BẮT ĐẦU RẠN NỨT

SGTT hôm qua đăng bài Ngay thẳng dưới đây của Huy Đức. Trước hết xin tỏ lòng ngưỡng mộ SGTT và nhà báo Huy Đức đã dũng cảm đưa những tin tức mà chẳng ai dám lên tiếng. Tôi còn nghe nói rằng mẹ của Thủ Tướng đã sỉ vả Tỉnh Ủy Bình Dương không ra gì về vụ việc này.

Ngay thẳng

Sáng 17.4.2009, một người thân của đương kim Thủ tướng cũng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp. Anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu đang quản lý vườn cao su cho bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ tướng, kể: Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất ba người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm.

Vườn cao su kể trên thuộc 642ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ.

Tháng 6.2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp sổ đỏ cho 40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho phép công ty XNK Bình Dương thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp An Tây trên khu đất này. Số đất mà sáu năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha, nay để làm khu công nghiệp, một công ty quốc doanh đền bù với giá gần 1 tỉ/ha. Kiên quyết làm khu công nghiệp, chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10.2007, công ty XNK Bình Dương đã chi ra hơn 500 tỉ để đền bù cho vườn cao su.

Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ. Nhưng, vấn đề là trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một số là người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy không đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng cũng lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.

Một quan chức địa phương xin giấu tên nói rằng họ biết trong số những người phản đối sáng 17.4 có vợ chồng người chị ruột của Thủ tướng nhưng chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào. Chuyện mua bán, đền bù vườn cao su đúng sai rồi sẽ còn phải làm rõ, nhưng tinh thần sự ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Bến Cát là một thái độ hành xử đáng ghi nhận.

Huy Đức

Tôi cũng có theo dõi vụ này và nhiều vụ khác tương tự trong chuỗi các sự kiện cho thấy mâu thuẫn giữa anh 6 (Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết) và anh 3 (Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã bắt đầu rạn nứt nặng nề. Vụ việc ở Bến Cát Bình Dương trên đây chỉ là một trong hàng chục vụ khác nhau, kể cả Thủ Thiêm Q2, TP.HCM mà anh 6 đã nhiều lần yêu cầu anh 3 phải tránh để quyền lợi người thân và gia đình làm ảnh hưởng và chi phối các quyết định của pháp luật ở địa phương. Nhưng hầu hết đều không có sự chuyển biến tích cực. Vụ cưỡng chế xảy mà Huy Đức nói thực chất có sự bật đèn xanh của anh 6 nên Tỉnh Bình Dương mới dám làm mạnh tay như vậy.

Tôi sẽ có bài viết sâu hơn về vấn đến anh 6 và anh 3 gửi đến mọi người sau.

Mấy ngày rồi thật bức xúc về việc cô gái trẻ 22 tuổi bị dây điện 15KV đứt rơi xuống đường giật chết. Ba ngày rồi mà chẳng thấy mống nào đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức, thay vào đó là những lời lẽ mà trong một xã hội bình thường người ta sẽ không thể nghe nó phát ra từ mồm con người. Như cứ tưởng đó là những lời chống chế tạm thời cho qua cơn dư luận, nào ngờ sáng nay đọc báo mới thấy rằng ngành điện chính thức gửi văn bản giải trình cho Thành ủy HCM bảo lưu ý kiến là do sét đánh nên dây điện mới đứt, và rơ le vẫn hoạt động nhưng do rơi trên nền xi măng nên nó không có tác dụng. Tôi đã phục vụ cho chính quyền nhiều năm, cũng thấy nhiều chuyện ngang trái nhưng chưa bao giờ chứng kiến những kẻ ăn trên ngồi trốc coi mạng người rẻ rúng, coi thường công chúng và đạp lên cả dư luận, xem những chuyên gia ngành điện chẳng ra gì khi dám ký một văn bản như vậy.

Tôi hỏi một thằng bạn thưở nối khố, là kỹ sư lâu năm trong ngành điện, nó bảo nếu nói là do sét đánh mà đứt dây điện thì chắc quanh năm suốt tháng sẽ chứng kiến cảnh này hàng ngàn lần. Còn cái rơ le không hoạt động vì chúng nó tham nhũng, xài đồ dỏm nên không ngắt được mỗi khi có thay đổi đột biến. Thằng bạn bảo tôi rằng các loại thiết bị kém chất lượng như vậy vài năm gần đây bị đưa vào lắp đặt rất nhiều. Trước đây đám tham quan chỉ dám làm như thế đối với những cái không đòi hỏi độ an toàn cao như điện kế điện tử, gần đây thì chúng chẳng từ thứ gì bất chấp an toàn và tính mạng của người dân. Một thằng bạn khác làm quan chức nhỏ của Chính phủ còn nói thêm rằng “cả mua thiết bị quốc phòng, khí tài còn sẵn sàng chơi đồ dỏm, điện đóm là cái đếch gì”. Ấy thế mà an ninh quốc gia vẫn là những lý do nghe rất thuyết phục đám tham quan cơ hội luôn ra rả mỗi khi muốn ngăn chặn hay trù dập những xu thế hay con người cấp tiến.

Cách đây khoảng một tháng, đọc báo thấy những chủ xe buýt, xe khách bảo với các tài xế rằng cứ đảm bảo đúng giờ, nếu một năm cán chết không quá 2 mạng người thì chủ lo hết. Đọc xong những tin tức đó cứ ù tai đến giờ. Xã hội bây giờ không chỉ có giới chủ tàn nhẫn vô lương tâm mà quan chức còn hơn thế nữa. Mạng người chẳng đáng một chút gì để cái lương tâm của đám người này phải lên tiếng. Mạng người còn thế, nhân cách, nhân phẩm chỉ còn là những thứ vứt sọt rác, nói chi đến công bằng dân chủ văn minh.

Tối qua nghe một chuyện còn buồn hơn nữa. Một công nhân người Việt bị đám công nhân Trung Quốc đang khai thác bôxít ở Tây Nguyên đánh hội đồng bị thương nặng, thừa chết thiếu sống, cả tuần nay rồi nhưng chẳng thấy chính quyền vào cuộc điều tra làm rõ. Không khéo sắp tới đây chúng ngang nhiên bắn dân ta rồi sự việc sẽ được chìm xuồng như vụ Trung Quốc bắn chết ngư dân mình ngay trên vùng biển Bắc bộ của mình.

Thật là đáng buồn.

CƠ HỘI CHO VIỆT NAM?

Đọc bài về chuyến thăm của ông John McCain đến Việt Nam trên BBC những bước đi của Mỹ đang dần rõ ràng tại Việt Nam và vùng biển Đông. Việt Nam đứng trước một cơ hội để làm "mô hình để các nước noi theo". Những phát biểu trong bài này có nhiều điểm tương đồng với nhận định trong bài Kỷ Sửu và Vận hội của VN của TĐC.

Theo tôi thì đây là cơ hội của VN nhưng không biết có nắm bắt được không, xin ý kiến của mọi người.

Đăng lại bài trên BBC:

Cựu ứng cử viên chức Tổng thống Hoa Kỳ John McCain vừa lên tiếng kêu gọi có bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-Việt.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Học viện Ngoại giao chiều thứ Ba 07/04, ông McCain nói: "Đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hóa sang hiện đại hóa quan hệ giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới".

"Chúng ta không nên tự thỏa mãn với thành công và để cho mối quan hệ ngưng trệ."

"Đã đến lúc cần có bước đi mới."

Ông John McCain hiện đang ở Hà Nội trong ngày cuối của chuyến thăm hai ngày tới đất nước mà ông có nhiều 'duyên nợ' kể từ khi còn là phi công trong quân đội Hoa Kỳ.

Nói chuyện với các sinh viên ngành ngoại giao, mà ông gọi là "thế hệ lãnh đạo mới" của đất nước, ông McCain khẳng định Việt Nam sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kỷ nguyên mới của quan hệ Hoa Kỳ và châu Á.

Tuy nhiên ông khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải có hành động để nắm lấy cơ hội, như củng cố thể chế pháp quyền, thúc đẩy cởi mở xã hội, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở và bảo vệ môi trường.

"Tôi cho rằng, những bước đi đó không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết."

Thách thức an ninh mới

Với tư cách người đứng đầu phe Cộng hòa tại Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ, ông McCain đặt chủ đề an ninh và quốc phòng cao trong nghị trình chuyến thăm Á châu một tuần lần này.

Tại Hà Nội, ông nhấn mạnh rằng "an ninh và tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ mật thiết" và rằng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ có lợi cho cả hai bên.

Ông McCain cảnh báo: "Như vụ gây hấn của các tàu Trung Quốc với tàu Impeccable cho thấy, chúng ta đang đối mặt với những thách thức an ninh mới trong khu vực".

"Chúng tôi có mối quan tâm và lợi ích trong việc tự do lưu thông đường biển trong khu vực và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các nơi khác."

Ông thượng nghị sỹ tuyên bố Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế kinh tế và ngoại giao của mình, nay tới lúc khẳng định vai trò về xã hội và chính trị.

Để làm việc đó, theo ông, Việt Nam cần tự do hóa chính trị, như "thúc đẩy quyền tự do xã hội, cho phép tự do ngôn luận rộng rãi hơn, trả tự do cho tất cả các cá nhân bị cầm tù vì thể hiện chính kiến của mình một cách hoà bình, cải thiện nhân quyền, và mở rộng phạm vi hoạt động chính trị".

"Bằng những bước tự do hóa chính trị mạnh mẽ hơn... Việt Nam có thể trở thành một mô hình để các nước khác noi theo."

Cùng chiều thứ Ba, ông McCain đã có cuộc họp báo tại Hà Nội. Sau Việt Nam, ông sẽ tới Trung Quốc và Nhật Bản.

Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Trang chủ