NÓI TIẾP CHUYỆN "TIỀN ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU?"

Tiền đồng đang ở đâu? (1) (đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số 29-2008 ngày 10-7-2008)

Thực ra, người có đủ khả năng và thẩm quyền để có thể đưa ra câu trả lời một cách tin cậy nhất nhằm trấn an công chúng chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc thông tin kịp thời rõ ràng và chính xác là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn lòng tin của công chúng dễ bị tác động bởi những thông tin thổi phồng thiếu cơ sở.

HUỲNH THẾ DU

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng các quỹ đầu cơ đang nắm giữ một lượng lớn tiền đồng nhằm thực hiện những mưu đồ riêng, gây tổn hại đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho không ít người và tác động không tốt đến sự ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền đồng chẳng mất đi đâu cả và cảm giác “thiếu tiền” đơn giản chỉ là do cung không đáp ứng đủ cầu theo kỳ vọng được hình thành ở thời điểm mở rộng tiền tệ trước đây.

Quy trình tạo tiền

Ở mỗi quốc gia, ngân hàng trung ương (NHNN, ở Việt Nam) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền in và phát hành tiền. Khi muốn đưa tiền ra nền kinh tế thì NHNN sẽ “chuyển” qua kênh các ngân hàng thương mại, hay kênh kho bạc (chính phủ).

Giả sử NHNN cho Chính phủ vay 100 đồng để mua hàng hóa dịch vụ. Khi những thành viên trong nền kinh tế nhận được số tiền này sẽ giữ lại 70 đồng để đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu và cất giữ, 30 đồng còn lại đem gửi ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ giữ lại 3 đồng (10%) làm dự trữ bắt buộc (DTBB) và đảm bảo khả năng thanh toán, 27 đồng đem cho những người có nhu cầu vay để mua hàng hóa và dịch vụ. Người bán hàng sẽ đem gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng và các ngân hàng lại trích 10% làm dự trữ, còn lại tiếp tục cho vay. Cứ như vậy, các vòng quay tiền tệ sẽ diễn ra mãi mãi và trong két của các ngân hàng (kể cả NHNN) vẫn luôn có 30 đồng, nhưng 300 đồng tiền gửi đã được tạo ra (30/10%) (ký hiệu là D).

Như vậy, 100 đồng tiền cơ sở ban đầu (ký hiệu là MB) đã tạo ra 370 đồng. Đây chính là cung tiền (ký hiệu là M) với 70 đồng tiền mặt đang lưu thông (ký hiệu là C), 30 đồng dự trữ ở các ngân hàng (ký hiệu là R) và 270 đồng cho vay (ký hiệu là CR) (xem bảng 1).

Tỷ số giữ M/MB được gọi là số nhân tiền tệ, ký hiệu là m và có thể tính toán bằng công thức m = (1+c) / (r+c) với r = R/D và c = C/D.

Cung tiền (M=m*MB) tỷ lệ thuận với cơ sở tiền (MB), tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tiền trong lưu thông (c) và tiền dự trữ (r) tại các ngân hàng so với số dư tiền gửi. Những yếu tố này lại phụ thuộc vào công nghệ ngân hàng cũng như thói quen thanh toán do chúng làm cho dòng tiền được luân chuyển nhanh hay chậm hơn (2).

Diễn biến tiền tệ ở Việt Nam (3)

Bình quân trong giai đoạn 2000-2007, tốc độ tăng cơ sở tiền, cung tiền và tín dụng lần lượt là 23,7%, 29,3% và 31,5%, một mức khá cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong một vài năm gần đây. Đến cuối năm 2007, tổng tín dụng cho nền kinh tế đã xấp xỉ 1 lần và cung tiền tương đương 1,2 lần GDP. Đây là một mức khá cao so với nền kinh tế Việt Nam và dần tiệm cận với một số nước trong khu vực.

Số nhân tiền tệ đã tăng từ khoảng 3 lên hơn 4. Một số tiến triển tích cực có được phần lớn là do (1) hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nên người ta sử dụng nhiều hơn; (2) sử ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài đã làm gia tăng lòng tin của công chúng nên việc tích trữ tiền mặt ít được coi trọng hơn, dẫn đến tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm xuống; và (3) tỷ lệ tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng so với lượng tiền gửi cũng giảm, có thể là do các ngân hàng đã dần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhất là kể từ khi áp dụng mô hình quản trị nguồn vốn tập trung (xem đồ thị 1 và 2) (4).


Những biến động bất lợi và lạm phát và tiền tệ bắt đầu bùng phát từ năm 2007 do sự tích tụ từ thời gian trước đó cộng với tiền tệ được mở rộng quá mức. Đến năm 2008 này, khi những bất ổn vĩ mô xảy ra, chính sách tiền tệ được thắt chặt thì dường như ai cũng có cảm giác thiếu tiền. Nếu những yếu tố bất ổn không được xử lý tốt có thể sẽ làm cho số nhân tiền tệ giảm đi và cung tiền cũng sẽ giảm với một cơ sở tiền không đổi.

Tại sao nhiều người cảm thấy thiếu tiền?

Một số người cho rằng tiền đồng hiện đang do các quỹ đầu cơ nắm giữ và đến một lúc nào đó họ sẽ tấn công vào đồng tiền trong nước để trục lợi và gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam như từng đã xảy ra ở một số nước. Lập luận này là thiếu cơ sở vì đồng Việt Nam không phải là đồng tiền có thể chuyển đổi và nếu các quỹ đầu cơ nắm giữ nhiều thì họ vẫn phải gửi trong các ngân hàng Việt Nam hoặc chuyển ra bên ngoài.

Nếu tình huống thứ nhất xảy ra thì tiền vẫn ở trong nền kinh tế, ngược lại, thì ở đâu đó ngoài lãnh thổ Việt Nam phải tồn tại một thị trường mua bán sôi động vì không ai đem hàng ngàn tỉ đồng cất trong két cả. Thực tế điều này khó xảy ra cho dù tiền đồng vẫn được trao đổi ở một vài nơi nhưng khối lượng không nhiều đến mức làm cho nền kinh tế hết tiền.

Thực ra, nguyên nhân làm cho ai cũng cảm thấy thiếu tiền là do cung tiền được siết chặt trong khi cầu tiền gia tăng do chịu tác động bởi những yếu tố sau:

Thứ nhất, với tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền trong một năm trước đây ở mức rất cao, nhiều kế hoạch hoành tráng đã được xây dựng với kỳ vọng việc huy động vốn sẽ rất dễ dàng. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra nên nhiều người đã không có tiền để triển khai kế hoạch của mình.

Thực ra, việc thiếu tiền chỉ là do không thể thực hiện các khoản đầu tư mới, hoặc chỉ một số ít người không thể quay vòng vốn vay, hoặc một vài ngành (cá ba sa chẳng hạn) đến vụ thu hoạch cần một lượng vốn lớn nhưng không được đáp ứng đầy đủ, trong khi hầu hết số dư nợ hiện tại vẫn được quay vòng và duy trì ổn định. Hay nói cách khác, tiền vẫn nằm ở những chỗ chúng đang nằm chứ không biến đi đâu cả. Thậm chí, trong nền kinh tế còn có nhiều tiền hơn vì trong sáu tháng đầu năm, lượng tín dụng do hệ thống ngân hàng cung ứng đã lên trên 200.000 tỉ đồng, tương đương 50% số vốn cho vay năm 2007.

Thứ hai, khi mức giá tăng vài ba chục phần trăm thì nhu cầu nắm giữ tiền mặt cũng gia tăng tương ứng để đảm bảo cho việc thanh toán diễn ra một cách bình thường. Hơn thế, những biến động không tốt trong thời gian qua đã tác động đến lòng tin làm cho nhiều người có xu hướng gia tăng dự trữ tiền mặt. Chính những yếu tố này đã làm cho lượng tiền mặt được giữ lại trong nền kinh tế nhiều hơn thay vì nằm trong hệ thống ngân hàng.

Dựa trên những số liệu quá khứ cho thấy, nếu giả định các yếu tố khác không đổi, để đảm bảo lượng tiền trong nền kinh tế tương ứng với dư nợ tín dụng (1,250 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 4-2008 và 1,380 triệu tỉ đồng theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng 30% vào cuối năm nay) thì NHNN phải cung ứng thêm khoảng 60.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm và gần 100.000 tỉ đồng trong năm 2008 (xem đồ thị 2). Hơn thế, nếu lượng tiền mặt công chúng nắm giữ gia tăng thì lượng tiền cung ứng phải nhiều hơn nữa vì lúc này số nhân tiền tệ sẽ giảm, đó là chưa kể tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc và 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc.

Trên thực tế, với chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN chỉ đưa vào nền kinh tế một lượng tiền hạn chế, thậm chí có thể còn rút bớt tiền về. Đây chính là yếu tố làm giảm cơ sở tiền hay chí ít nó cũng không tăng như kỳ vọng của nhiều người. (Cũng có thể, một lượng tiền lớn hơn đã được tung ra, nhưng nếu lượng tiền mặt được nắm giữ nhiều hơn như đã phân tích thì cung vẫn không gặp cầu).

Với những lý do nêu trên, cảm giác thiếu tiền trong nền kinh tế là điều hiển nhiên. Đây chính là dấu hiệu của việc thực thi chính sách tiền tệ đúng hướng. Nguyên nhân của lạm phát là do nền kinh tế có quá nhiều tiền nên cần phải giảm bớt. Câu hỏi đặt ra là tại sao tiền đã giảm mà giá vẫn tăng?

Thực ra, nguyên nhân của áp lực tăng giá vẫn còn là do yếu tố kỳ vọng. Giá đang tăng thì mọi người nghĩ nó sẽ tăng tiếp và kết quả tăng thật. Tuy nhiên, sau khi tiền được rút bớt hay không tăng thêm thì nền kinh tế chỉ còn 100 đồng ứng với 100 đơn vị hàng hóa nên mức giá hợp lý chỉ là 1 đồng cho một đơn vị hàng hóa, nhưng do yếu tố kỳ vọng mức giá được đẩy lên 1,2 đồng. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu tiền và thiếu thanh khoản, nhưng theo thời gian, nếu không có tiền tăng thêm và lượng hàng hóa không giảm đi, thì mức giá sẽ giảm xuống. Đây chính là tác động của việc thắt chặt tiền tệ đối với lạm phát.

Điều cần lưu ý là nếu những đồng tiền còn lại được sử dụng không hiệu quả sẽ làm cho tình trạng lạm phát trầm trọng hơn. Có nghĩa khi nền kinh tế có ít hơn 100 đơn vị hàng hóa và với số tiền hiện tại thì lạm phát vẫn có thể xảy ra. Đây chính là lý do tại sao thắt chặt tiền tệ phải đi kèm với thắt chặt chi tiêu ngân sách. Hơn thế, thắt chặt tiền tệ sẽ gây khó khăn thanh khoản, nên cần phải có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay.

Tóm lại, cảm giác thiếu tiền trong thời kỳ chính sách tiền tệ được thắt chặt là điều hiển nhiên. Chính điều này làm cho người ta phải chi tiêu tằn tiện và tính toán thiệt hơn kỹ càng với mỗi đồng tiền được bỏ ra. Kết quả là hàng hóa sẽ được tạo ra nhiều hơn và tiền ít bị phung phí hơn làm áp lực tăng giá sẽ giảm và chúng sẽ trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện các chính sách vĩ mô đã được triển khai đúng hướng.

__________

(1) Xem từ số báo trước, bài của GS.TS. Trần Ngọc Thơ.

(2) Trên thực tế việc tính toán, đo lường cung tiền phức tạp hơn. Tiền được chia ra làm các loại M0, M1, M2, M3 và L.

(3) Các số liệu bài viết này được thu thập và tính toán dựa trên dữ liệu của NHNN, IMF và số liệu công bố trên các báo.

(4) Thực ra việc tính toán cung tiền nêu trên còn thiếu hai yếu tố có tác động không nhỏ đến khối lượng tiền trong nền kinh tế, đó chính là số ngoại tệ và vàng lưu thông có chức năng như tiền mặt.

32 Comments:

  1. Gõ Kiến said...
    Ngày đầu tiên làm bogger theo chỉ dẫn của bạn bè lên net tham quan blog của cư dân mạng để giảm stress, mới hay có một sân chơi quá đã. Lại gặp ngay chỗ để xả stress lẫn ưu tư liền, hay thiệt. Các bạn blogger có phải đọc dài một chút cũng ráng nhé. Có chuyện không nói không được.
    Huỳnh Thế Du là ai? Một giảng viên của chương trình Fulbright do chính phủ Mỹ tài trợ. Sống ở VN nhưng ăn bánh mì Mỹ.
    Fulbright hoạt động thế nào? Tập trung cấp học bổng cho con cái-cháu chắt của quan chức cấp cao để tẩy não tư duy cộng sản, học tập dân chủ kiểu Mỹ và tất nhiên sẽ có rất rất nhiều cơ hội để thực thi điều đó khi về VN. Bởi ông bà-cha mẹ chúng là quan chức mà theo truyền thống của VN ‘con quan thì lại làm quan’, chúng sẽ trở thành ‘quan’ trong tương lai. Tương lai trong tay các ‘quan’ này thì sẽ là tương lai của ai? Có thể tưởng tượng ra được.
    Đại học Harvard? Hầu như ai đã từng học đến Cấp III thì cũng biết danh tiếng của trường ĐH này. Khỏi phải bàn.
    Ông NTD vừa đi đâu về? Tất nhiên, đi Mỹ. Đi Mỹ để làm gì? Tờ Asia Times đã viết: ‘hat-in-hand trip’.
    Tháng 01/2008 có sự kiện gì? Một nhóm chuyên gia của ĐH Harvard, trong đó có ông Huỳnh Thế Du, gửi công trình “Lựa chọn thành công” cho chính phủ VN. Các phân tích và định bệnh nền kinh tế VN phải nói là rất đúng. Tất nhiên rồi vì họ là những chuyên gia hàng đầu mà. Nhưng có một câu đáng lưu tâm trong công trình này: "Liệu Việt Nam có đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính? Trong ngắn hạn, câu trả lời có lẽ là không". (có thể xem bài này tại đây: http://www.vnep.org.vn/Web/Content.aspx?distid=6100&lang=vi-VN). Chính phủ nghe thế thì hoàn toàn yên tâm và hài lòng.
    Tháng 03/2008 có sự kiện gì? Tiếp tục một bài mới gửi đến chính phủ VN của nhóm này mang tên "Bài thảo luận chính sách số 1 – Tình trạng bất ổn vĩ mô: Nguyên nhân và phản ứng chính sách" (có thể xem tại đây: http://www.minhbien.org/?p=228). Điều đặc biệt nổi lên trong bài là đề nghị chính phủ xiết chặt tiền tệ. Ngay lập tức xảy ra việc tiền đồng tăng giá mạnh, đồng đô la Mỹ giảm giá thảm hại đến mức dư thừa bán không ai mua. Dân tình lo lắng ùn ùn đi bán đô, lấy tiền đồng về làm việc khác. Trong khi đó, rất nhiều các quỹ đầu nước ngoài dùng tiền đồng mua lại đô giá rẻ với giá trị cực lớn (ai không tin thì xin mời tìm xem các bài báo của Hải Lý được đăng trên chính thời báo KTSG trong các tháng 03, tháng 04, tháng 05/2008). Ai được lợi lớn thế này (từ việc thực hiện lời khuyên của các chuyên gia trong đó có ông Huỳnh Thế Du) nếu không phải là một nhóm lợi ích rất thế lực từ bên ngoài vào? Đồng tiền đi liền khúc ruột, kinh doanh thì phải có lời, hẳn nhiên rồi. Nhưng tại sao VN lại được chọn để giúp họ kiếm lời cao gấp hàng chục hàng trăm lần vốn bỏ ra (mà rủi ro trên thực tế lại quá ít hoặc rất thấp do vòng vốn được quay rất nhanh với tốc độ chóng mặt)? Bởi vì họ biết chắc chắn rằng các đại quan tham nhũng sẵn sàng bán rẻ tài nguyên và con người VN để lấy những đồng đô la lấp lánh mà xây dựng những đế chế hào nhoáng không đâu xa xôi: ngay chính trên những đất nước đã cung cấp nguồn đô la cho họ. Con cháu họ đã-đang sống như vua như chúa ở những nơi này, tận hưởng cuộc sống giàu sang mà chẳng phải tốn một giọt mồ hôi hay nước mắt gì cả vì nó đã được trả bằng tương lai của đất nước này rồi.
    Gõ Kiến said...
    (tt)
    Tháng 05/2008 có sự kiện gì? Tài liệu mới nhất của nhóm này đã gửi cho chính phủ ngày 19/05 mang tên: “Bài thảo luận chính sách số 2 – Vượt qua khủng hoảng: Đẩy mạnh cải cách” (ai chưa xem tài liệu này email cho tôi, tôi gửi cho). Lúc này họ lật lại xác nhận là Việt Nam đang trãi qua cuộc khủng hoảng, trong đó họ phân tích tài chính tín dụng là trầm trọng nhất!? Có phải là sự thật đang diễn ra như thế không? Đúng, phải khẳng định đúng là sự thật 100% và họ phân tích không sai vào đâu được. Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy từ tháng 01 đến tháng 05 là khoảng thời gian bao nhiêu lâu để một nhóm chuyên gia hàng đầu có 2 nhận định trái ngược nhau? Họ tự mâu thuẫn với nhau à? Không, họ là những người rất thông minh và khéo léo bậc thầy, họ không có mâu thuẫn nào cả vì họ đang làm chủ sân khấu. Ai sập vào cái bẫy này? Là chính phủ. Nhưng ai phải gánh chịu những hậu quả của những lời khuyên “tốt đẹp” này? Thì lại là người dân. Từ cuối tháng 04 đô la Mỹ quay ngược tăng giá ồ ạt trở lại vì nhu cầu của những con thú nhỏ trong bầy thú điện tử chuyển đổi tiền đồng thành đô la Mỹ thì bản thảo luận chính sách số 2 này ngay lập tức được ra đời để tư vấn cho chính phủ những chính sách tiếp tục xiết chặt tiền tệ nhằm hút hết ĐÔ LA Mỹ dự trữ của người dân ra gửi vào ngân hàng bằng ĐồNG làm cho nó giảm nhiệt xuống còn dưới 17.000 đồng ăn một đô như hôm nay. Tiền đồng lại lên giá. Những ai sẽ có lợi và những ai sẽ phải khóc hận? Và tương lai của tiền đô sẽ ra sao? Có ai lo lắng để lại bán đô la ra vào thời điểm này không khi mà lãi suất ngân hàng đang đỉnh và thị trường chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu hồi phục? Chỉ vài tháng nữa thôi thì sẽ rõ. Thật thương cho người dân.
    VN đang trãi qua khủng hoảng và xu hướng hiện nay là gì? Các ngân hàng nước ngoài đang thi nhau chen chân vào VN vì đã có chính sách cho phép mở chi nhánh ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Các giao dịch M&A (Merge & Acquire) bắt đầu nở rộ trong khi các doanh nghiệp VN thì đang điêu đứng. Chính phủ Thái Lan khuyên doanh nghiệp của họ hãy tận dụng lợi thế lãi suất tiền Bath ở Thái thấp hơn rất nhiều lãi suất tiền đồng ở VN để vay tiền tại nước họ mà đầu tư vào VN vì đây là thời cơ vàng. Các hedge fund đang có kế hoạch tiếp tục đổ tiền vào VN để bơm cho chứng khoán và bất động sản. VN thì tung hô và đón chào: mặc dù đang khó khăn nhưng VN vẫn là nơi hấp dẫn đầu tư!?. Doanh nghiệp tư nhân VN đang vật lộn giữa ‘sống-chết’ còn hơi sức đâu nữa để mà cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, tương lai nền kinh tế này sẽ được ai kiểm soát thì đã có thể trước câu trả lời. Công nhân VN tiền lương không đủ sống. Nông dân VN đang mất dần đất đai canh tác lẫn mảnh đất cắm dùi của họ. Cảnh quan thiên nhiên VN đang ưu tiên dành cho các dự án công nghiệp nặng. Thế nhưng, doanh nghiệp nhà nước VN lại đang rất tích cực thành lập các công ty con mới hoàn toàn hoặc cổ phần các công ty con đang tồn tại (có cổ phần rất lớn của các đại quan tham dấu mặt, luôn kêu ca là hoạt động không hiệu quả nhưng lại nắm trong tay hằng hà sa số Giấy phép ‘mơ cũng không có’ các loại) để bán cho nước ngoài.
    Bản thảo luận chính sách số 2 này nói thế nào về các doanh nghiệp nhà nước? Sau khi phân tích và định bệnh rất đúng các tập đoàn và tổng công ty thì các chuyên gia danh tiếng này đưa ra những khuyến nghị mà trong đó có nội dung đại loại làm cho nó yếu thêm kèm theo lời khuyên phải bán rẻ cho nước ngoài (các nhà đầu tư chiến lược) thì mới có thể vực chúng lên được; thay vì làm sao cho nó phải thực sự mạnh lên một cách thực chất mà không cần dựa vào đặc quyền để đảm bảo là những trụ cột kinh tế rồi tư nhân hóa nó đi một cách công khai-minh bạch-công bằng thì khi bán sẽ thu được khoản tiền lớn gấp nhiều lần về cho nhà nước, mà tiền đó chính là tiền của nhân dân. Đúng là kiểu của fortune tellers. Họ chỉ cần nói quá khứ cho đúng vào thì muốn phán tương lai thế nào cũng được. Con nhang sẽ phải làm gì khác đây ngoài việc chỉ còn biết tin và nghe sái cổ.
    Gõ Kiến said...
    (tt)
    Tuy vậy, fortune tellers đó chơi chiêu này lâu rồi. Thử dùng google search “Huỳnh Thế Du” xem. Các bạn sẽ thấy hàng loạt những lời khuyên từ năm ngoái: nào là người dân nên bỏ ĐÔ LA Mỹ chuyển qua giữ ĐồNG sẽ có lợi hơn; rồi đến khi Vietcombank IPO thì chê giá 100 ngàn là quá cao, chỉ 40 ngàn thôi thì mới có nhà đầu tư chiến lược. Fortune tellers này khác với các thầy bói thông thường. Thầy bói phán con nhang không nghe thì thôi. Còn fortune tellers này khuyên nhủ mà không nghe thì sẽ có các sư phụ cao tay hơn ra tay “cho biết thế nào là lễ độ”. Cổ phiếu VCB giờ còn vài chục ngàn, tiền đồng và đô la Mỹ thì rối loạn nháo nhào. Cho biết tay, ai bảo nói không nghe.
    Có điều lạ là họ ức hiếp dân mình là thế nhưng họ lại được xuất hiện khắp nơi như những chuyên gia danh giá. Thời gian qua, theo dõi báo chí và truyền hình, ở đâu cũng thấy chuyên gia Huỳnh Thế Du. Hết trả lời báo chí, chuyển sang tham gia phỏng vấn truyền hình, rồi viết bài đăng báo đưa ra các đánh giá tới nhận định với mật độ xuất hiện phải nói là dày đặc, lời vàng ý ngọc của họ được dùng để củng cố cho những chính sách vĩ mô. Tại sao thế nhỉ? Họ bỗng chốc vụt thành ngôi sao sáng. Nhưng ánh sáng đó phục vụ cho ai? Xem ra nhóm lợi ích này không chỉ có tiền mà còn có cả quyền và cả quyền lực thứ tư (truyền thông) nữa. Kinh thật đấy.
    Nãy giờ nói nhiều quá. Tóm lại thế này: bà con hãy thận trọng, tay chân của bầy thú ở khắp mọi nơi, mang những vỏ bọc hết sức tráng lệ nhưng thực ra chỉ là những bàn tay nhớp nhúa và là những công cụ bị sai khiến một cách thụ động cũng như chủ động dâng hiến mình để bị sai khiến bởi những ông chủ thật sự đang tung hoành ngang dọc. VN ta tuy nhỏ nhưng rừng vàng biển bạc (sách giáo khoa dạy thế) nên chắc chắn rằng không phải không có cái để bị lấy đi, không phải không có giá trị để bị lợi dụng. Vấn đề là bọn thú đó mất bao nhiêu công sức lẫn thời gian để tước đoạt và chúng ta có chịu ngồi yên để nhìn chúng tước đi hết của để dành cho con cháu hay không mà thôi.
    Kho Chuoi said...
    Tôi đọc đi đọc lại từng đoạn, từng đoạn mà chẳng hiểu anh Du này muốn nói gì nữa. Nghe nói ở các trường đại học bây giờ cũng cải tiến chương trình nhiều, tuy lý thuyết vẫn còn nặng nhưng cũng đã có tính thực tiễn. Không biết anh Du này dạy ở khoa nào mà khoe ra mớ lý thuyết với cái ví dụ đọc xong đau đầu không hiểu anh định nói gì, có phải anh muốn lấy lý thuyết để phản bác thực tế của các ý kiến anh cho rằng “thổi phồng thiếu cơ sở” không? Sao anh không chỉ rõ những ý kiến đi từ thực tiễn đó có chỗ nào phồng so với lý thuyết của anh?
    Nếu chỉ đơn giản như anh Du nói: “Tuy nhiên, trên thực tế, tiền đồng chẳng mất đi đâu cả và cảm giác “thiếu tiền” đơn giản chỉ là do cung không đáp ứng đủ cầu theo kỳ vọng” – thì anh Du đúng là mắc bệnh lạc quan tếu của hàng “ăn trên ngồi chốc” rồi.
    Nói như anh Du thì hiện nay các doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng tồi tệ do sản xuất đình đốn, qui mô DN thu hẹp khiến hàng nghìn lao động không có việc làm, …lỗi đều do kỳ vọng của họ? Giá cả leo thang hàng ngày, người dân cằn cỗi ngập ngụa trong thống khổ cũng là do kỳ vọng của họ sao?
    Đến lúc này, mà anh Du còn hô hào “Một số tiến triển tích cực có được phần lớn là do (1) hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nên người ta sử dụng nhiều hơn; (2) sử ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài đã làm gia tăng lòng tin của công chúng nên việc tích trữ tiền mặt ít được coi trọng hơn, dẫn đến tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm xuống; và (3) tỷ lệ tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng so với lượng tiền gửi cũng giảm, có thể là do các ngân hàng đã dần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”. Thực tế trong suốt thời gian qua và ngay thời điểm này hệ thống ngân hàng thương mại đang chật vật chèo chống, vật lộn với cuộc đua lãi suất, xương sống của nền kinh tế oằn oại khiến cả xã hội ở trên đầu ngọn sóng dữ. Ở VN mà anh Du nói tỉ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm xuống, điều này có phải là kỳ vọng xa vời của chính anh không? Ngoài ra, anh Du nhắc tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các ngân hàng – có phải là biện pháp nâng cao lãi suất huy động, thắt chặt tín dụng doanh nghiệp, sinh ra đủ các loại phí để bù lỗ hoạt động của các ngân hàng….
    Càng nói càng thấy nản, củng cố lòng tin cho công chúng kiểu anh Du này thì chết con người ta.
    AC-Arizona Cowboy said...
    Hai ông thợ Trần ngọc thơ và huỳnh thế Du này rườm rà nghị quyết trung ương . Vấn đề đơn giản nhất phải chỉ cho được Đồng tiền VN đang ở đâu ??? . Ngân hàng không giữ , Doanh nghiệp công ty không giữ, Người dân không giữ .
    Nó chỉ có thể đang bị dấu trong các nhà kho hoặc két sắt của Hedge Fund . Lợi tức Ngân hàng không đáng để chúng tung tiền lấy lãi để rồi mắc bẫy công an.
    Mục đích của bầy thú này là thu tóm toàn bộ nên kinh tế VN, các tập đoàn công ty doanh nghiệp hàng đầu chiến lược độc quyền . Các bất động sản đang cầm cố tại ngân hàng. Các ngân hàng tiềm năng như ACB, SACOMBANK...
    Năm 1995-97 các cty liên doanh giữa VN và tư bản . VN nắm 30 % giá trị . Sau 10 năm lỗ liên tục phiá VN chịu bù lỗ hết nổi phải rút. cổ phần 100 % bị tư Bản thu trọn. ( unilever, cocacola, pepsicola, P&G, Kimberly Clark, ....
    Ong_vo_ve said...
    Ông Du nói "Hay nói cách khác, tiền vẫn nằm ở những chỗ chúng đang nằm chứ không biến đi đâu cả" vậy hiện giờ chỗ nó nằm là chỗ nào ? đọc tôi chẳng hiểu nổi. Tôi là DN nên thấy rõ tiền nó thiếu như thế nào ! Ngân hàng cũng thiếu tiền trầm trọng, người dân bây giờ ai có tiền mặt 100tr-200tr rất ít, doanh nghiệp cũng thế.....thiếu tiền để mua nguyên liệu sản xuất trầm trọng. Nhiều khi ko hiểu tiền đi đâu? đọc bài của Bác Trấn thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm.
    MINDMAP said...
    xuất sắc, xuất sắc.
    psonkhanh said...
    Không biết bạn Thế Du (xin phép gọi là bạn vì tôi cùng lứa) viết bài này cho ai đọc. Phần lý thuyết bạn đưa ra đối với dân chuyên ngành thì quá thừa chẳng cần nói, nhưng với những người không chuyên khác thì sẽ chẳng hiểu gì cho dù là có trình độ cao đi nữa. Những lý thuyết đó được ráp nối một cách không ăn nhập gì với các dữ liệu mà bạn nêu ra để đưa ra những lý luận rời rạc không thuyết phục.
    Theo cách đặt vấn đề của bạn đầu bài viết là để giải tỏa sự hoang mang cho nhiều người, như vậy là nhắm đến các độc giả phổ thông không chuyên ngành kinh tế. Nhưng e rằng với 1 bài viết như thế này thì bạn đã thất bại rồi cho dù là tòa soạn KTSG đã dành gần 3 trang tạp chí cho bạn. Rất hiếm thấy bài nào chiếm độ dài lớn như vậy trên thời báo KTSG lâu nay.
    Có rât nhiều chi tiết và lập luận không chính xác, nhưng tôi thấy không cần nêu ra nữa vì tổng thể bài viết đã không ổn thì đi vào chi tiết cũng chẳng ích gì.
    MINDMAP said...
    Viết tiếp đi, cả entry và comment nữa. Cảm ơn Trần Đông Chấn, Gõ Kiến và cả Kho Chuoi.
    MINDMAP said...
    và cả psonkhanh nữa
    Tsunami said...
    Đọc câu đầu tiên và câu cuối cùng của bài ông Du là thấy có vấn đề rồi.
    Mở đầu: "Thực ra, người có đủ khả năng và thẩm quyền để có thể đưa ra câu trả lời một cách tin cậy nhất nhằm trấn an công chúng chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN)" Trời ạ, nếu NHNN nói 1 làm được 1 thì may ra tui mới tin. Nhưng lâu nay họ toàn nói 1 mà làm chưa tới 1/2 thì làm sao tui tin đây? Sự thật mà chỉ còn một nửa thì có là sự thật không? [Ông Du có xem blog này thì trả lời dùm tui].
    Kết luận: "Kết quả là hàng hóa sẽ được tạo ra nhiều hơn và tiền ít bị phung phí hơn làm áp lực tăng giá sẽ giảm và chúng sẽ trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện các chính sách vĩ mô đã được triển khai đúng hướng" Kết quả tốt đẹp này phải có điều kiện à nhen. Mà đó là điều kiện gì? Chính sách vĩ mô 'đã được' triển khai đúng hướng. Vậy lâu nay chính phủ đã điều khiển con tàu vĩ mô của mình đi đúng hướng chưa ta? Sao câu này khó trả lời quá. Đi thế nào là đi đúng hướng? Đúng hướng là đúng hướng nào? Và thế nào là hướng đúng? Càng suy nghĩ, càng liên tưởng đến tình hình thực tế thời gian qua sao mà tui thấy càng rối rắm, càng bi quan. Bởi vì tui sợ chính phủ của mình quá ah. Có ai trong bộ máy chính phủ là dân nghèo không? Nếu không nghèo làm sao biết khi tui không có tiền tui khổ thế nào. Có ai trong bộ máy chính phủ là dân thất học không? Nếu không thất học thì làm sao biết tui khổ thế nào khi tui thuộc thành phần kém 'trí thức'. Có ai trong chính phủ là dân mà có ít hơn 2-3 căn nhà không? Nếu có vài ba căn ở không hết thì làm sao hiểu được tui khổ thế nào lúc phải chui rúc ở đầu đường xó chợ. Nếu, nếu, nếu, ... còn hàng chục triệu cái nếu ấy đại diện cho hàng chục triệu mảnh đời [theo dân số VN hiện nay] với đa dạng cung bậc hỉ-nộ-ái-ố. Chính phủ có biết đi đường nào cho đúng không? Tui cũng phát nhức đầu với chính mình. Tư nhiên nghĩ dùm cho chính phủ trong khi các ông ấy giờ này chắc say giấc nồng hết rồi. Cả anh Du nữa, chắc cũng vậy thôi vì đã được trả công hậu hĩnh rồi, mà công cán được trả đều ở cả 2 bên mới sướng chứ lị. Anh Du đại tài. Anh Du thông minh. Anh Du hào hoa. Anh Du, Anh Du, Anh Du, ... chắc cũng có đến vài triệu Anh Du kiểu này ở cái đất VN nhỏ bé [nhưng là cô gái đẹp à nha] để làm cho cuộc đời chúng ta thêm phần thú vị lẫn đắng cay. Cuộc đời mà.
    Tsunami said...
    Xí quên, ban đầu gọi là ông Du, phía sau gọi là anh Du. Chắc tại tui bị tẩu hỏa sau một hồi suy nghĩ mà chưa ló ra lối đi đúng hướng là đi đường nào. Mà sao tui thấy gọi ông hay anh gì cũng đều không ổn. Vậy gọi gì đây ta? Thôi, chán quá. Là gì cũng được nhưng không phải hai từ đó.
    Tin Ha Minh said...
    Tôi đồng ý với ông trần đông chấn và bác AC-Arizona Cowboy!
    Vì sự xâm lược và các đòn tấn công của bầy thú điện tử và các tập đón tư bản nước ngoài là nhãn tiền, qua "Năm 1995-97 các cty liên doanh giữa VN và tư bản . VN nắm 30 % giá trị . Sau 10 năm lỗ liên tục phiá VN chịu bù lỗ hết nổi phải rút. cổ phần 100 % bị tư Bản thu trọn. ( unilever, cocacola, pepsicola, P&G, Kimberly Clark, ...."
    nói rằng nền kinh tế VN vẫn ổn, đồng tiền VN không thể thanh toán dễ dàng trên trường quốc tế để ru ngủ người dân là "lạc quan tếu" chỉ tạo điều kiện để bầy thú phá hoại dể dàng hơn mà thôi!
    Nói như bác "ong vo ve" là xác đáng! người dân bây giờ thiêu tiền trầm trọng! ai có chút ít đầu tư vào chưng khoán, bất động sản...bây giờ coi như tiêu! Sao mà yên tâm được, sao mà không bức xúc được!!!
    hoadauduc said...
    Thật Thú vị khi được đọc hai bài phản biện trong một thời gian ngắn. Bài của GSTS Trần Ngọc Thơ, thì là bài văn mơ màng và tràn đầy uẩn khúc, nhưng đoạn kết rất chi là toán học, (tuy rằng trích đoạn chưa đủ). Tác giả Huỳnh Thế Du, chọn một cách tiếp cận khác, làm toán nhưng kết luận lại rất văn chương nói về "cảm" và chỉ "cảm" rất mơ hồ thôi.
    Tôi nghĩ phản biện lại "VIỆT NAM ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU VÀ SẼ ĐI VỀ ĐÂU" rất khó, người ta cần kiểm chứng trong thực tế, thời gian trước mắt và lâu dài, người ta cũng cần phải hiểu rất nhiều và sâu về chiến tranh tiền tệ từ trước tới nay trên thế giới do tổ chức của các nhà tư bản tài chính, ngân hàng gây ra, về xã hội, về con người Việt Nam và thế giới, qua từng chi tiết, động thái sự kiện tưởng như vô tình hoặc nhỏ nhặt... nâng nó lên thành giả thiết và biện luận. Với cách nhìn siêu hình của các nhà kinh tế tháp ngà, chắc chắn sẽ chẳng thể làm được gì, vì họ giống như thầy bói xem voi, là con đỉa khổng lồ, là cái quạt nan to tướng, hoặc là cái cột đình... Có thể có bài phản biện thứ 3,4...n về kinh tế chắc cũng chỉ giới hạn tầm như hai bài phản biện kể trên mà thôi.
    Tôi thích câu của tác giả Trần Đông Chấn "Kinh tế học không phải là môn khoa học tự nhiên như toán học, vật lý. Nó là một khoa học dựa vào hành vi con người và hướng đến con người dù rằng nó dùng các công cụ toán học để mô phỏng và phân tích. Các tính toán lý thuyết kinh tế sẽ không có giá trị gì nếu không gắn nó với việc hiểu ứng xử và động lực của con người."
    Neverlookback said...
    có bao nhiêu tiền, đó là vấn đề kô fải ai muốn thì có thể biết được.
    MINDMAP said...
    Tiền VN đang ở đây: Deutsche Bank, HSBC, Temasek Holdings, v.v… (và nhiều hơn thế nữa)
    Do Trong Nhan said...
    Dường như mọi thứ đang đi đúng theo con đường của nó như các Bloggers ở đây phân tích. Các bạn tham khảo bài viết này.
    http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/7331/ Cơ hội cho nước ngoài? (TBKTSG) - Khó khăn hiện nay đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng điêu đứng. Thế nhưng, theo nhận định của nhiều người trong cuộc, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh xâm nhập thị trường trong nước.
    Một số ý kiến của tôi:
    - Tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn là hệ quả tất yếu từ sự điều hành yếu kém của chính phủ và nhiều tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới ở ngay đúng giai đoạn này đã tạo ra áp lực lớn lên sự tồn vong của nhóm doanh nghiệp dân doanh. Nghịch lý ở đây: họ là nhóm tạo ra của cải cho xã hội một cách tích cực nhất nếu tính trên phương diện hiệu quả sử dụng vốn. Quá trình phát triển của họ không có sự hậu thuẫn của nhà nước như dành cho các DNNN. Nhưng hiện nay họ đang là nhóm phải gánh chịu nhiều nhất những ảnh hưởng xấu đến từ cuộc khủng hoảng vì sự yếu kém (của ai đó) không phải của mình. Sự mất mát này có công bằng? Ngay thời điểm này liệu chính phủ có biện pháp gì hỗ trợ cho họ (dù có thể họ không trông chờ điều đó) để giúp họ vượt qua khủng hoảng mà không phải bán rẻ cho nước ngoài? Chính phủ cần có câu trả lời thỏa đáng cho các doanh nghiệp dân doanh về vấn đề này.
    - DNNN dù có xứng đáng là trụ cột kinh tế của nước nhà hay chưa thì hiện nay vẫn có sự hậu thuẫn của nhà nước. Lãi chưa thấy đâu nhưng lỗ thì đã có ngân sách bù đắp nên chưa thể rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ngân sách đến từ nguồn thu thuế, các khoản thu khác do người dân đóng góp và nguồn thu do bán đi các tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chính phủ yếu kém nên các DNNN này cũng yếu kém, đó là hệ quả tất yếu. Tài sản của nhà nước (cũng là của nhân dân) bị tiêu tốn vào những nơi nằm ngoài chức năng trụ cột kinh tế của những ‘ông lớn’ này. Khi trụ cột èo uột thì chỉ cần có 1 nơi bị lún hoặc nghiêng thì khả năng kéo sập những trụ cột còn lại là rất lớn (như vừa rồi trong cuộc họp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới sự chủ trì của Phó TT Hoàng Trung Hải thì ông đã nói là các lãnh đạo doanh nghiệp này cãi nhau ỏm tỏi không ra thể thống gì vì vấn đề lãng tránh trách nhiệm của chính mình). Ngôi nhà kinh tế VN đang bị đe dọa nghiêm trọng ở một khía cạnh nào đó mà ít ai để ý đến. Khi ngôi nhà này mà bị phá hủy thì những ai ở trong ngôi nhà đó liệu có cơ may sống sót? Chính phủ sẽ củng cố các trụ cột này thế nào khi đã xảy ra tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’? Chưa kể của cải của nhân dân đã bị bòn rút qua các siêu dự án của các DNNN này thực hiện. Liệu ngôi nhà kinh tế VN có bị giật sập trong thời gian tới hay không khi lò xo kiềm giữ giá của các DN này đang nén hết cỡ chờ đến ngày bật tung lên? Chính phủ cần có câu trả lời thỏa đáng cho nhân dân cả nước về vấn đề này.
    - Dân giàu thì nước mạnh. Câu nói này luôn đúng. Khi doanh nghiệp của mình bị mất thì nghĩa là dân sẽ nghèo đi. Mặc dù bán doanh nghiệp sẽ thu được một số tiền, nhưng chắc chắn sau đó không dễ dàng để khởi nghiệp lại trong tình hình thị trường đã bị dominate bởi nước ngoài. Còn nếu chấp nhận quay lại làm thuê cho nước ngoài thì chúng ta sẽ có lớp ông chủ mới ngay chính trên đất nước của mình, phần lớn của cải làm ra từ việc khai thác tài nguyên, nhân công và thị trường VN sẽ là của cải của họ. Thị trường bị khống chế bởi ai thì rõ ràng họ là người sẽ định đoạt giá cả và điều kiện sử dụng của sản phẩm do họ cung cấp. Chính phủ mà yếu kém thì làm sao đảm bảo người dân được hưởng những gì xứng đáng với cái mà họ đã chi trả. Đất nước VN rồi có mạnh lên được không? Chính phủ cần có câu trả lời thỏa đáng cho thế hệ trẻ cả nước về vấn đề này.
    Do Trong Nhan said...
    Tôi biết rằng trong bộn bề ngổn ngang các vấn đề cấp bách hiện nay sẽ rất khó đưa ra câu trả lời đúng, càng khó hơn để đưa ra hành động đúng và càng bội phần khó để đưa ra quyết tâm thực hiện đúng. Nhưng chính phủ không được ‘phép’ thờ ơ và không được ‘quyền’ thờ ơ bởi nhân dân đã giao ‘quyền’ lẫn ‘trách nhiệm’ vào tay những cá nhân rất cụ thể trong chính phủ bởi khi họ bầu chọn cho ai thì họ chỉ rõ tên tuổi của người đó trên lá phiếu của mình chứ không phải là bầu chọn cho một tập thể chung chung nào đó. Chỉ khi nào những cá nhân này thực hiện đúng và đủ ‘quyền’ lẫn ‘trách nhiệm’ của mình như khi họ cam kết lúc được nhân dân bầu chọn thì may ra … Nhân dân hoàn toàn có quyền yêu cầu điều này. Mong lắm thay.
    psonkhanh said...
    Các comments củ Gõ Kiến rất đúng. Tôi vừa xem bản thảo luận chính sách số 2 (vượt qua khủng hoảng, đẩy manh j cải cách) của nhóm Harvard. Đúng là nếu để ý kỹ thì thấy rằng mục tiêu dẫn dắt cuối cùng là để bán rẻ các công ty VN cho nước ngoài. Tuy nhiên tài liệu này có những phân tích có giá trị nếu biết nghe bằng 2 tai và có bộ lộc công tâm. Tài liệu này đã được tải lên mạng, ai quan tâm thì vào đây download về xem: http://www.mediafire.com/?ygxd011yzs8
    Taybalo G said...
    Xin phép bác Chấn cho em gửi vài lời cho bác Du ạ.
    Thưa bác Du, biết rằng bài viết này của bác nhắm mục đích biện minh cho việc thiếu tiền đồng, nhưng cách lập luận của bác quả thật khó lòng mà nghe xuôi tai.
    Trước hết, theo như định nghĩa của bác thì khá đơn giản là thiếu tiền thì đi in. Nhưng xin thưa tiền không phải là hàng hoá để thiếu thì ta sản xuất hàng thêm, vì việc in thêm có thể sẽ lại làm cho đồng tiền càng mất giá, và nó còn liên quan đến công trái chính phủ, quỹ dự trữ quốc gia, lương cung-cầu, tính thanh khoản của dòng tiền ở từng thời điểm,..
    Kế đến, lập luận 100 đồng ban đầu tạo ra 370 đồng thì tôi chẳng đồng ý tí nào. Thế chả nhẽ bà bán rau có vốn ngày 100.000đ, bán 10 ngày thì nghĩa là bà í đã tạo ra 1 triệu đồng ? (100.000đ X 10 ngày). Thực tế, 100đ vốn của bác ví dụ chỉ có thể thành (100d + tiền sinh lãi trên 100đ). Nhu vay, vòng xoay vốn càng nhiều lần thì tính thanh khoản càng cao, chứ không mang ý nghĩa tạo ra 1 nguồn vốn chồng lên nhau lớn hơn. Do vậy, lập luận lương tín dụng do ngân hàng cung ứng 6 tháng đầu năm đạt 200.000 tỉ đồng để chứng tỏ ta có nhiều tiền thì không ý nghĩa.
    Ngoài ra, nếu tính toán như bác thì Ngân hàng nhà nước giàu to nhỉ, lãi mẹ đẻ lãi con, vốn mẹ đẻ vốn con. Tính toán như bác Du thì thảo nào mà dân ta không khổ mãi.
    Theo dẫn chứng của bác thì: (i) do lòng tin của dân chúng được gia tăng nen ít giữ tiền mặt và (2)nguồn dự trữ trong ngân hàng giảm so với tiền gửi => cả 2 điều này dẫn ra nguồn tiên đồng không có trong ngân hàng và cũng không có trong tay dân => vậy thì tiền lưu chuyển trên thị trường phải nhiều hơn chứ sao lại ít đi ?
    Khái niệm đầu cơ của bác Du cũng rất lạ, ví như nếu bọn nước ngoài nó gom tiền đồng của bác hết thì nó không mang ra được nước ngoài, mà nếu nó mang ra nước ngoài thì nó fải đổi ra ngoại tệ thì tiền đồng vẫn ở trong nước,.. Thưa Bác Du, nếu nó có đầu cơ thì nó gom lại giữ ở đó, nó chờ cho tiền của bác thiếu hụt, bác kiệt quệ, bác chết lây lất, nó mới đem tiền đó ra mua tài sản của bác với giá rẻ mạt. Lúc đó để bảo tồn sự sống còn thì bao nhiêu bác cũng bán dù phải đổi vàng lấy cơm.
    Ngoài ra, bác có một số khái niệm rất lạ lùng mà tôi chưa từng nghe qua, ví dụ như "Nền kinh tế có quá nhiều tiền nên cần giảm bớt đi", hay là "Tiền tệ được mở rộng quá mức",...
    Cuối cùng thưa Bác, nếu có phản biện thì hãy dùng những lập luận chặt chẽ để cho chúng tôi có thể cố mà tin. Việc biết được tình hình kinh tế thật như thế nào sẽ giúp cho người dân có sự chuẩn bị sức để đồng lòng vượt qua, và chia xẻ cảm thông trong những giai đoạn khó khăn tạo sức mạnh dân tộc. Đừng để người dân...chết..vì thiếu hiểu biết.
    luatsu_phapquyen said...
    Kinh thật, Toàn dân Pro thi nhau đánh hội đồng cái anh chàng Huỳnh Thế Du ( Nghe tên hơi giống Diễn viên Điện ảnh TQ-HK, hihi ). Em cũng có comment ở Entry : bài Phản biện Tiền đồng đang ở đâu nhưng comment không ăn nhằm gì cả. Bác Chấn cho phép em copy tiếp bài này và luôn nhhững comment của những Bác khác nhé./.
    Tsunami said...
    Hahaha … nhìn Mr. trọc giống người rừng mới tái xuất giang hồ quá. Tín hiệu tốt àh. Chắc tại trong rừng ra nên mới dám nói dzậy. Thử đi hỏi hết xung quanh xem người dân đã có ai thấy tình hình tốt hơn chưa? Xăng vừa tăng giá một cái ào (chỉ người dân không biết chứ bọn đầu cơ kết hợp quan tham nhũng thì biết từ trước đó bao nhiêu ngày rồi, đợt tăng giá này họ kiếm đến tiền trăm triệu USD chứ không ít) kéo theo thị trường chứng khoán xuống điểm, giá đô la tăng trở lại, giá cả các mặt hàng rụt rịt chạy đua với xăng, ông nhà đèn cúp điện loạn xạ không có báo trước làm cuộc sống người dân và các cơ sở/nhà máy sản xuất bị bắt buộc nhảy lam-ba-đa theo, giá điện cũng đang nhấp nhổm muốn chạy theo xăng (chắc cũng trong thời gian gần nữa thôi), báo chí viết là lãi suất đang trên đà giảm nhưng thực tế thì lãi vay tiền đồng vẫn trên 21% và tiền đô thì có nơi lên đến 15%, ... Khi tăng giá xăng ngay lập tức quan chức phản ứng rất nhanh nhạy lo chạy đi bưng bít thông tin và xông xáo tìm mọi cách gỡ bỏ những bài báo trước đó trích dẫn về việc chính phủ loan tin cam kết bình ổn giá cả các mặt hàng nhạy cảm đến hết năm hòng ngăn ngừa tốc độ tăng lạm phát. Những việc này có liên quan đến tiền không? Làm sao mà không có được. Vậy Mr. trọc cho tui biết tín hiệu tốt của ông nói là gì nào? Hay ông cũng chỉ là nói leo những gì báo chí trong nước viết theo chỉ thị để lòe thiên hạ và phủ định sự thật. Nhà báo bây giờ cũng đau lắm (ông sẽ biết nếu ông có bạn làm ở các cơ quan báo chí) bởi họ chỉ có 2 lựa chọn: 1 là chấp nhận đánh mất đi bản thân mình để bẻ cong ngòi bút nhằm phục vụ cho các mục tiêu không sáng sủa của nhà nước này, 2 là họ phải từ bỏ cơ quan từ bỏ công việc yêu thích để giữ lại lòng tự trọng của người làm báo. Đừng cố lăn theo những cái ngược dòng để rồi tự mình tụt hậu. Đừng cố phủ nhận khi người ta đang nói lên sự thật dù cái sự thật đó có đau đớn đến thế nào. Đất nước này rồi phải được cải thiện nhưng chắc chắn nhân tố làm nên chuyện đó sẽ không phải là những con người bất tài và tham nhũng đang nằm trong bộ máy chính phủ.
    TrỌc said...
    Comment ít hẳn.Các cm của dân ngoại đạo cũng ít.Duy chỉ có mấy bác trên "cố đấm ăn xôi"...^^
    Câu trả lời xác đáng nhất cho các câu hỏi trên là tình hình hiện nay đang có vài tín hiệu tốt dần lên.Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm mà không thể ngồi 1 chỗ mà úm ba la ra đc ^^
    Có nhiều ý cm phía trên rất buồn cười (Vd:"Kế đến, lập luận 100 đồng ban đầu tạo ra 370 đồng thì tôi chẳng đồng ý tí nào. Thế chả nhẽ bà bán rau có vốn ngày 100.000đ, bán 10 ngày thì nghĩa là bà í đã tạo ra 1 triệu đồng ?"?????)
    Hoan nghênh bác Đông Chấn đã cho đăng lại những bài có thể coi là trả lời cho bài "Tiền đồng ở đâu?".
    (Không đưa ra ý kiến cá nhân vì tự thấy mình còn non kém^^)
    Penguin said...
    Hoàn toàn đồng ý với Tsunami! Chúng ta đang bị lừa, bị ngủ mê trong cái vỏ bọc dối trá này!
    luatsu_phapquyen said...
    Nguồn: Báo Người Việt online tổng hợp tin
    medium_xaycat.jpg
    Công nhân đang chuẩn bị đất để xây một tòa chung cư mới ở khu đô thị mới Hà Nội.
    HÀ NỘI 20-7 (TH).- Cướp đất của dân và chỉ đền bù với giá rất tượng trưng rồi bán ngay cho đám tư bản ngoại quốc với giá cao gấp trăm lần, bị dân phản đối nhưng nhất định không đổi.
    Ngày Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008, báo điện tử VietnamNet cho hay nhà cầm quyền thành phố Hà Nội không chịu trả tiền cao hơn cho các khiếu nại của dân chúng về mức đền bù giải tỏa quá thấp.
    Người dân huyện Từ Liêm đã khiếu kiện rồi biểu tình nhiều lần nhưng đều không đi tới kết quả nào. Bản tin Vietnamnet nói: “UBND thành phố Hà Nội và huyện Từ Liêm vừa thống nhất chỉ hỗ trợ công tôn tạo 25,000 đồng/m2 đất trồng đào, quất tại xã này” (tức xã Xuân Ðỉnh).
    Ðất trồng cây cảnh đào, quất v.v... của người dân xã Xuân Ðỉnh suốt từ mấy chục năm qua đã bị nhà cầm quyền CSVN “qui hoạch” để xây dựng khu đô thị Nam Thăng Long bằng vốn đầu tư của tư bản ngoại quốc.
    Theo một bản tin trên “Dothi.net”, người dân Xuân Ðỉnh nói rằng lẽ ra và ít ra họ phải được đền bù gấp 10 lần nhưng nhà cầm quyền CSVN cho đến nay nhất quyết chỉ chịu trả có 25,000đồng/m2.
    Nhưng, theo một bản tin trên Vietnamnet hai năm trước, ngày 4 tháng 10, 2006, nhà đầu tư ngoại quốc vào đợt đầu xây dựng khu Nam Thăng Long đã phải trả cho nhà cầm quyền Hà Nội 1.54 triệu đồng/m2 mà tờ báo nói “UBND thành phố Hà Nội (có dư luận đặt câu hỏi) lách luật để làm lợi cho nhà đầu tư” (ám chỉ có móc ngoặc để ăn hối lộ).
    Vì chỉ 16 ngày sau khi bán với giá vừa kể, nhà nước ấn định “giá đất trong khu vực này là từ 6.48 triệu đồng/m2 đến 12 triệu đồng/m2” tức là “cao gấp nhiều lần so với mức giá trước đó”.
    Bán cho nhà đầu tư cao như vậy, báo VietnamNet nói rằng “một tháng trước khi UBND thành phố Hà Nội ra quyết định có lợi cho nhà đầu tư, chính phủ đã ban hành nghị định 188 về khung giá đất theo đó yêu cầu các tỉnh thành phải xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường”.
    Nói khác, quan chức thành phố đã “giảm được khoản tiền phải đóng lên tới 3,000 tỉ đồng, tương đương gần US$200 triệu” cho nhà đầu tư. Tuy tờ VietnamNet không nói ra nhưng cho người ta hiểu ngầm là, khi được hưởng lợi khổng lồ như vậy, tư bản ngoại quốc phải “lại quả” nhiều triệu đô la cho những kẻ quyền thế trong Ðảng và nhà nước.
    Còn người dân xã Xuân Ðỉnh? Sau nhiều lần khiếu kiện không xong, suốt một tuần lễ từ 7 đến 12 tháng 4, 2007, hàng chục người dân đã biểu tình và xô xát với những người thi công khu đô thị Nam Thăng Long, nhiều người đã bị thương.
    Theo “Dothi.net”, giai đoạn xây cất đợt đầu đã xong từ giữa năm ngoái và đã bán hết cho đám tư bản đỏ gồm 318 đơn vị chung cư và 390 biệt thự. Giai đoạn hai đang xây cất với 2,000 biệt thự và 8,000 đơn vị chung cư.
    Giá bán một căn chung cư đợt đầu từ khoảng 6 tỉ đồng (khoảng US$357,000) tới hơn 10 tỉ đồng (khoảng US$600,000 hay đắt hơn).
    Giá bán ở giai đoạn hai “được công bố ở mức US$1,700/m2 đất biệt thự và US$630/m2 nhà chung cư”, (theo dothi.net). So ra giá đền bù cho nông dân tính theo đô la Mỹ chỉ có $1.48/m2 trong khi giá bán cho người tiêu thụ (tư bản đỏ) cao hơn một ngàn lần.
    Cho đến nay, người dân cả nước vẫn bám ở cửa các cơ quan thanh tra, các văn phòng chính phủ, quốc hội, các trụ sở tiếp dân để khiếu kiện đất đai vì đền bù giải tỏa vô cùng bất công như thế. Nhiều người khiếu kiện tập thể ăn ngủ ngay trên vườn hoa Mai Xuân Thưởng (trung tâm Hà Nội và gần với quảng trường Ba Ðình) hoặc ngay trước trụ sở tiếp dân nay bị dời về 110 đường Cầy Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Họ kiên nhẫn theo đuổi mà không hề thấy kết quả gì.
    ....
    Khang Duy said...
    Để thông tin được rõ ràng hơn, giúp chúng ta cùng nhìn vào sự thật, xin được trích dẫn Lời giới thiệu của Thạc sĩ Đinh Thế Hiển (giámđốc việnnghiên cứu Tin học & kinh tế ứng dụng) viết mở đầu để giới thiệu quyển sách Chiến tranh tiền tệ (Currency War) của tác giả SONG HONGBING (bản dịch hiện có bán tại các hiệu sách). Trích dẫn như sau:
    “Việt Nam vừa mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới và mặc dù đồng tiền chưa được chuyển đổi tự do, nguồn vốn đầu tư quốc tế còn hạn chế nhưng tình trạng lạm phát kinh tế, hiện tượng bong bóng trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang xuất hiện và đang tạo ra tình trạng bất ổn trong đời sống xã hội. Theo ước tính, trong vòng mấy tháng cuối năm 2006 và đầu 2007 đã có tới 10 tỉ đôla Mỹ được rót vào thị trường chứng khoán, kéo theo hơn 350 nghìn tỉ đồng của các nhà đầu tư trong nước nhập cuộc. Khi hai thị trường chứng khoán và bất động sản được bơm vốn quá lớn tạo ra hiện tượng bong bóng và gây lạm phát cao, Chính phủ buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Và đây cũng là lúc các tổ chức tài chính nước ngoài thu hồi vốn đầu tư khiến thị trường chứng khoán mau chóng suy sụp và thị trường bất động sản đi vào giai đoạn đóng băng nặng nề nhất. Chỉ tính trong vòng 40 ngày cuối quý 1/2008, thị trường chứng khoán mất tới 347 điểm, tương đương 100 nghìn tỉ đồng “bay hơi”. Nếu tính theo mốc giá ngày 12/3/2007 thì nhiều công ty đã rớt giá 70~80%, gây ra khoản thua lỗ hơn 300 nghìn tỉ đồng. Quả thật đây là một thảm hoạ đối với nhà đầu tư. Hiện tượng này xảy ra lần đầu tại việt nam, tuy nhiên, rất ít người biết được rằng, kịch bản này đã được dàn dựng thành công tại nhiều nước trên thế giới”
    Xu Nu said...
    Ngu như con lừa, dốt nát chỉ lo cà phê, buôn dưa lê, không lo học mà cứ ti toe chê người ta. Giải thích đến thế rồi mà không chụi hiểu, đúng là lỗ tai cây. Thằng chó hedge fund nào cầm nguyên cả 1000 tỷ đồng để trong két, tưởng đây là zimbawe à, mịa thử chuyển 1.000.000 USD ra nước ngoài hộ em coi, bằng tài khoản ngân hàng ấy. Bờm như ngan, thâm chí đến cả cung tiền danh nghĩa và cung tiền thực sợ mấy bố cũng còn không biết nữa kìa, bờm như vịt. Các bố ơi, nếu so sánh cùng kỳ năm trước thì hiện tại tổng lượng cung tiền thực trong nền kinh tế đã giảm đi 50% rồi đấy, muốn biết tại sao thì ra nhà sách mua cuốn kinh tế học về mà đọc, bờm quá thể.
    Những số liệu được công bố cho biết trong 3 năm từ 2005 đến 2007 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 27% (tạo ra thêm khoảng 434 ngàn tỷ đồng giá trị sản phẩm quốc nội) nhưng lượng cung tiền lại tăng tới 135%. Điều này có nghĩa rằng nhà nước đã phát hành thêm một lượng tiền lớn hơn gấp nhiều lần trị giá của cải mà xã hội làm ra được trong 3 năm trên. Nếu lượng tiền đó được lưu thông hết vào thị trường thì sẽ tạo ra khả năng lạm phát lên đến 80% trong quãng thời gian này.
    Thế nhưng con số lạm phát danh nghĩa từ 2005 đến 2007 đã được công bố là 27,6% (2005: 8,4%, 2006: 6,6%, 2007: 12,6%), như vậy mức độ lạm phát thêm 52,4% nữa sẽ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ đầu năm 2008 trở đi
    xin tác giả làm ơn cho kẻ hèn này biết, tác giả dựa vào công thức kinh tế học nào ? của ai ? mà cho rằng như thế (như vậy mức độ lạm phát thêm 52,4% nữa sẽ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ đầu năm 2008 trở đi), cái tốc độ tăng GDP của tác giả là GDP thực, không phải GDP danh nghĩa, (cái GDP của tác giả dùng cho bài viết là đã trừ đi lạm phát rồi, tác giả có biết không ?) The Optimum Quantity of Money Theory and Evidence tác giả đã đọc chưa. Nói thiệt bài viết của Đông chấn về tiền đồng đang ở đâu chỉ dành cho tầng lớp ngu si thôi, Pác nếu không muốn thiên hạ coi pác là thằng hèn thì cùng em tranh luận về kinh tế học , em chỉ cho bác thế nào là kinh tế học ?
    Tsunami said...
    Tưởng có comment gì hay, hóa ra lại là kiểu đầu lùn-văn hóa thấp. Chúng ta thật sự phải dốc lòng để cảm thông cho thành phần này trong xã hội bởi đó chính là quả đắng tất yếu từ những thân cây èo uột được nuôi dưỡng bằng thứ tạp chất cằn cỗi của nền giáo dục thụt lùi. Thời gian sẽ cho họ câu trả lời. Chúng ta dành mối quan tâm của mình cho việc khác lúc này có ích hơn.
    K3Y said...
    Bạn pham chinh này chắc là học trò của bác HTD quá. Mỗi tội văn phong vô học và mắc bệnh sính chữ.
    Vòng xoày hút-nhồi vẫn đang tiếp tục mà nhiều người vẫn lạc quan được nhỉ???
    Hoang17 said...
    doc vui day!
    Hien H said...
    “…nhân dân đã giao ‘quyền’ lẫn ‘trách nhiệm’ vào tay những cá nhân rất cụ thể trong chính phủ bởi khi họ bầu chọn cho ai thì họ chỉ rõ tên tuổi của người đó trên lá phiếu của mình chứ không phải là bầu chọn cho một tập thể chung chung nào đó. Chỉ khi nào những cá nhân này thực hiện đúng và đủ ‘quyền’ lẫn ‘trách nhiệm’ của mình như khi họ cam kết lúc được nhân dân bầu chọn thì may ra …”
    Có lẽ bác Do Trong Nhan đang ở trên Cung trăng hay sao mà lại nói thế nhỉ. Tôi cũng là nhân dân đây mà có được “chỉ rõ tên tuổi” để bầu chọn cho ai đâu trong chính phủ???
    Còn nhân dân cũng chưa bao giờ bầu cho “một tập thể chung chung nào đó” thì rõ rồi.
    Do Trong Nhan said...
    @ Hien H: Hiện nay ở đâu cũng nghe đất nước này, nhà nước này, đảng này ... là của nhân dân, là vì nhân dân. Xã hội có quy tắc vận hành của nó. Mỗi người dù là dân đỏ hay dân đen thì cũng là một thành phần của nhân dân, nhưng trong đó dân đỏ được dân đen bầu ra để làm lãnh đạo, dân đỏ thì cũng có năm bảy kiểu. Bạn suy nghĩ thêm đi nhé.

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ