu hàng đầu là giành bằng được quyền tự do của con người. Chỉ 50 năm sau, Trung Quốc đã trở thành một kẻ to xác nhược tiểu bị các nước phương Tây xâu xé, rồi sau đó bị Nhật – một láng giềng nhỏ bé đi theo mô hình phương Tây xâm chiếm. Triều đình Mãn Thanh phải ký hàng loạt các hiệp ước bán nước nhục nhã. Trong cùng thời gian đó, thế giới phương Tây đã phát triển nhanh chóng, đạt đến sự thịnh vượng bền vững. Điển hình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước này đã đưa vào trong hiến pháp đầu tiên của mình sự bảo về quyền con người, tự do của con người lên trên tất cả những thứ cần bảo vệ khác. Hiến pháp Hoa Kỳ đã hiệu chỉnh nhiều lần nhưng ở đó sự tự do thiêng liêng của con người vẫn luôn là ngự trị số một. Không phải tự nhiên mà Mỹ trở thành quốc gia cường thịnh như ngày nay. Tự do cho con người cũng không phải là thứ tự nhiên mà có.

Cuộc cách mạng nhân quyền

Khi con người có tự do và có đủ quyền con người thì chắc chắn sẽ làm cho mình giàu có hơn và đồng thời làm xã hội phát triển thịnh vượng bền vững. Đó là một quy luật tất yếu mà loài người đã nhìn ra được. Phương Tây đã biết thuận theo quy luật ấy nên đã phát triển đến kinh ngạc, tạo ra giá trị của cải trong vòng 200 năm của thế kỷ 19 và 20 lớn hơn mấy ngàn năm trước đó của cả thế giới cộng lại. Cách mạng nhân quyền không chỉ mang đến cho con người sự tự do mà còn cho nhân loại cả sự thịnh vượng chưa từng có. Trước khi nhìn ra và hiểu được quy luật tất yếu này, xã hội loài người tiến triển rất chậm chạp. Những nền văn minh sớm nhất như Ai Cập, Trung Quốc cuối cùng đều bị tàn lụi. Cho dù trải qua hàng nghìn năm phát triển nhưng trong các xã hội này quyền con người chưa bao giờ được tôn trọng một cách đầy đủ. Thay vào đó là các mục tiêu đại cường, bá chủ mà thực chất là tham vọng cá nhân của những kẻ cầm quyền. Quyền tự do của con người đã bị tước đoạt để thực hiện các tham vọng như vậy.

Liên Xô trong thế kỷ 20 cũng đã từng dẫn đầu thế giới rất nhiều mặt, nhưng ngay sau đó không lâu nó sụp đổ và tan rã nhanh chóng. Nó đạt được đỉnh cao ngắn ngủi không phải bằng tự do mà bằng sự sợ hãi của dân chúng, nó dùng vũ lực để buộc người dân phải thực hiện những tham vọng của giới thống trị. Nó nghĩ mình hơn cả tạo hóa nên phủ định kinh tế thị trường – một quy luật khách quan. Trái quy luật thì tất yếu dẫn đến sụp đổ cho dù lý tưởng của nó mong muốn sự công bằng cho mọi người. Sẽ không bao giờ có sự công bằng khi con người bị tước đoạt tự do và những quyền cơ bản của mình. Sau khi Mao Trạch Đông mất, Trung Quốc nhanh chóng nhận ra quy luật của kinh tế thị trường nên đã phát triển kinh tế nhanh chóng. Người dân nước này đã bị bần cùng hóa một thời gian dài nên lao vào làm giàu bằng mọi giá, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ điều gì để được giàu có. Hiểu được điều này nên giới cầm quyền Trung Quốc dễ dàng tiếp tục tước đoạt tự do của người dân để duy trì quyền lợi độc tôn về chính trị cho mình. Với người dân Trung Quốc bây giờ, muốn được làm giàu thì đừng nói đến chính trị. Một sự đánh đổi không xứng đáng, chỉ tạo ra lợi ích nhỏ cho giới cầm quyền.

Một dân tộc vĩ đại như Trung Quốc lẽ ra phải có một ví trí xứng đáng hơn nhiều so với hiện nay. Vị trí ấy sẽ không bao giờ có được đến khi nào mà tự do và nhân quyền của người Trung Hoa được tôn trọng một cách đầy đủ. Ngược lại, sự phát triển kinh tế như hiện nay sẽ dẫn đến một sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng, dễ dàng gây nên những rối loạn chính trị và hình thành nên một triều đại mới, giống như sự tồn vong của các chế độ phong kiến ở nước này xưa nay. Nhưng trước khi sụp đổ nó sẽ gây ra bao nhiêu tai họa cho cả thế giới. Khi một cá nhân hay một nhóm nhỏ cầm quyền cảm thấy mình có quyền lực tuyệt đối với hàng chục, hàng trăm triệu người thì sẽ dễ dàng nắm trong tay mình những nguồn lực khổng lồ. Tham vọng bá quyền tất sẽ phát sinh. Đang độc tôn về chính trị nên họ dễ dàng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi để phát động những cuộc chiến tranh tàn phá những dân tộc và quốc gia khác. Điều này đã từng xảy ra trong cả chủ nghĩa phong kiến, tư bản lẫn cộng sản.

Thảm họa và thách thức

Đức Quốc xã gây ra thảm họa thế chiến thứ II là một kinh nghiệm còn nóng hổi. Nước Đức sau thế chiến thứ I đã phục hồi và phát triển chóng mặt nhờ đi theo kinh tế thị trường và áp dụng các tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật trong một thiết chế dân chủ. Nhưng từ khi lên nắm quyền thủ tướng năm 1933, với nhiều mánh khóe đê hèn và thủ đoạn tàn nhẫn, Hitler đã dẫn nước Đức đến một nền chính trị độc đảng bằng một đạo luật qui định: “đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (tức đảng Quốc xã) là đảng chính trị duy nhất ở Đức. Mọi quyền tự do cá nhân, phát biểu ý kiến, tự do báo chí, quyền lập hội và tụ tập đều bị hạn chế và cấm đoán; người dân Đức dễ dàng bị lục soát và xâm phạm riêng tư. Tự do bị tước đoạt và sợ hãi được áp đặt lên toàn nước Đức. Chỉ hơn 5 năm sau đó nó đã gây ra một cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, tàn sát gần 70 triệu người vô tội.

Nhưng nó cũng nhanh chóng sụp đổ bất chấp nó đã từng tuyên bố: “Vận mệnh mới của dân tộc Đức được xác định chắc chắn trong một ngàn năm tới... Sẽ không cần có cuộc cách mạng nào khác ở Đức trong một ngàn năm nữa!”. Sụp đổ đó là tất yếu, nhưng những kẻ mang tham vọng điên cuồng luôn bị mờ mắt trước những cám dỗ của quyền lực tuyệt đỉnh, không nhận ra quy luật tất yếu vì những tiếng nói có trách nhiệm để soi sáng thực tế đều bị dập tắt từ trong trứng nước.

Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những nguy cơ tương tự. Nếu toàn cầu hóa thất bại trong việc tạo ra một sự phân bổ hợp lý thị trường thế giới và Trung Quốc không hình thành được một thiết chế dân chủ để đảm bảo tự do và các quyền cơ bản, kể cả quyền quyết định vận mệnh chính trị quốc gia cho người dân Trung Hoa; Nga không phát triển được nền dân chủ non trẻ dân chủ hơn nữa thì nguy cơ xảy ra một cuộc chiến diện rộng để tranh giành thị trường, ảnh hưởng và thỏa mãn tham vọng cá nhân được ẩn chứa trong những mục tiêu dân tộc là điều khó mà tránh khỏi. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho toàn nhân loại trong vòng 20 năm tới. Nhưng chính điều này tạo ra một vận hội mới cho Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm với hòa bình và ổn định của thế giới.

Sách lược Ô-ba-ma

Sau chiến tranh lạnh, thừa thắng, Phương Tây đứng đầu là Mỹ đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh chóng theo hướng tạo ra lợi thế cho mình và gây thiệt thòi lớn cho nhiều nước khác. Đây là một sai lầm vì nó làm gia tăng thêm sự bất ổn và nguy cơ cho thế giới, và nước Mỹ đã phải nhận lấy hậu quả của nó là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu lan rộng mà đỉnh điểm là vụ 11 tháng 9. Nặng nề hơn nữa là nó kéo Mỹ vào một cuộc chiến chống khủng bố làm tổn hao rất nhiều tiền của và nhân mạng. Nhưng người Mỹ giờ đây đã nhận ra những sai lầm đó nên bầu cho Barack Obama lên làm tổng thống của mình. Vị tổng thống mới đã được dân Mỹ lựa chọn bởi những quan điểm chiến lược táo bạo, mạnh dạn và rõ ràng hơn những người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Có thể đọc được những mấu chốt chiến lược này trong quyển sách nổi tiếng của ông - Hy vọng táo bạo(*):

“Đôi khi, chính sách đối ngoại của Mỹ khá nhìn xa trông rộng, vừa phục vụ lợi ích, lý tưởng của Mỹ, vừa vì lợi ích của các nước khác. Nhưng một vài lúc khác, chính sách của Mỹ đã đi sai đường do dựa trên những giả định sai lầm – bỏ qua mong muốn hợp lý của các dân tộc khác, làm suy giảm uy tín quốc gia, tạo ra một thế giới nguy hiểm hơn.” (trang 298)

“Toàn cầu hóa khiến cho nền kinh tế, sự thịnh vượng cũng như an ninh quốc gia của chúng ta gắn chặt với những sự kiện diễn ra ở đầu kia thế giới. Và trên trái đất này không có nước nào có khả năng hơn chúng ta để thiết lập nên một hệ thống toàn cầu hay xây dựng sự đồng thuận xung quanh một loạt những quy tắc hành xử quốc tế giúp mở rộng tự do, an toàn cho mỗi cá nhân và lợi ích kinh tế. Dù muốn hay không, nếu chúng ta muốn nước Mỹ an toàn hơn thì chúng ta phải giúp cả thế giới an toàn hơn … Việc Đức và Nhật gia nhập thế giới dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường tự do đã xóa bỏ nguy cơ xung đột giữa các cường quốc trong thế giới tự do” (trang 322)

“Chúng ta cần duy trì lực lượng quân sự chiến lược cho phép chúng ta kiểm soát được nguy cơ từ những quốc gia bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran cũng như đáp ứng được thách thức từ những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc.” (trang 324)

“Vì vậy, thách thức đối với chúng ta là phải đảm bảo các chính sách của Mỹ sẽ dẫn hệ thống quốc tế theo hướng công bằng hơn, có công lý hơn và thịnh vượng hơn – và các quy tắc chúng ta đề ra sẽ đem lại lợi ích cho cả nước Mỹ lẫn thế giới” (trang 332)

Do đó thay vì dùng sức mạnh để áp đặt những bất công thì ông chủ trương tạo ra những quan hệ thương mại bình đẳng hơn để mang đến nhiều cơ hội hơn cho các nước đối tác; thay vì chỉ xem dân chủ nhân quyền là những chiêu bài để mặc cả quyền lợi cho Mỹ như những chính phủ trước đây thì ông tin rằng nếu những giá trị tự do, dân chủ và quyền con người được thực thi bên ngoài nước Mỹ thì dân Mỹ vẫn là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Không khó để nhận ra một chiến lược toàn cầu mới mà ông Obama sẽ triển khai: thúc đẩy hòa bình để tránh chiến tranh; thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền để kiến tạo hòa bình và ổn định nhằm phát triển thịnh vượng bền vững. Sẽ không ít người hoài nghi khả năng vượt qua thách thức thực tế của ông. Nhưng một vị tổng thống bước lên vũ đài chính trị Mỹ mà không chịu sự chi phối tiền bạc của giới tài phiệt sẽ cho phép ông ta tự do và có nhiều quyền lực hơn để thực thi những suy nghĩ và chiến lược của chính mình. Thách thức lớn nhất của Obama là làm sao giữ được tính mạng.

Vận hội cho Việt Nam

Tổng thống Obama, vì thế, sẽ đặt mục tiêu làm sao để Trung Quốc có được một nền dân chủ, người dân Trung Hoa có được tự do và đầy đủ quyền con người để quyết định vận mệnh chính trị của đất nước mình một cách hòa bình. Điều đó sẽ tạo ra một sự ổn định và cân bằng để kiến tạo hòa bình lâu dài cho cả thế giới. Đây là một kế hoạch lớn và rất khó nhưng chắc chắn ông sẽ thực hiện. Và Mỹ sẽ chọn Việt Nam làm điểm nhắm chiến lược vì Việt Nam là mô hình không khác gì Trung Quốc. Nếu Việt Nam trở thành một nền dân chủ, tự do thì chắc chắn sẽ định hình niềm tin của người dân Trung Hoa và cả thế giới rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm phải tham gia vào thế giới tự do dân chủ. Niềm tin của con người là một sức mạnh to lớn, nền chính trị độc đảng Trung Quốc khó mà duy trì trước một sức mạnh hợp lực từ bên trong lẫn bên ngoài như vậy được. Nhưng mấu chốt quan trọng nhất để đảm bảo thắng lợi là bởi điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đại đa số nhân dân các dân tộc Trung Hoa và cho cả hòa bình của nhân loại. Các lợi ích chung đó sẽ hình thành nên những động lực mãnh liệt để đảm bảo mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được không quá 10 năm nữa.

Các đồng minh quan trọng của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những nước sẽ được hưởng lợi rất lớn khi mục tiêu chiến lược này hoàn thành nên chắc chắn sẽ hết sức mình chung tay cùng thực hiện. Không có lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam, không chỉ bởi sự giống nhau về mô hình với Trung Quốc mà còn bởi hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam rất thuận lợi cho chiến lược đó. Chính quyền hiện tại có thể xem đây là một nguy cơ và thách thức, nhưng nó thực sự là một cơ hội lớn cho đất nước Việt Nam. Không có gì tốt hơn là dân tộc Việt Nam cần chủ động chớp lấy thời cơ này, tự thay đổi mình trở nên dân chủ và tự do, đặt mình vào một mắt xích quan trọng trong chuỗi chiến lược toàn cầu này. Được như vậy Việt Nam ngoài việc góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo ổn định và hòa bình cho thế giới trong đó có mình, sẽ còn được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách của các cường quốc trong quá trình thực thi chiến lược này. Một cơ hội vàng để Việt Nam có thể xây dựng sự thịnh vượng bền vững từ tự do và dân chủ.

Ngược lại, nếu dân tộc Việt Nam vẫn thụ động, chính quyền vẫn bám lấy quyền lực thì cũng không thể ngăn cản được tiến trình lịch sử tất yếu. Một khi các cường quốc đã muốn thì họ sẽ thực hiện cho bằng được. Và cho dù Obama có chủ trương quan hệ công bằng thì quyền lợi chiến lược của nước Mỹ vẫn phải được đảm bảo trên hết. Và vì Trung Quốc mới là đích nhắm cuối cùng nên người Mỹ sẵn sàng chấp nhận một sự tự do dân chủ hình thức ở Việt Nam miễn không còn là cộng sản và độc đảng. Khi đó một lực lượng chính trị dễ vâng lời sẽ được hậu thuẫn để tạo ra những hiện tượng bên ngoài tưởng như tự do dân chủ. Chỉ có những kẻ cơ hội mới chấp nhận tham gia lực lượng chính trị như vậy. Và như thế sẽ tiếp tục là một bất hạnh cho đất nước Việt Nam. Chỉ khi nào dân tộc Việt Nam nhìn ra được thời cuộc và tiến trình tất yếu của lịch sử, giành lấy quyền lực về cho nhân dân, tự quyết định vận mệnh của dân tộc để chủ động tham gia vào xu thế đó một cách có chiến lược thì mới tạo ra cho mình một vận hội mới tốt đẹp hơn.

Quy luật của tất yếu

Chỉ khi đó Việt Nam mới trở thành lựa chọn tối ưu mang tính chiến lược, chứ không phải là một căn cứ chiến thuật để lợi dụng nhất thời nên chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội. Trong cuộc chiến với chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là những điểm nhắm chiến lược tối ưu trong khi đó Indonesia và Philippines chỉ là những căn cứ chiến thuật trong chiến lược của Mỹ chống sự bành trướng đỏ thời kỳ đầu chiến tranh lạnh. Mục tiêu chiến lược thời kỳ đó là đánh bại chủ nghĩa cộng sản nên Mỹ sẵn sàng chấp nhận thậm chí dung dưỡng cho những chế độ độc tài tham nhũng, điển hình nhất là Suharto ở Indonesia. Đó là một bài học mà chúng ta cần hiểu rõ để tránh cho Việt Nam. Chế độ Suharto cuối cùng cũng bị lật đổ bởi một cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến nền kinh tế Indonesia sụp đổ vì sự mục ruỗng được khéo léo che đậy trước đó bị phơi bày ra ánh sáng. Sẽ rất ngây thơ nếu cho rằng kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam cho dù có nhiều sự kiện tương đồng, nhưng sẽ càng kém khôn ngoan hơn nếu không hiểu rằng những quy luật suy vọng như thế không diễn ra ở trên đất nước này ở một hình thái khác, có khi còn nhanh chóng và khốc liệt hơn nhiều.

Quy luật tất yếu là một thực tế khách quan tồn tại từ thời mới khai thiên lập địa để chi phối sự vận hành của tất cả những gì trong vũ trụ này, và độc lập với ý chí con người – thực thể thông minh và phức tạp nhất của vũ trụ. Luật vạn vật hấp dẫn không phải mới có từ lúc nhà bác học Newton phát hiện ra, mà chỉ là từ lúc đó con người mới bắt đầu hiểu biết đến quy luật này. Thật khó mà hình dung được vũ trụ này tồn tại ra sao nếu không có một quy luật như thế vận hành. Thế giới ý thức và tâm linh của con người cũng vậy, chắc chắn tồn tại những quy luật khác nhau chi phối sự vận hành. Thật khó có thể tin rằng một thế giới phức tạp đến như vậy đã có thể tồn tại và phát triển cả ngàn năm nay mà không theo những quy luật nào đó. Nói cách khác, những gì trái với quy luật đều không thể tồn tại. Tùy trí tuệ con người phát triển tới đâu thì loài người mới nhìn ra và hiểu biết được các quy luật tất yếu khách quan đến đấy. Những gì chưa được biết là do trí tuệ con người chưa vươn được tới chứ không phải thực tế khách quan đó không tồn tại. Lịch sử của khoa học đã cho thấy khi nào con người hiểu biết và thuận theo những qui luật tất yếu thì sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Luật lục thất thập phân

Ngay cả sự tồn vong của các triều đại cũng tuân theo một quy luật. Những ai đọc qua sấm Trạng Trình đều có thể thấy rằng cụm từ lục thất, lục thất gian hay lục thất nguyệt gian được lặp lại nhiều lần trong các câu thơ sấm. Đó là một quy luật tồn vong của các triều đại được thiên tài Nguyễn Bỉnh Khiêm mô hình hóa thành một cách tính toán đơn giản. Một gian lục thất (6+7) là 13 năm, một nguyệt gian hay một gian thập phân là 10 năm (đây là cách ẩn dụ của Trạng Trình, ngày xưa theo âm lịch, 1 tuần trăng – nguyệt là 10 ngày). Hãy xem xét 3 triều đại liền kề nhau từ Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Nhà Hậu Lê do Lê Lợi sáng lập năm 1428 và kết thúc hoàn toàn vào năm 1789 sau khi Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh và bị Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan. Tổng cộng tồn tại 361 năm, tương đương với 27 gian lục thất (27 x 13 = 351 năm) cộng thêm 1 gian thập phân (351 + 10 = 361 năm). 27 gian lục thất từ năm thành lập, tức rơi vào năm 1779 (1428 + 351), đây là năm đánh dấu sự suy vong của triều đại nhà hậu Lê vì năm đó Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế nhà Tây Sơn. Nhà Hậu Lê đã suy yếu từ cả trăm năm trước, có thời gian bị nhà Mạc lật đổ, sau đó khôi phục lại và dẫn đến hình thành triều Lê Trung Hưng với chúa Trịnh đàng Ngoài chúa Nguyễn đàng Trong. Dù vậy danh nghĩa nhà Lê vẫn ngự trị trong lòng dân chúng nên cho dù nắm mọi quyền bính trong triều đình Bắc Hà nhưng các đời chúa Trịnh không bao giờ dám xưng đế vì sợ mất lòng dân. Ngay cả ở đàng Trong, dù hùng cứ một phương nhưng các chúa Nguyễn vẫn tôn nhà Lê là thiên tử. Nhưng vào năm 1779, một triều đại mới ra đời dám xưng đế và không chịu bất kỳ ảnh hưởng và quyền lực nào của triều Lê. Và đúng 10 năm sau đó, chính nhà Tây Sơn đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Hậu Lê. Tóm lại, nhà Hậu Lê sinh năm 1428, vong năm 1779 (sau sinh 27 gian lục thất) và tận năm 1789 (sau vong thêm một gian thập phân nữa).

Nhà Tây Sơn được khởi sự bởi 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Khởi nghĩa vào năm 1771, đến năm Mậu Tuất 1778 thì Tây Sơn đã làm chủ gần một nửa đất nước, từ Quảng Nam đến Hà Tiên. Vào cuối năm Mậu Tuất (tức đầu năm 1779) thì Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đóng đô tại Qui Nhơn và lấy hiệu là Thái Đức, chính thức khai sinh ra triều đại Tây Sơn. Triều đại này đã có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm nhưng đã không dàn xếp được tranh giành trong nội bộ gia đình nên chỉ đúng 1 gian lục thất sau đó (1779 + 13), tức năm 1792, đã bước vào suy vong. Cùng năm đó Nguyễn Ánh đã chiếm lại gần hết phần đất miền Nam và tiến đánh thành Qui Nhơn, còn vua Quang Trung Nguyễn Huệ - người đứng đầu triều đình Tây Sơn lúc đó thì đột ngột qua đời. Và đúng 10 năm (1 gian thập phân) sau đó, tức năm 1802, Nguyễn Ánh đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn, bắt sống vua Cảnh Thịnh Quang Toản, chấm dứt triều đại Tây Sơn tồn tại 23 năm. Tóm lại nhà Tây Sơn sinh năm 1779, vong năm 1792 (sau sinh 1 gian lục thất) và tận năm 1802 (sau vong thêm 1 gian thập phân nữa).

Cùng năm đó, triều Nguyễn được thành lập bởi Nguyễn Ánh, lấy hiệu Gia Long. Dù bị Pháp xâm chiếm năm 1858 nhưng triều Nguyễn vẫn tồn tại song song với chính quyền bảo hộ thực dân thêm gần 100 năm nữa. Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại bị chính quyền Cách mạng tháng 8 lật đổ vào năm 1945, đúng bằng 11 gian lục thất sau năm sinh (1802 + 11 x 13 = 1945). Nhưng đây mới chỉ là năm vong của nhà Nguyễn. Sau khi giả chấp nhận làm cố vấn Vĩnh Thụy cho chủ tịch Hồ Chí Minh một thời gian ngắn thì Bảo Đại bỏ trốn rồi theo chân pháp về miền Nam thành lập Quốc gia Việt Nam và giữ chức quốc trưởng. Đến năm 1955 quốc trưởng Bảo Đại bị thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế bằng một cuộc trưng cầu dân ý, mất hoàn toàn quyền lực, thành dân thường và bắt đầu cuộc sống lưu vong bên Pháp. Như vậy triều Nguyễn tồn tại 153 năm, bắt đầu sinh vào 1802, vong năm 1945 (sau sinh 11 gian lục thất) và tận năm 1955 (sau vong thêm 1 gian thập phân nữa).

Tự do và dân chủ

Số gian lục thất cũng có quy luật để tính toán. Với triều đại Cộng sản do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1945, số gian lục thất là 5, 2010 là năm vong, 2020 là năm tận. Cũng chẳng cần hiểu biết luật lục thất thập phân, chỉ cần phân tích biện chứng tình hình, bối cảnh chung, đánh giá những động lực bên trong và bên ngoài, nhận thức của những người cầm chèo cầm lái, … thì cũng có thể nhận ra được những biến động từ nay đến 2010. Đó cũng không nằm ngoài quy luật nhân quả. Xét cho cùng, không ai đánh bại được chủ nghĩa Cộng sản trên toàn cầu nếu nó tốt và phù hợp với quy luật tất yếu. Nó suy vong là bởi chính nó. Sự xuất hiện những tác nhân bên ngoài cũng chỉ là kết quả theo quy luật từ cái nhân bên trong tạo ra. Các tác nhân bên ngoài sẽ tôn tạo hay hủy diệt cái bên trong cũng là do cái nhân sinh ra từ bên trong đó. Triều đại Cộng sản Việt Nam sẽ suy vong nhanh chóng là tất yếu không thể cản lại được bởi chính những sai lầm của nó.

Điều nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cần quan tâm trên hết lúc này là một thời đại mới sẽ hình thành như thế nào, chúng ta có nắm bắt được vận hội mới để tham gia kiến tạo hòa bình và ổn định cho toàn thế giới, qua đó tận dụng cơ hội để phát triển thịnh vượng bền vững hay không. Điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào ước nguyện bây giờ của chúng ta. Nếu chúng ta lại rơi vào cái bẫy của nghèo đói hoặc của sự tham lam mà mong ước một xã hội thế nào cũng được miễn có thể kiếm tiền nhiều hơn thì lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta sẽ không đi được đến đó. Nhưng nếu chúng ta mong cầu tự do; mong được có đầy đủ quyền con người mà tạo hóa dành cho chúng ta; kiên quyết nắm lấy quyền quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc mình bằng lá phiếu của mình để lựa chọn những thành phần ưu tú nhất lãnh đạo đất nước thì chúng ta sẽ có tất cả.

Chúng ta sẽ có quyền làm giàu và cũng có quyền không thích làm giàu, nhưng không ai có quyền tước đoạt hay ban phát những cơ hội đó của chúng ta. Chúng ta sẽ có quyền nói lên tiếng nói của mình mà không phải sợ hãi cho dù đó là những lời phê bình chỉ trích những nhà lãnh đạo. Lịch sử đã cho thấy rõ là những xã hội như thế thì luôn phát triển thịnh vượng và bền vững, mọi người trong đó luôn có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp. Những doanh nhân chân chính khát khao làm giàu để làm ra của cải vật chất cho mình và cho xã hội thì chỉ cần phục vụ khách hàng và thỏa mãn cổ đông chứ không phải những quan chức nhà nước. Nhìn những doanh nhân “đại gia” nhất nước hiện nay phải cung kính trước mặt hoặc lấp xấp chạy theo các quan chức không chỉ tạo ra hình ảnh của sự bất công mà còn là sự hạ thấp phẩm giá của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa này, Việt Nam cần những doanh nhân có tư thế lớn, ngẩng cao đầu. Người Nhật đã rất giận dữ khi doanh nhân của họ cúi đầu đút lót cho quan chức Việt Nam.

Và chủ quyền quốc gia

Một nền tự do dân chủ cũng sẽ giúp chúng ta bảo vệ chủ quyền đất nước, chống việc xâm lấn biên giới lãnh hải hiệu quả. Nếu quyền lực tối cao của Việt Nam thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam và quyền lực tối cao của Trung Quốc thuộc về nhân dân Trung Quốc thì chắc chắn hai dân tộc sẽ lựa chọn giải pháp chung sống hòa thuận để cùng nhau phát triển hòa bình. Thật đáng buồn với tình trạng hiện nay, khi quyền lực thuộc về một nhóm nhỏ cầm quyền ở cả 2 nước thì kẻ mạnh kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi kêu gọi đánh chiếm Việt Nam, còn kẻ yếu thì trấn áp sự biểu lộ tinh thần yêu nước chống xâm lăng. Trong một xã hội mà quyền quyết định cuối cùng thuộc về nhân dân thì những tham vọng cá nhân muốn xâm chiếm nước khác không thể phát triển, nếu có cũng không thể thực hiện được vì điều đó đi trái ngược với ý muốn của đa số dân chúng. Tuyệt đại đa số con người trên trái đất này đều muốn hòa bình, không muốn đổ máu chém giết lẫn nhau. Người ta chỉ phải làm điều đó khi bị bắt buộc.

Nhật Bản sau 50 năm duy tân bằng những tư tưởng tự do đưa đến một sự cường thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Nhưng do không có một thiết chế dân chủ hiệu quả để duy trì tự do và dân chủ, nước Nhật đã sa vào chủ nghĩa quân phiệt rồi gây bao nhiêu chiến tranh khốc liệt, tàn sát hàng chục triệu người vô tội bởi tư tưởng đại Đông Á bệnh hoạn. Người Nhật cũng bị xua vào những cái chết vô nghĩa. Cuối cùng nó đã bị đánh bại một cách nhục nhã ê chề. Nhưng người Nhật đã nhanh chóng nhận ra sai lầm đó, họ hiểu rằng cần tôn trọng tự do và quyền quyết định vận mệnh đất nước của người dân. Và họ đã xây dựng một thiết chế hiệu quả để duy trì và đảm bảo dân chủ. Nhờ vậy mà nước Nhật đã đứng lên, phát triển nhanh chóng từ đống đổ nát. Cũng dân tộc Nhật đó nhưng gần 65 năm nay đã chung sống hòa bình với cả thế giới. Người Đức cũng đã như thế, không còn là mối đe dọa an ninh cho bất kỳ nước nào. Nước Mỹ tự do và dân chủ cũng không tránh khỏi vài lúc xuất hiện những tư tưởng bá quyền của tầng lớp lãnh đạo, nhưng với quyền lực thực tế luôn thuộc về nhân dân Mỹ, nó dễ dàng thay đổi nhanh chóng để đưa về đúng với quỹ đạo của tự do, bình đẳng, bác ái, chống quyền lực tuyệt đối mà nó theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập quốc.

Do vậy, thay vì đấu tranh phản đối Trung Quốc đe dọa biên giới lãnh hải Việt Nam, chúng ta cần đấu tranh để có được tự do, có đủ quyền con người và một thiết chế dân chủ hiệu quả. Khi đó chúng ta có quyền thể hiện lòng yêu nước của mình mà không phải chờ được phép.

Gửi những người Cộng sản

Những người Cộng sản Việt Nam hơn lúc nào hết nên nhận ra thời cuộc. Lịch sử sẽ sang trang và chấm dứt vai trò lịch sử của đảng Cộng sản. Lịch sử sẽ tiếp tục đi về phía trước. Việc phán xét công trạng của đảng Cộng sản cũng sẽ thuộc về lịch sử. Nhưng cho dù thế nào thì lịch sử cũng đã lựa chọn đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi thuộc địa. Việt Nam ta đang đứng trước một vận hội lịch sử để có thể đóng một vai trò quan trọng trong một chiến lược toàn cầu để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho toàn thế giới. Vận hội đó cần một hình thái nhà nước và mô hình chính trị khác với hiện tại. Đó là sự phát triển tất yếu theo quy luật. Đó không phải là sự phủ định lịch sử. Việt Nam có sứ mạng lịch sử để trở thành một nơi cân bằng và giao thoa về kinh tế, văn hóa, chính trị giữa đông và tây để duy trì sự ổn định và hòa bình cho thế giới. Hãy để lịch sử tiến về phía trước nếu không muốn bị bánh xe lịch sử đè bẹp.

Bánh xe lịch sử đó nếu không đến từ trong thì cũng sẽ đến từ bên ngoài. Trong diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Obama đã nói:

“Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm.”

“Chúa trao cho mọi người quyền được bình đẳng, quyền được tự do, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.”

“Và do đó đối với tất cả các dân tộc và chính phủ khác đang theo dõi chúng ta hôm nay, từ các thủ đô lớn nhất tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi ra đời: quý vị biết rằng nước Mỹ là bạn bè với từng quốc gia, từng cá nhân dù là nam hay nữ, từng đứa trẻ, đang tìm kiếm tương lai hoà bình và phẩm giá, và chúng ta sẵn sàng để đi đầu một lần nữa.”

Chúc Tết năm Kỷ Sửu

Nếu người Mỹ gốc Phi bao lâu nay chỉ ước nguyện làm giàu là trên hết thì sẽ còn rất lâu nữa người da đen mới có thể chiếm ưu thế tuyệt đối trong nền kinh tế Mỹ. Nhưng họ đã ước nguyện đến tự do, đến quyền làm người của mình để đến ngày hôm nay họ có một tổng thống của nước Mỹ.

Do vậy năm mới, thay vì chúc nhau phát tài, chúng ta hãy chúc nhau và cùng nguyện ước đến tự do và quyền con người. Chúc cho Việt Nam dân chủ.

Xin hãy gửi lời chúc này đến tất cả người dân Việt.

Chào Kỷ Sửu. Đón chào một vận hội mới của Việt Nam.

Trần Đông Chấn

Mùa xuân, mùng 8 Tết Kỷ Sửu 2009

Tải file pdf và prc tại đây

(*) Nhà xuất bản Trẻ in tháng 10-2008, dịch từ nguyên bản The Audacity of Hope – Barack Obama – 2006.

Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Trang chủ