BÀI PHẢN BIỆN TIỀN ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU?

Bài viết của GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế Tp.HCM. (nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 7/7/2008)

Để trả lời câu hỏi này, một số tác giả đã tiến hành so sánh tốc độ tăng GDP và cung tiền. Theo đó tốc độ tăng GDP trong giai đoạn 2005-2007 là 27,6% nhưng cung tiền lại tăng tới 135%.

Hai dữ kiện này sau đó đã được liên kết lại để đưa đến nhận định rằng với lượng cung tiền này thì lạm phát đáng lý phải cao hơn nhiều chứ không phải như trong thời gian qua (?!). Sở dĩ lạm phát chưa bùng phát lên cao là do phần lớn lượng tiền cung ứng trong ba năm qua đã nằm ở các hedge fund (quỹ đầu cơ) và một số nhà đầu cơ lớn nhỏ khác. Họ chỉ chờ thời cơ thuận lợi để thao túng (lũng đoạn tiền tệ hoặc tiến hành các hoạt động thâu tóm).

Nếu ví tiền đồng như “nước”, phần lớn nước hiện nay nằm ở các con sông (ngân hàng thương mại). Có điều lượng nước từ các con sông cũng không còn nhiều do đã được hồ chứa là Ngân hàng Nhà nước hút về phần lớn (bằng việc siết van khóa chặt tiền tệ). Nước không nhiều nên các con sông đã hạn chế đến mức tối đa cho các cánh đồng (doanh nghiệp) vay mượn.

Nếu ví tiền đồng như “nước”, phần lớn nước hiện nay nằm ở các con sông (ngân hàng thương mại).


Cánh đồng nào may mắn vay được nước từ sông cũng không chủ yếu dùng để canh tác mà để bù đắp thanh khoản. Sông nào vay được nước từ hồ cũng rất hạn chế cho các cánh đồng vay lại vì bị hồ chứa đặt ra quá nhiều điều kiện (như tốc độ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 30%).

Phần nước mà hồ cung ứng trước đây cho các cánh đồng “chứng khoán và bất động sản” đã bốc hơi phần lớn, số còn lại cũng bị đóng băng vì thị trường đang rơi vào cảnh chợ chiều. Sau khi tính hết các yếu tố này, lượng nước chắc rất ít ỏi còn lại nằm ở các cây giữ nước là người có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp và một số quỹ đầu tư.

Đây mới là cách phân tích khả dĩ để trả lời cho câu hỏi “tiền đồng đang ở đâu”, thay vì chỉ suy đoán. Trước hết, ta thấy rằng tiền không phải đến từ những cỗ máy in mà từ nguồn vốn vay hoặc huy động từ cổ đông. Tiền trả lãi vay và cổ tức lấy từ đâu khi mà lượng tiền đồng này nằm yên không sinh lợi trong thời gian quá dài chỉ để chờ thời cơ thao túng?

Tuy nhiên tiền đồng mà các quỹ có được là do trước đó họ phải bán đi Đô la để đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản, nhưng với việc thị trường chứng khoán và bất động sản giảm giá khoảng 60% trong gần một năm qua, kết hợp với tỷ giá ngày càng có xu hướng tăng lên (nghĩa là cũng số lượng tiền đồng như cũ nhưng chuyển sang Đô la ngày càng ít đi theo thời gian), liệu các quỹ có đủ kiên nhẫn chấp nhận lỗ thêm nữa và chờ đến bao giờ để tiến hành các hoạt động thao túng?

Thống kê từ một số quỹ đầu tư cho thấy lượng tiền mặt hiện cũng chỉ còn vài phần trăm so với tài sản ròng, trừ các quỹ mới huy động (xem bảng dưới). Các quỹ khác không nằm trong thống kê này chắc hẳn cũng đang trong tình trạng tương tự. Và ngay cả trong trường hợp toàn bộ lượng tiền đồng này được chuyển đổi sang Đô la, các quỹ cũng gặp phải những khó khăn từ các rào cản ngoại hối.

Việt Nam chưa phải là quốc gia tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn và với chính sách quản lý ngoại hối vẫn còn khá chặt chẽ như hiện nay, khó nhà đầu tư nào có thể bán ngay một lúc toàn bộ lượng tiền đồng lấy Đô la để chuyển ra nước ngoài. Còn nếu sử dụng các công cụ phái sinh để chuyển tiền đồng thành Đô la thì càng không thể.

Các hợp đồng phái sinh ở các ngân hàng chủ yếu là hợp đồng kỳ hạn, và cũng chỉ được các ngân hàng cung ứng cho các doanh nghiệp trong giao dịch xuất nhập khẩu. Còn với công cụ phái sinh quyền chọn (option) Đô la Mỹ/Đồng Việt Nam thì do đang trong quá trình thí điểm nên thiếu khung pháp lý để các quỹ chuyển đổi hàng loạt sang đô la với số lượng lớn.

Như vậy nếu có thể chuyển từ tiền đồng sang Đô la và sau đó chuyển ra nước ngoài, các quỹ chỉ có thể tiến hành nhỏ giọt, thị trường ngoại hối khó có thể có đột biến đáng kể, thậm chí nếu khả năng này xảy ra. Tuy nhiên với những thông tin tích cực gần đây và việc các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đổ vốn vào Việt Nam, xem ra việc tính toán thế trận giờ đây đã không còn hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ mỗi một phía các quỹ đầu cơ.

Tóm lại, nếu chỉ nhìn vào lượng nước (tiền) mà hồ chứa là Ngân hàng Nhà nước cung ứng trong nhiều năm qua để cho rằng chúng hiện đang nằm ở các quỹ đầu cơ lớn là chỉ chụp ảnh có mỗi lượng nước tích tụ tại các cây giữ nước ngay tại một thời điểm nào đó (khi thị trường chứng khoán và bất động sản còn đang nóng).

Cách chụp ảnh ở trạng thái tĩnh tại một thời điểm hoàn toàn bỏ qua việc hồ chứa nước đã thu hồi nước từ các con sông (ngân hàng tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu bắt buộc và chuyển toàn bộ khoảng 50.000 tỉ đồng tiền gửi của hệ thống kho bạc đang gửi về Ngân hàng Nhà nước).

Để trả lời cho câu hỏi nước (tiền) đang ở đâu, cần xem lại từ đầu đến cuối cuốn phim “bơm hút nước” từ toàn bộ hệ thống của hồ chứa nước, các con sông, các cánh đồng và các cây giữ nước, thay vì chỉ xem duy nhất một tấm ảnh của chỉ có mỗi cây giữ nước. Sau đó còn phải nhận diện các điều kiện và cơ chế mà lượng nước từ các cây có thể gom lại được để tạo nên một trận lụt.

Ta còn phải tiến hành chọn mẫu tiêu biểu một số cây giữ nước để ước đoán lượng nước từ các cây khác còn lại nhiều hay ít. Điều quan trọng mà nhà làm chính sách cần quan tâm chính là các cây giữ nước này đang tích trữ bao nhiêu lượng ngoại tệ Đô la và vàng trong thời gian qua để chờ thời?

Mọi suy diễn chủ quan khác đều tạo ra tâm lý hoang mang không đáng có về một trận lụt ảo.

Lượng tiền mặt tại một số quỹ trong nước và nước ngoài (đến cuối tháng 5/2008)
Quỹ đại chúng trong nước niêm yết tại HOSE (Đồng Việt Nam)TiềnTài sản ròngTỷ lệ
VF1258.101.576.8251.881.152.746.19413,7%
VF4 (mới hoạt đồng từ 28/2/2008)578.256.092.098738.937.038.30778,3%
PRUBF116.820.213.714376.227.371.6444,5%
MAFPF140.225.898.492118.999.527.45333,8%
Quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (Triệu Đô la Mỹ)TiềnTài sản ròngTỷ lệ
Vietnam Enterprise Investments Limited - VEIL11,44381,43,0%
Vietnam Growth Fund Limited - VGF14,70245,016,0%
Vietnam Dragon Fund Limited - VDF4,07203,62,0%
Vietnam Opportunity Fund (VOF) 18,74694,02,7%
Vietnam Infrastructure Limited (hoạt động từ tháng 7/2007)226,71361,062,8%
Nguồn: Tổng hợp từ website của các quỹ và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM
(Theo TBKTSG)

19 Comments:

  1. NKT said...
    Cám ơn anh đã chỉ ra các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế, bản chất anh ví với nước như vậy rất dễ hiểu và trực quan vậy theo anh dự đoán bao giờ cây sẽ xả nước và bao giờ hồ bị vỡ đập ( rào cản ) gây ra trận lũ lụt ? theo thiển ý của em và các diễn đàn thì chẳng lâu nữa đâu khi mà thiên thời địa lợi sẽ đến vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 này thôi sau cuộc họp nội bộ của Đảng diễn ra đầu tháng 8 để đấu đá đả kích nhau;, khi mà nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ cho xăng dầu ( khi giá dầu thô thế giới còn giữ mức cao, 11000 nghìn tỷ bù lỗ cho 6 tháng đầu năm); và khi mà nước ta sẽ bước vào mùa mưa bão miền Trung, miền Bắc và lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long.Nhà nước liệu có đủ công cụ kinh tế mà ứng cứu không?Tiền sẽ phải ra thôi, các quỹ đầu tư sẽ bỏ của chạy lấy người??? đổi lấy USD. Không biết lúc đó ông Dũng và ông Mạnh sẽ đi đâu để xin cứu viện, úy lạo lòng dân đây như kich bản đã diễn ra những ngày đầu tháng 7 này, chứng khoán sau khi các nhà đầu cơ lợi dụng tâm lý hứng khởi của dân chúng đã bơm tiền vào chứng khoán cho căng ra chút rồi bán tháo kiếm chút tiền dựa vào tâm lý bầy đàn đổ xô của dân xứ lừa (xin phép cho em gọi Việt Nam thân yêu của chúng ta theo cách gọi của "những người bất đồng chính kiến" với Đảng ta; gọi là lừa có thể hiểu là lừa đảo hay đẽ bị lừa hay là con lừa ( bị chăn dắt và gánh đựu đựng giỏi không ca thán ) cũng được. Em bây giờ chẳng biết làm gì cả rối loạn quá thông tin đủ chiều, nên về Việt Nam rồi phấp phỏm như cá nằm trên thớt hay là ở lại nước ngoài "tọa sơn quan hổ đấu" nhìn đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ em bốc hơi còn mình bên này làm thật lực gửi tiền biếu bố mẹ
    nhi n said...
    Cán ơn anh Trần Đông Chấn về nhiều thông tin bổ ich từ bài viết. Mong tiếp tục được đọc nhiều bài phân tích mới của anh.
    ................ said...
    Ông TNT viết bài này khó hiểu quá..
    ................ said...
    Bài này của ông Trần Ngọc Thơ mà..Khi đặt câu hỏi "Tiền đang ở đâu?", mục đích là góp ý để NHTW có biện pháp hữu hiệu thu hút bớt tiền trong lưu thông về. Đọc bài này tôi chẳng biết là tiền đang tập trung lượng lớn ở đâu?
    hoang Ton said...
    Hoàn toàn đồng ý với anh, xin hỏi là anh có nhận định gì khi HSBC bảo Index sẽ còn có 400 cuối năm nay?
    cheeky ™ said...
    Cong nhan day, doc di doc lai eo hieu viet gi!
    cutileocaybixxxxxx said...
    không thể hiểu nổi ông này viết cái gì , có lẽ đây là cách nhìn của nhà chức trách , anh chấn viết còn dễ hiểu ,theo em , time tới đôla giảm giá , ckhoán hồi phục , bđs tăng lên , sau đó lại tụt thảm hại ,chỉ khổ người lao động. 2009 sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế khi mà các quỹ đầu cơ chuyển tiền đồng thành đô la ,cổ phần các doah nghiệp được bảo hộ bị thâu tóm phần lớn bởi khối ngoại ,dân vn mình sẽ chỉ ngập đầu với các khoản thuế ==> bần cùng hoá xa hội đây chăng???? nếu em sai các anh đóng góp cho cái ,thanhs
    Do Trong Nhan said...
    Lâu nay tôi vẫn quan sát, suy ngẫm về tất cả bài viết, ý kiến trao đổi đưa ra trên blog này. Dù có nhiều cách thể hiện trái ngược nhau nhưng tất cả vẫn chính là con người VN phản ánh nhận thức đa dạng từ những thành phần cấu thành xã hội của chúng ta. Dân chủ đã được thực thi qua hình thức blog này và tôi rất mong thời gian tới chúng ta có thể thẳng thắn nói ra ý kiến của mình một cách công khai, minh bạch mà không phải chịu bất kỳ áp lực nào để chính phủ dù được đại diện bởi ai đi nữa thì cũng phải nghiêng mình lắng nghe để tự điều chỉnh hành động hướng tới lợi ích chung của xã hội.
    Qua đây tôi xin mạn phép có chút ý kiến cá nhân sau khi đọc bài phản biện của GS TS Trần Ngọc Thơ do chủ blog đưa lên. Đầu tiên thấy tiêu đề bài viết tôi đã rất háo hức muốn biết nội dung phản biện này thế nào vì được viết bởi một người có học vị cao và hẳn là được sự trọng vọng của nhiều tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, sau khi đọc xong tôi có một số cảm nhận chưa thỏa mãn ở những điểm sau:
    (i) GS-TS TNT dùng hình ảnh "máy bơm nước" chắc mục đích để giúp mọi người dễ hình dung cơ chế điều khiển cung/hút tiền (tiền được xem là "nước") của NHNN hoạt động thế nào và từ đó liên hệ đến một vài số liệu thể hiện trên thị trường chứng khoán (xem như là có nguồn gốc đáng tin cậy) để chứng minh là NHNN đủ "sức mạnh" lẫn "công cụ" làm tốt công việc của mình và phản biện gián tiếp nhận định của anh Chấn về việc tiền đang nằm ở các quỹ đầu cơ của nước ngoài. Tuy nhiên, đọc qua thì có vẻ dễ hiểu nhưng tôi thấy hình ảnh "máy bơm nước" này mang tính lý thuyết cơ học hơn là lý thuyết tiền tệ bởi dòng tiền (hay được xem là "dòng nước") ít nhất cũng chảy theo 2 chiều và có thể chảy ngang chảy tắt bất kỳ lúc nào tùy thuộc vào ý chí của người đang nắm giữ nó, trong khi đó "máy bơm nước" muốn bơm ra thì dễ (dù thật sự không phải dễ đến mức muốn làm lúc nào cũng được) chứ hút ngược trở lại những gì đã bơm ra từ cái máy này thì không phải dễ chút nào nếu cái "máy bơm nước" không đủ lực. Vấn đề là ở đây. NHNN đã có thật sự làm chủ tình hình cung/hút tiền tệ trong thời gian qua theo lý thuyết "máy bơm nước" hay chưa? Nếu thật sự đã làm tốt rồi thì tình hình tiền tệ của VN có gặp "thảm cảnh" như những gì đã-đang diễn ra? Còn nếu phải thừa nhận sự yếu kém của NHNN thì ai có thể trả lời chắc chắn là chuyện gì đang diễn ra phía sau "máy bơm nước" không đủ lực này? Các Ngân hàng thương mại vẫn đang chạy đôn chạy đáo. Các Doanh nghiệp vẫn đang chạy đôn chạy đáo theo các Ngân hàng thương mại . Bất kể những biện pháp NHNN đang thực thi và luôn đưa ra nhận định trên báo chí là nó đang phát huy tác dụng tốt thì các Ngân hàng thương mại và Doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu tiền (dù trước đó một năm thì chuyện tiền bạc hoàn toàn khác). Vậy tiền đang ở đâu? Bài giảng về "máy bơm nước" này vẫn chưa cho ra câu trả lời, vẫn chỉ là một bài lý thuyết mà không có được (dù chỉ một) nhận định cho rõ ràng ý kiến của GS-TS là tiền đang ở đâu. Bài giảng còn thiếu phần kết.
    (ii) GS-TS TNT không nhìn ra hoặc nhìn ra mà không dám đề cập đến cái gốc của vấn đề mà anh Chấn nêu rất rõ ở đầu bài viết của mình. Đó là việc của "lượng cung tiền", một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải được kiểm soát chặt chẽ bởi NHNN hay NH Trung Ương. Bỏ qua con số có thể có sai lệch (giữa tính toán của anh Chấn và Trích bài viết "Lựa chọn thành công" của nhóm nghiên cứu ĐH Harvard gửi chính phủ VN hồi tháng 01.2008: ... trong hai năm 2005 và 2006, GDP của Việt Nam tăng 17%, trong khi đó M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi ngân hàng) tăng tới 73%) mà chỉ nói đến hiện tượng thì NHNN của VN đã tự đánh mất mình trong khi thực thi nhiệm vụ này rồi. Hậu quả của nó là gì thì tất cả chúng ta đang trãi nghiệm, cả nền kinh tế còm cõi của VN đang gồng gánh một áp lực quá lớn và người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là tầng lớp dân thu nhập thấp. Không rõ GS-TS suy nghĩ về vấn đề này thế nào?
    Với góc nhìn của tôi, bài phản biện này chưa "tới" và có lẽ không nên được viết bởi 1 GS-TS.
    lumiphu said...
    các hồ chứa nước là các NHNN , dòng sông là các NHTM , hồ chứa nước đang hút nước về , doanh nghiệp là các cây khô đang chờ nước để duy trì sự sống , còn các cánh đồng cỏ là người dân thì đã khô cằn ... chỉ chờ 1 đóm lửa nhỏ là bốc cháy
    Tran N said...
    Đọc bài anh Chấn viết còn hiểu, tuy không phải là dân Kinh Tế, đọc bài BÁc Thơ hiểu được chêt liền, các chắc đại điện cho các Vị quản lý Kinh tế trong lãnh đạo nước ta, toàn ở trên mây, nhìn lên trời, tuy đang đi trên mặt đất
    Tsunami said...
    @Santa: Sao lại đến mức quỵ lụy anh Chấn thế nhỉ? Phải để cho mọi người được phát biểu ý kiến của mình chứ, đó mới chính là sự thật. Nếu bài viết hay, súc tích thì phải để nhiều người cảm nhận là hay, súc tích mới có giá trị. Một bài viết quá cao siêu của một GS TS chỉ dành cho một bộ phận 'thượng lưu' nào đó (đang đi mây về gió) đọc mà dân đen không hiểu nó nói gì thì sao mà phổ cập được. Hay ta quay lại đổ hết tội lỗi cho nền giáo dục nước nhà không làm tròn nhiệm vụ của mình mà ông TNT là một thành phần đại diện cho lớp thầy cô đó? Kiểu gì cũng chết. Botay.com bà con ơi.
    Santa said...
    Kính gởi anh Chấn, nếu anh tiếp tục im lặng là anh không công bằng với GS-TS Trần Ngọc Thơ. ở đây cần một bài “minh giảng”.
    Thú thực với anh, lúc đầu tôi còn định đề nghị anh tháo bài này xuống, nhưng khi định comment tôi đọc lại, mới nhận ra rằng bài viết quá hay, quá súc tích. Trả lời rõ ràng và đầy đủ các vấn đề anh đặt ra.
    Hãy đọc lại bài này lần nữa, theo cách khác, đọc chậm từng câu và suy nghĩ ngay xem câu này TS Thơ nói gì, liên kết lại ta sẽ thấy rất đầy đủ để phản biện .
    Riêng tôi, tôi không quan tâm hồ chứa, sông tiền, hoặc máy bơm đó chỉ là mở bài văn vẻ..
    psonkhanh said...
    Sức ảnh hưởng của bài Việt Nam đồng đang ở đâu lớn quá, nó ra đời mấy tháng rồi mà đến giờ vẫn có người chuyền tay bản photo của nó cho tôi xem, cho dù nó không được một tờ báo chính thống nào của nhà nước đăng tải. Tôi rất ủng hộ nó ở rất nhiều tác động tích cực, tuy nhiên nó cũng có những ảnh hưởng tiêu cực (đa phần do sự thụ động của người đọc). Có lẽ vì lý do này mà Giáo sư Thơ đã có bài viết phản biện. Tôi thích một số bài viết trước đây của Giáo sư Thơ đăng trên các tờ báo như Tuổi Trẻ, KTSG vì sự thẳng thắn đề cập vào vấn đề với những quan điểm rõ ràng.
    Do vậy tôi thấy ngạc nhiên với bài phản biện này vì nó không đi thẳng vào những vấn đề cốt lõi của bài gốc đề cập mà lại né tránh, dẫn độc giả đến chỗ lan man không biết “đi về đâu”. Tôi hy vọng rằng bài viết của Giáo sư Thơ đã bị thời báo KTSG biên tập cắt bớt cho vừa với một trang tạp chí.
    hoadauduc said...
    GSTS Trần Ngọc Thơ, có vẻ đuối hơi khi viết bài này, có thể nhu cầu phải ủng hộ Ngân Hàng mà viết chăng!? Viết khi mà bản thân tác giả cũng không tin, điều mình đang viết?! GS chắc cũng biết, NH vừa qua, đã cạn tiền, khi mà tốc độ tăng trưởng tín dụng 54% trong năm vừa qua, phần lớn cho bất động sản và chứng khoán, theo như TS Nguyễn Xuân Nghĩa, một quan chức của NHNN, có lần thừa nhận khoản cho vay liên quan tới BĐS đã tới 50%... NH tăng liên tục lãi xuất, tăng dự trữ bắt buộc, để "nước" trở về, nhưng mà vẫn phải bán bớt cổ phần cho nước ngoài, đến mức bán 5% cổ phần chỉ cần báo cáo NHNN. Đấy có phải là thao túng của nước ngoài không?
    Khi chứng khoán liên tục bị xuống điểm, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chăm chỉ mua vào, đấy có phải là mục tiêu nước ngoài muốn chiếm thị phần trong doanh nghiệp đó, thay vì kiếm lời trong thời gian ngắn hạn 2,3 năm trước mắt?
    Đồng tiền của NH hàng có chạy ra nước ngoài không? Khi mà:"Việt Nam chưa phải là quốc gia tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn và với chính sách quản lý ngoại hối vẫn còn khá chặt chẽ như hiện nay". Tôi nghĩ là có, qua kết quả nhập siêu của 6 tháng đầu năm khoảng 16 tỷ bằng cả năm ngoái. Nó qua động thái giá dầu liên tục tăng cao, xăng dầu nhập khẩu vẫn luôn phải bù lỗ. Muối ăn cũng nhập khẩu, như có báo trong nước đã đưa...
    Hệ số ICOR Việt Nam 4,4 (có nghĩa là Việt Nam hiện cần 4,4 đơn vị đầu tư để tạo ra một đơn vị tăng trưởng) trong khi các nước trong khu vực khoảng 3, chứng tỏ có lãng phí và tham nhũng. Thế mới có người đánh bạc cỡ triệu đô, số tiền của những người như vậy, họ có gửi NH hàng trong nước không? Ở nước ngoài, khi được mệnh danh là người giàu, họ rất tự hào, vì đa phần họ có được điều đó bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. VN thì sao? chắc là dấu, vì tâm lý con người hay vì cảm thấy chẳng hay ho gì khi trong bộ máy công quyền mà có tiền? Khi có quyền và có tiến, đồng tiền kiếm được, có thể cho tiền chạy ra nước ngoài khi họ muốn không? Chắc chắn là có.
    "Tuy nhiên với những thông tin tích cực gần đây và việc các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đổ vốn vào Việt Nam, xem ra việc tính toán thế trận giờ đây đã không còn hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ mỗi một phía các quỹ đầu cơ." Con số đó là 32 tỷ, bao giờ giải ngân và tốc độ là bao nhiêu? Nếu như hoàn toàn được giải nhân trong một thời gian ngắn. Khi mà 70% ngân sách đều dành cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Liệu Điện lực VN có làm thêm một khu du lịch nào để "lấy ngắn nuôi dài" không? VINASIN có xây thêm nhà máy bia nào nữa không? Hay lập thêm ngân hàng cho tập đoàn? Tập đoàn Intel khi đầu tư 1 tỷ vào VN, họ cân nhắc lâu lắm, không được nhanh nhẹn như các tập đoàn VN, vì đó là tiền của họ, chứ không được cấp như Tập đoàn VN. Đầu tư NG nếu nhiều, khi trình độ quản lý yếu kém và vô trách nhiệm, chỉ dẫn tới đầu cơ BĐS, chứng khoán. Và chắc rằng hiểm họa tiền đi đâu về đâu? sẽ còn nặng nề hơn nữa.
    Mới đây RFI hãng tin Pháp 8/7 cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét, và có nhiều đối tác đang tính chuyện rút, dường như họ "cần xem lại từ đầu đến cuối cuốn phim “bơm hút nước” từ toàn bộ hệ thống của hồ chứa nước, các con sông, các cánh đồng và các cây giữ nước, thay vì chỉ xem duy nhất một tấm ảnh của chỉ có mỗi cây giữ nước." Chắc họ sợ bị rơi vào ảo vọng./.
    Kho Chuoi said...
    Trích BÀI PHẢN BIỆN TIỀN ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU của GS, TS Trần ngọc Thơ: “Việt Nam chưa phải là quốc gia tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn và với chính sách quản lý ngoại hối vẫn còn khá chặt chẽ như hiện nay, khó nhà đầu tư nào có thể bán ngay một lúc toàn bộ lượng tiền đồng lấy Đô la để chuyển ra nước ngoài. Còn nếu sử dụng các công cụ phái sinh để chuyển tiền đồng thành Đô la thì càng không thể.”
    Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ là người theo sát tình hình thời cuộc, sao lại không biết những cam kết của Thủ tướng Việt nam với nước ngoài thông qua nội dung cuộc trao đổi của thủ tướng với Tiến sĩ David Fernandez, Kinh tế trưởng tập đoàn J.P Morgan Chase, chuyên gia phân tích hàng đầu lĩnh vực Tài chính toàn cầu.
    http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=131&article=123787
    trong đó nêu rõ cam kết của thủ tướng: Chủ trương kiểm soát vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) sẽ không được sử dụng.
    Thủ tướng cho rằng kiểm soát vốn là không cần thiết và đi ngược lại cam kết hội nhập và cơ chế kinh tế thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.
    Đây là bằng chứng cho thấy các quỹ đầu cơ hoàn toàn có thể chuyển ngoại tệ ra nước ngoài mà không cần có hạn chế.
    Những nội dung tương tự cũng được đưa ra trong gói giải pháp chống lạm phát do chính phủ ban hành. Tham khảo tại:
    http://www.thesaigontimes.vn/ArticlePrint.aspx?ID=3672
    Thời báo kinh tế Sài gòn cũng đăng tải hiện nay tự do chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, không có hạn chế.
    Nhừng quỹ đầu cơ nước ngoài lo sợ nhà nước thay đổi chính sách này, kiểm soát không cho chuyển ngoại tệ ra, nên đã buộc thủ tướng Viet nam phải cam kết.
    Hơn thế nữa, có một số người nói rằng tấn công tiền tệ ko thể có ở VN tuơng tư như Thái Lan 1997 vì VN đồng chưa có khả năng chuyển đổi rộng rãi bên ngoài VN. Điều này đúng, nhưng ai khẳng định rằng bầy thú điện tử sẽ dùng lại bài cũ một khi bài đó đã nhiều người biết? Nó sẽ luôn có những bài khác bất ngờ ko lường được. Điều này cũng đã được chỉ ra trong bài viết của anh Chấn.
    Nếu ai đó lấy chuyện Thái Lan 1997 để nói rằng Việt nam không có khả năng xảy ra việc tấn công tiền tệ thì đó chỉ là tự ru ngủ mình hoặc ru ngủ người khác, hoặc lừa bịp người khác vào bẫy mà thôi.
    elhnim said...
    "Phần nước mà hồ cung ứng trước đây cho các cánh đồng “chứng khoán và bất động sản” đã bốc hơi phần lớn, số còn lại cũng bị đóng băng vì thị trường đang rơi vào cảnh chợ chiều. Sau khi tính hết các yếu tố này, lượng nước chắc rất ít ỏi còn lại nằm ở các cây giữ nước là người có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp và một số quỹ đầu tư."
    Em không phải là dân kinh tế, nhưng dường như GS TNT nhìn sự việc sai bản chất ? GS nói "Phần nước mà hồ cung ứng trước đây cho các cánh đồng “chứng khoán và bất động sản” đã bốc hơi phần lớn", vậy phần đã bốc hơi đi đâu ? Có lẽ là tích trên những đám mây lặng im trên trời.
    "Để trả lời cho câu hỏi nước (tiền) đang ở đâu, cần xem lại từ đầu đến cuối cuốn phim “bơm hút nước” từ toàn bộ hệ thống của hồ chứa nước, các con sông, các cánh đồng và các cây giữ nước, thay vì chỉ xem duy nhất một tấm ảnh của chỉ có mỗi cây giữ nước. Sau đó còn phải nhận diện các điều kiện và cơ chế mà lượng nước từ các cây có thể gom lại được để tạo nên một trận lụt."
    GS dùng hình anh những cái cây tích nước cho các quỹ đầu tư ? và cây nhả nước ra để làm lụt ? Phải chăng có nhầm lẫn vô thức ở đây ? Không thể dùng cây để ví quỹ đầu tư, cây là 1 doanh nghiệp thì đúng hơn. Cây cần nước để sinh sôi, sản xuất OXY. Chứ không đời nào cây lại đi nhả nước làm lut.
    Có chăng là những đám mây (do tiền bốc hơi như GS nói) ở tận trên cao kia mà chúng ta không thấy được, chúng đang chờ đợi đủ lớn để trở thành cơn mưa lớn đủ mạnh để tạo 1 trận lụt ?
    SERENADE said...
    Ông Thơ này ngây thơ thật, chẳng có kiến thức về kế toán. Chẳng có quỹ đầu tư nào nó duy trì tiền mặt/tiền gửi ngân hàng nếu chưa đầu tư. Họ sẽ gửi khoản tiền đó như một khoản đầu tư có kỳ hạn ở các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Các khoản như vậy được coi là khoản đầu tư (giống như chứng khoán). Do vậy, trong cái bảng trích dẫn ví dụ ở trên, nếu ông Thơ lấy báo cáo kế toán mà chỉ đơn thuần xem khoản mục tiền mặt/tiền gửi ngân hàng thì lúc nào chẳng thấp. Muốn biết tính thanh khoản nhanh (bằng tiền) thực tế các quỹ thì phải tách được trong các khoản đầu tư của các quỹ có bao nhiêu là khoản đầu tư vào tiền gửi có kỳ hạn.
    luatsu_phapquyen said...
    Thế giới đang lao đao vì vấn nạn khủng hoảng lương thực và năng lượng. Tuy nhiên, xét về phương diện vi mô ở VN thì 2 vấn nạn đó ảnh hưởng không đến nỗi quá nghiêm trọng. Vì VN là nước đứng thứ 2 trên TG về sản lượng gạo xuất khẩu; Tài nguyên dầu, khí đốt của VN cũng không phải là không có gì để tự hào nhưng chỉ biết dừng lại ở mức độ xuất khẩu sản phẩm dầu thô và nhập sản phẩm dầu đã thành phẩm về sử dụng. Không biết có ai biết đến mỏ dầu Tê Giác Đen được dự đoán lên đến 1tỷ thùng hay không? Tại sao chưa thấy báo chí nào đưa tin? Là một nước trồng lúa nước có bề dày lịch sử hàng ngàn năm mà để cho ảnh hưởng hoặc để mặc sức cho gian thương tung hoành đội giá lên trời thì cái cách quản lý của anh có vấn đề! Hàng loạt mặt hàng...chính và thứ yếu đều tăng vọt trong khi tỷ lệ lạm phát cũng ra sức chạy đua với tốc độ tăng trưởng GDP. Cho thấy, nền kinh tế cũng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ bị đe dọa. Tất cả, hậu quả rồi cuối cùng cùng đổ lên đầu người dân với đa số là có mức thu nhập ít ỏi, giá trị VND èo ọt mà họ lại phải nai lưng gánh chịu đủ mọi thứ thuế...Tình hình tham nhũng thì tràn lan trong khi sự cần thiết tối thiểu để tự trang bị cho người dân kiến thức về Pháp luật để cố gắng tự vệ là quá thấp và hầu như là không có so với mặt bằng chung. Đất nước : Của dân, do dân và vì dân chỉ dừng lại ở cấp độ nghe thấy, đọc thấy mà không hề cảm nhận được? Nhìn qua, ngó lại thì toàn thấy các ngành nghề kinh tế chủ lực và cơ hội đều là của Nhà nước quản lý. Từ đó, tạo ra sự độc quyền và áp đặt lên những đối tượng tham gia trong hoạt động kinh tế và xã hội đó. Độc quyền về cả tư tưởng và tư duy...trong nhiều lĩnh vực khác cũng đã có mầm mống từ lâu, ngay cả chính trị " nhạy cảm ". Báo chí thì hoạt động theo tiếu chí " Xấu che - Tốt khoe " và quá lệ thuộc vào đường lối của " kẻ bề trên ". Nên lâu ngày, dân không biết, dân không nghe, dân không hiểu...và tạo nên hiệu ứng an thân, an phận và sợ hãi với chính những điều mình không biết rồi để mặc kệ nó. Tầng lớp trí thức lớp thì bị trù dập, gây khó khăn cho không có đất sống; lớp cảm thấy không thích nghi và chịu đấm ăn cơm được thì theo dòng chảy chất xám chạy tuột ra Nước ngoài và tham gia cùng các tổ chức bất đồng chính kiến khác thi nhau " chửi ". Trong một xã hội mà sự đấu tranh hầu như không có hoặc chỉ dừng lại ở mức độ nhen nhúm là đã bị dập tắt với nhiều biện pháp và thủ đoạn khác nhau thì nói gì đến công bằng và dân chủ?
    Cho nên, tôi thấy đọc các bài viết của anh TĐC còn có giá trị và hữu ích hơn là xem mấy ông GS-TS phát biểu, nói năng tào lao trên báo chí. Nếu mà các bài đó hay ho 1 chút, nhạy cảm và đúng sự thật 1 chút thì đã không xuất hiện trên báo rồi. Nếu ai có kiến thức về kinh tế cứ thử xem xét, đối chiếu và để ý thử xem các số liệu công bố um xùm kia, liệu mức độ chính xác được bao nhiêu %? Ở VN cái gì được ngầm hiểu với chữ "nhạy cảm" thì khó mà xuật hiện trên báo giới được trong khi chủ thể tao ra 2 chữ đó thì lành ít - dữ nhiều !
    Càng đọc, tôi càng thấy TĐC cho đăng bài với 1 sự am hiểu sâu sắc về những khủng hoảng và thời cơ và cả giá trị của tiền VND...Cho thấy, đây là 1 nhân tài hoặc ít ra cũng là 1 nhân vật quan trọng dấu mặt.
    Việt Nam cố gắng đu cho được vào cái tổ chức WTO trong khi WTO là 1 sân chơi lớn và VN quá non nớt với sân chơi này. Nguy hiểm hơn là sự chậm thích nghi, sửa đổi giữa Luật, NĐ, TT...trong nước so với Luật chơi chung. Nhiêu đó thôi cũng đủ gây khó khăn, bối rối cho cả Doanh nghiệp ĐTNN lẫn những con người thừa hành.
    Cuối cùng, Hãy nhìn nước Mỹ mà xem ! Chúng ta sẽ thấy hơi thở của họ có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế TG chứ nói gì VN. Đó là lý do TT NTD qua Mỹ con người thứ 2 mà ông gặp là Giám đốc Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ. Do đó, khả năng kiềm chế lạm phạm của họ hoàn toàn có cơ sở và khả năng thực tế. Còn ở VN thì sao? Nếu VN thật sự khũng hoảng lương thực thì Quỹ Gạo của CP sẽ đủ cung cấp được bao lâu?
    Cảm ơn tác giả Blog vì những thời gian đầu tư bài viết của anh !
    Minh Thơ said...
    Bài viết của GS.TS Trần Ngọc Thơ không phải là không có lý, ý tưởng diễn đạt cũng tốt. Tuy nhiên, cách diễn đạt và hành văn trong bài viết thật thậm tệ. Đó là lý do đề rất nhiều các bạn đọc không thể hiểu nổi!

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ