Tuần qua nhiều vấn đề quá, bắt đầu là 1 cái tang thằng bạn học chung từ nhỏ lên đại học rồi mỗi thẳng mỗi ngã, mỗi số phận. Nó long đong hơn mình, nhưng cuối cùng thì lại làm được việc có ý nghĩa hơn mình, mà tai nạn xe lại cướp mất một con người có thể đóng góp cho xã hội như thế. Chẳng hiểu nổi nữa, nhưng cũng đã xong một kiếp người. Trước khi mất 1 tuần nó còn “mắng” mình như tát nước, bảo rằng giờ mà vẫn còn bám vào nhà nước, vào cái viện nghiên cứu mà kết quả chỉ đề cất vào tủ, có vứt vào sọt rác thì cũng chẳng khác gì. Mình cũng gân cổ lên với nó, nói rằng nó “làm ăn” quá, cái gì cũng phải hiệu quả cân đong đo đếm được, giận nó kinh khủng vì nó không chịu hiểu rằng mình đang cố thay đổi và mình cũng có cách đóng góp cho xã hội chứ không phải cứ như nó thì mới được. Nhưng tại đám tang nó, nói chuyện với những nhân viên và công nhân của nó đến viếng tang sếp thì mới hiểu rằng nó đáng giá thực sự cho xã hội. Ai cũng khóc thương và lo lắng không biết hơn 200 người, tức 200 gia đình sẽ ra sao khi công ty nó không còn nó dẫn dắt. Các anh em này bảo rằng nó chắt chiu từng đồng trong quản lý nhưng lại rất rộng rãi trả lương và thưởng cho anh em làm mình nghĩ lại cái cơ quan của mình, chi tiêu phung phí thật sự, phung phí nhất là những cái bỏ tiền ra làm rồi chẳng để làm gì, chỉ đề mua vui lỗ tai của các lãnh đạo.

Trước khi nó bị tai nạn 1 tuần, mình phải đi tổ chức các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ trong phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là những cuộc thi thực sự tốn kém tiền của nhà nước, nhưng cái lãng phí kinh khủng hơn nữa là phí phạm thời giờ làm việc của hang chục nghìn người phải tham gia cuộc thi theo chỉ tiêu bắt buộc. Mà thực sự có tạo ra giá trị nào đâu, người ta toàn viết đọc vẹt, thậm chí nói láo cảm xúc. Một thí sinh được khen tặng hết lời vì bảo rằng tư tưởng của Bác có thể giải quyết vấn đề chống lạm phát hiện nay!!!! Mình rất kính trọng Hồ Chủ Tịch nhưng không phải vì những cách như vậy. Mình đã có 1 bài góp ý lên cấp trên rằng nếu không thay đổi cách thức tuyên truyền thế này thì hình ảnh Bác sẽ không những khó đứng vững mà còn ngược lại, nhưng ko biết có được lắng nghe ko nữa.

Đi công tác về sau các chuyến đi kể chuyện trên, đọc được một bài dưới đây trên blog của Trần Đông Chấn, lại càng phải suy nghĩ. Không biết mình có thể làm gì để đóng góp cho xã hội thực sự. Đang miên man nghĩ về chuyện này thì hay tin nó bị tai nạn xe chết tại chỗ.

Đúng là 1 khoảng thời gian buồn.

http://blog.360.yahoo.com/blog-VAMH4Rclaaccgza0JPgODGPLQXM-?cq=1&p=495#comments

Tối 18 tháng 8 vừa rồi, lúc các kênh truyền hình trong nước đang tuyên truyền về cuộc Cách mạng tháng Tám thì kênh HBO cho chiếu lại bộ phim Giải cứu binh nhì Ryan. Bộ phim kể chuyện gần một tiểu đội do một đại úy chỉ huy đã ngã xuống để cứu cho bằng được một binh nhì vì anh ta là người còn lại duy nhất của gia đình Ryan. Cha của họ đã tử trận để lại người mẹ và bốn người con trai ở một vùng quê. Chiến tranh Thế giới II nổ ra, Mỹ tham chiến, cả bốn anh em Ryan đều phải nhập ngũ. Hai người đã hy sinh trong trận đổ bộ lên Normandy nước Pháp, cùng lúc đó một người khác chết trên chiến trường New Guinea Thái bình dương. Người mẹ nhận một lúc ba giấy báo tử và đã ngã quỵ. Binh nhì Ryan trở thành người nối dõi duy nhất nhưng cũng đang trong tình trạng nguy hiểm vì lực lượng nhảy dù của anh ta bị thả sai địa điểm. Những người chỉ huy cao nhất của nước Mỹ đã ra lệnh đưa bằng được bình nhì Ryan ra khỏi chiến trường châu Âu trở về mới mẹ. Cả tiểu đội chỉ có hai người còn sống cùng với Ryan.

Một người mẹ Việt Nam, chồng đã ngã xuống vì đất nước còn lại bốn người con trai. Ba con trai lớn được mẹ động viên cho ra trận và lần lượt không trở về. Còn lại người con út, mẹ có quyền không cho anh tòng quân vì cha anh mình đã hy sinh hết cho đảng và tổ quốc. Nhưng mẹ vẫn cứng cỏi, dứt ruột dẫn anh đăng ký nhập ngũ để được vinh dự làm bộ đội cụ Hồ. Và anh đã mãi không trở về với mẹ nữa. Mẹ cô đơn ôm lấy nỗi đau một mình, nhận danh hiệu anh hùng và trở thành biểu tượng của đức hy sinh và minh chứng sống cho sự hợp lòng dân của đảng. Hai câu chuyện ở hai bờ Thái bình dương, không biết mức độ thật đến đâu vì đều là cách thức tuyên truyền cho những thể chế chính trị. Nhưng có một điều dễ dàng thấy rõ sự thật: giá trị của con người được nhìn nhận rất khác nhau giữa hai chế độ.

Gần 3 tháng nay câu chuyện thật về bà Năm Nghê ở Quảng Nam trong chiến tranh phải tự tay giết chết con trai 3 tháng tuổi cứ bám tôi không dứt. Một em bé đã phải chết mà không có tội tình gì, một người mẹ phải sống tủi khổ với cảm giác tội lỗi trong suốt cả hơn nửa cuộc đời còn lại. Một sự hy sinh quá lớn của hai mẹ con, nhưng để làm gì? Để cứu những người còn lại đang cầm súng. Nhưng sao lại phải giết em bé để cứu những người này? Mà sao lại để chính mẹ em giết em chứ không phải một người khác làm chuyện đó? Sao lại phải giết em, một đứa bé vài tháng tuổi có thể bịt miệng là nó không thể khóc thành tiếng và sau đó sẽ lả sức, không thể khóc nữa, cần gì phải giết? Thế những người sống sót giờ đang làm những gì cho linh hồn của em, tâm hồn của mẹ em và tương lai của bao em nhỏ khác? Cái giá của con người ở đâu? Những câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi như một món nợ.

Ngày 2 tháng 9, 1945 là ngày tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, cũng đúng vào ngày đó Nhật ký hiệp ước đầu hàng vì bại trận chiến tranh thế giới II. Đã 63 năm trôi qua, chúng ta vẫn rất nghèo cho dù đã có 23 năm đổi mới. Nước Nhật chỉ cần 20 năm từ khi bại trận đã biến mình thành một cường quốc từ những đống suy tàn đổ nát. Nước Nhật không có tài nguyên thiên nhiên gì đáng kể, điều gì đã tạo nên sự khác biệt như vậy nếu không phải là nhìn nhận giá trị của con người. Giá trị đó chỉ có thể được tôn tạo khi con người thực sự được tôn trọng và tự do. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Án văn bất hủ ấy với người dân Việt Nam đến nay vẫn còn nằm trên giấy, và đó là tại sao ta vẫn nghèo vẫn đói.

Khi nghèo đói thì người ta chỉ biết đòi cái ăn cái mặc mà quên đi cái quyền tự do và bình đẳng mà mình đáng ra phải có. Khi được có ăn có mặc thì người ta lại bị mang ơn và sẵn sàng đánh đổi cái quyền thiêng liêng mà Tạo hóa ban cho mình để trả ơn cho miếng cơm manh áo. Và người ta được dạy rằng cách thức như thế sẽ tạo ra một sự ổn định để có được nhiều cơm nhiều áo hơn mà không biết rằng chính việc lãng quên cái quyền (và cũng là trách nhiệm) của Tạo hóa dành cho mình là nguồn gốc của mọi đói nghèo, tụt hậu, bất công và bóc lột.

Hãy sử dụng cái quyền ấy mà không phải đợi ai cho mình vì nó là của Tạo hóa. Chỉ khi nào mỗi người ý thức được rằng mình có những quyền tự do bình đẳng, bất khả xâm phạm và bảo vệ cái quyền ấy thì con người mới thực sự có giá trị. Và chỉ khi ấy người ta mới thoát khỏi đói nghèo tận gốc, xã hội mới thịnh vượng vững bền.

Dương Hữu Canh

Đầu tháng 9, 2008

3 Comments:

  1. nhi said...
    hihi, bị mắng là đáng :) (đủ lưu manh chưa?):)
    tuy vậy....cảm ơn
    một chia sẻ thật thà quý hiếm .... ;)
    Skarlor said...
    Con người ai chẳng mà phải chết một lần.
    Có điều người xưa nói: "có cái chết nhẹ tựa lông hồng, có cái chết nặng tợ Thái Sơn".
    Quan trọng là ta chết như thế nào thôi.
    Đóng cửa said...
    Xin được chia buồn cùng Gia đình bạn anh; Chúc Linh hồn Bạn anh được Siêu thoát; Cầu mong cho Gia đình bạn anh Bình An;

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ