Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X kết thúc đã gần tròn 5 tháng, bộ Chính trị mới – cơ quan lãnh đạo cao nhất nước đã chính thức nắm quyền tối cao được đúng 150 ngày. Bộ máy lãnh đạo cao cấp trẻ hơn này được giao cho một sứ mệnh quan trọng: đưa đất nước bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa thành công để khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng ngoài những kết quả bề nổi, sự thiếu vắng những hoạch định mục tiêu theo chiều sâu, những kiến tạo chiến lược dài hạn không khỏi làm người ta lo lắng.
Khó có thể tìm thấy những điều trên từ các văn kiện trước và sau đại hội X. Những hoạt động thực tế của các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước và chính phủ trong 5 tháng qua được báo chí và truyền hình đưa tin và nhấn mạnh cũng chỉ xung quanh các vấn đề chống tham nhũng, thăm các địa phương, tiếp khách và viếng thăm quốc tế. Người dân chỉ nhận những thông tin thường xuyên như Việt Nam sẽ gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức cao, các tổ chức và báo chí nước ngoài khen tặng sự phát triển của Việt Nam, các bước chuẩn bị cho APEC 2006, thông tin về các vụ án tham nhũng và sự thể hiện kiên quyết chống tham nhũng của hệ thống chính trị.
Những thông tin thế này có thể giúp người dân phấn kích và có niềm tin trong ngắn hạn để tiếp tục đầu tư làm ăn giúp tăng trưởng kinh tế tiếp tục trong một vài năm tới. Nhưng nếu muốn đảm bảo sự tăng trưởng tốt hơn, dài hơn trong những tầm chiến lược 5 năm, 10 năm hay 20 năm tới thì người dân cũng cần phải biết những hoạch định và tầm nhìn quốc gia một cách tương ứng để có kế hoạch làm ăn phù hợp. Các qui hoạch vĩ mô trong 20 năm qua chủ yếu chỉ mang tính đối phó và thường chạy theo các xu thế tự phát của các thành phần kinh tế nhà nước, đầu tư nước ngoài. Gần như không thể tìm thấy các thông tin như: so sánh phân tích lợi thế quốc gia so với các quốc gia khác trong nền kinh tế toàn cầu hóa; vị thế của Việt Nam trong mạng lưới giao thông và viễn thông quốc tế sẽ như thế nào trong những năm tới; tầm nhìn văn hóa Việt Nam có vai trò ra sao trong một nền văn hóa đa phương toàn cầu; chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân là gì. Nói chung là những hoạch định mang tầm chiến lược để định vị Việt Nam trong một thế giới toàn cầu hóa như thế nào về kinh tế, văn hóa và chính trị, để từ đó xác định các chiến lược giáo dục quốc gia, chăm sóc y tế thích hợp nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các quốc sách đó.
Các nhà lập pháp đang tập trung xây dựng và sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng nhằm đáp ứng các yêu cầu Việt Nam đã cam kết để gia nhập WTO. Đó là những việc làm cần thiết nhưng chưa đủ, nó mới là một vế của hội nhập. Ở vế còn lại, các đại diện dân cử cần phải thúc đẩy và tạo sức ép lên hệ thống hành pháp nhằm đảm bảo rằng người dân sẽ được tạo các điều kiện cần thiết để có thể tận dụng được các cơ hội rất lớn do hội nhập tạo ra, giảm thiểu những nguy cơ cũng lớn không kém trong môi trường đó. Mỗi người dân cần được trang bị kiến thức và các công cụ cần thiết, và cần được hiểu biết những dẫn hướng chiến lược của quốc gia một cách đúng đắn để có thể hành động hướng đến những mục tiêu chung thì mới có thể tạo được sức mạnh cộng hưởng đưa đất nước phát triển mạnh.
Thành quả của 20 mươi năm qua là rõ rệt và không thể phủ nhận nhưng hãy nhìn nhận thẳng thắn rằng đó là kết quả của một quá trình cởi trói những gì ta đã tự buộc mình. Và cũng cần dũng cảm nhìn thẳng vào những hệ quả xấu, những nguy cơ trầm trọng đã bị tạo ra trong 20 mươi năm qua do những yếu kém về thiếu tầm nhìn hoạch định chiến lược. Tự cởi trói không phải là việc làm dễ dàng, và vẫn còn rất nhiều cái cần phải tiếp tục được cởi trói nhưng trong giai đoạn mới hiện nay nó không còn mang tính đột phá nữa.
Muốn hội nhập thành công và đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu để vươn lên có một vị trí đáng kể trong thế giới toàn cầu hóa thì đòi hỏi một sự Trao quyền sâu rộng cho người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Trao quyền không chỉ đơn thuần là xã hội hóa một số các hoạt động kinh tế - xã hội. Đó là một đại kế hoạch để làm sao chính quyền tin vào dân, để làm sao xây dựng niềm tin cho dân vào chính quyền rồi từ đó tạo mọi điều kiện công bằng cho tất cả mọi người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội được tự do tham gia vào tất cả các hoạt động khác nhau của đất nước theo những dẫn hướng chiến lược mà chính quyền hoạch định. Trao quyền lại càng không phải là các biện pháp cởi trói tiếp tục như các chương trình cải cách thủ tục hành chính đang được thực hiện.
Cởi trói chỉ cần sự dũng cảm nhưng Trao quyền thì phải cần cả bi, trí lẫn dũng.
Nếu đảng Cộng sản tiếp tục đổi mới lần thứ hai bằng chủ động Trao quyền một cách sâu rộng thì lịch sử sẽ được viết tiếp bởi họ. Bằng không thì chắc chắn sẽ xảy ra một sự kiện tương tự như giá-lương-tiền cách đây 20 năm để buộc đổi mới một cách toàn diện. Nhưng khi đó liệu lịch sử có tiếp tục trao sứ mệnh ấy cho đảng Cộng sản nữa hay không? E là không. Hai mươi năm trước chính sách giá-lương-tiền ra đời để hy vọng giải quyết những bế tắc của xã hội nhưng nó lại tạo ra một sự khủng hoảng trầm trọng. May mắn thay chính sự thất bại này lại giật sập hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp để tạo ra một áp lực cực lớn buộc thay đổi. Phe cấp tiến trong đảng Cộng sản đã nắm bắt cơ hội ấy để tạo ra một làn sóng đổi mới theo kiểu cởi trói từng bước và được các tầng lớp khác nhau trong xã hội ủng hộ. Nhưng chú ý rằng xã hội lúc ấy thỏa mãn với tiến trình đổi mới đó vì nó đã bị trói buộc chặt từ hàng chục năm trước, nhu cầu của con người lúc ấy rất đơn giản chỉ là ăn no mặc ấm. Cho nên người dân dễ dàng chấp nhận sự thay đổi dù có chậm chạp từng bước miễn là có tốt hơn.
Nhưng bây giờ nhu cầu của dân không chỉ là ăn ngon mặc đẹp mà còn là những đòi hỏi về tinh thần cao hơn như văn hóa, bản sắc, tôn giáo, nhân quyền, tự tôn dân tộc, v.v… Hai mươi năm trước, đất nước vẫn chưa hội nhập và các rào cản hành chính còn có thể được dựng lên. Còn trong giai đoạn hiện nay, việc mở cửa cho hội nhập nhưng vẫn cố gắng kiểm soát đa phần không gian vận hành của xã hội cũng sẽ tương tự như giá-lương-tiền, tức cố gắng giải quyết những vấn đề của xã hội bằng những giải pháp không theo qui luật vân động khách quan. Kết quả sẽ khó tránh khỏi một sự khủng hoảng nặng nề.
Lực lượng sản xuất bây giờ đã phát triển mạnh hơn trước đây 20 năm rất nhiều, từng cá nhân hoàn toàn có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, xã hội và cả chính trị nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Họ đòi hỏi một không gian rộng lớn hơn và phải được Trao quyền thực sự để có thể hoạt động và phát huy sức mạnh của mình nhằm tạo lợi ích cho mình và cho đất nước. Lực lượng này sẽ còn phát triển nhanh và mạnh hơn sau khi đất nước gia nhập WTO, nó sẽ bao gồm nhiều thành phần trong nước lẫn nước ngoài. Không quá 5 năm nữa sự phát triển về lượng của nó sẽ đủ lớn để dẫn đến sự biến đổi về chất, đủ sức trở thành một lực lượng chính trị mạnh để thay đổi cái không gian chật hẹp dù đang được nới lỏng từng bước. Đó là sự vận động tất yếu theo qui luật. Nếu đảng Cộng sản không nhanh chóng thúc đẩy hỗ trợ cho các thành phần kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh về lượng và chất thì lực lượng chính trị mới nổi lên sẽ là đại diện chủ yếu của các thành phần kinh tế nước ngoài. Tình trạng này đã xảy ra rất nhiều ở các nước Mỹ La Tinh.
Hơn nữa, nếu không thay đổi chính sách duy trì lạm phát cao để thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng thuần túy thì chắc chắn rằng một bộ phận rất lớn người dân sẽ bị bần cùng hóa và gia tăng cách biệt giàu nghèo, vốn luôn là nguyên nhân của các bất ổn xã hội. Chưa kể những cam kết giảm thuế nhập khẩu nông sản, dỡ bỏ các biện pháp trợ cấp xuất khẩu nông sản và hàng may mặc ngay sau khi gia nhập WTO sẽ tạo ra những tác động rất xấu lên hàng chục triệu lao động chưa có điều kiện để nắm bắt ngay những cơ hội mới được tạo ra bởi toàn cầu hóa. Điều này sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định xã hội, đẩy hàng chục triệu lao động này trở thành lực lượng quần chúng đa số nhưng dễ bị lôi kéo bởi các lực lượng chính trị có tiềm lực kinh tế mạnh. Sẽ là một bất hạnh của dân tộc Lạc Hồng nếu như các lực lượng chính trị đó không phải đại diện cho thành phần kinh tế tư nhân mang tính dân tộc.
Hãy đặt niềm tin vào thành phần kinh tế tư nhân, đây chính là lực lượng ưu tú để bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế đất nước, phát huy và lan tỏa bản sắc, văn hóa dân tộc. Dù chỉ mới hình thành 15 năm nay trong điều kiện không hề được ưu đãi gì của nhà nước như hỗ trợ tín dụng, tài chính, đầu tư và các đặc quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp quốc doanh; như ưu đãi thuế và các chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài; có lúc còn bị kỳ thị nặng nề vậy mà lực lượng này vẫn phát triển không ngừng với tốc độ chóng mặt, vươn lên đóng góp tới hơn 40% GDP từ con số gần như không, giải quyết hơn 50% nhu cầu lao động toàn xã hội. 15 năm qua chỉ mới là giai đoạn khởi động, thành phần này sẽ tăng tốc đến bất ngờ sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Để đầu tư phát triển khu vực này rất đơn giản là không đầu tư gì cả, chính quyền chỉ cần tạo một sân chơi công bằng, không cần phải nặng nề quản lý và tìm nguồn vốn đầu tư cho khu vực kinh tế quốc doanh, không cần phải giảm nguồn thu ngân sách để ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Hãy dành các nguồn vốn đó để tăng cường đầu tư cho giáo dục, giao thông, y tế, quốc phòng.
Chính quyền hãy thúc đẩy xã hội phát triển bằng niềm tin (Trao quyền) và ước mơ (các dẫn hướng chiến lược của quốc gia), không nên tác động vào lòng uất hận của dân chúng. Đảng Cộng sản đang cố gắng củng cố niềm tin của dân bằng những tuyên bố và hành động thể hiện quyết tâm chống tham nhũng vì ai cũng biết rằng lòng dân đã rất tức giận quốc nạn này. Những biện pháp rùm beng ấy chỉ làm thỏa cơn giận của dân chúng trong một thời gian ngắn vì ai cũng không tin rằng chúng có thể thực sự chống được tham nhũng. Trong nhiều năm qua, thường cứ sau những chiến dịch chống tham nhũng được tuyên bố rất quyết liệt thì nạn tham nhũng lại phát triển lên một qui mô lớn hơn, tinh vi hơn. Người dân lại càng tức giận, chính quyền lại phải ra những tuyên bố to tiếng và xử lý một vài vụ án điểm để xoa dịu lòng dân. Cứ như vậy lập lại trong hơn 10 năm qua. Điều này tạo ra những hiệu ứng tâm lý rất lệch lạc của một bộ phận không nhỏ trong xã hội chỉ nghĩ cách tạo ra của cải cho mình bằng cách "đòi lại sự công bằng" thay vì phải phấn đấu để làm ra thêm giá trị cho xã hội. Có rất nhiều người chính đáng đã phải trở thành nạn nhân của sự trút giận và "điều tiết lại thu nhập" như vậy. Xã hội đang ẩn chứa những cơn sóng ngầm của u uất và hằn thù dễ dẫn đến biến động.
Tham nhũng là quả không phải là nhân. Muốn hạn chế tham nhũng thì phải Trao quyền, muốn triệt tiêu tham nhũng thì phải thực thi các chính sách minh bạch công khai. Sự tham nhũng và mức độ của nó không tùy thuộc vào trình độ phát triển của một nước, lại càng không phải là một sự tồn tại tất yếu trong quá trình phát triển. Nó tùy thuộc vào quyết tâm của chính quyền thông qua các nhà lãnh đạo cao nhất có muốn nó tồn tại hay không, và tồn tại ở mức nào. Không muốn nó hoành hành thì chỉ cần thay đổi cái cơ chế sinh ra nó. Chưa thấy nước nào có thể chống tham nhũng thành công bằng cách trừng trị hành vi tham nhũng nhưng vẫn duy trì hợp pháp cái cơ chế sinh ra nó cả. Với cơ chế vận hành của xã hội Việt Nam hiện nay thì tham nhũng, trớ trêu thay, lại chính là động lực của phát triển. Nhưng cái giá của sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn đó lại là sự suy thoái xã hội trầm trọng và lâu dài.
Nhà nước cần tập trung giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc bằng những hành động cụ thể và cao cả. Đã tồn tại những nguy cơ cũng như vừa xuất hiện những mầm mống mới khoét sâu sự phân biệt bắc nam, sự chia rẽ cộng đồng trong nước ngoài nước. Đây cũng là những cơn sóng ngầm dễ sinh biến động nếu không có những quyết sách hóa giải hiệu quả.
Nắm được thiên hạ đã rất khó nhưng để bình được thiên hạ thì khó hơn gấp nhiều lần, như câu chuyện Hạng Vũ và Lưu Bang. Hạng Vũ khai thác lòng oán hận của dân chúng để lật đổ nhà Tần và nắm được thiên hạ, nhưng Lưu Bang mới là người bình được thiên hạ nhờ đã biết phất ngọn cờ nhân nghĩa.
Chuyện xưa hơn 2200 năm trước vẫn còn nguyên giá trị cho thời nay.
Trần Đông Chấn
Mùa thu tháng 9, 2006
Nhãn: Uncategorized
10 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Hôm nay xem 1 lúc họp QH mà chán, những j được nhận định là có tiến bộ trong cách làm việc của các bác nhà ta xem ra vẫn còn hạn chế quá; lại thêm mấy bác chống tay ngủ gật ... :( Không biết các bác ấy kém thật (chắc ko phải tất cả) hay tại thanh kiếm lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu nên ko dám nói ra những điều này!?
PS: Có mấy ng vẫn tự hỏi bác Trần Đông Chấn là ai, cháu thì vẫn tự nghĩ bác cũng đang ngồi ở 1 cái ghế cao nào đó.