ĐÔ-LA NGOẠI SẼ ĐI TỚI ĐÂU

Cuối tháng 6-2008 báo chí đồng loạt đưa tin Việt Nam thu hút hơn 31,6 tỷ đô-la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến giữa tháng 7 con số này được dự báo là sẽ vượt qua mức 40 tỷ vào cuối năm 2008. Nhưng chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó số liệu chính thức được công bố đã làm ai cũng phải kinh ngạc: hơn 45 tỷ đô-la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được cấp phép trong 7 tháng đầu năm 2008. Cơn sốt tỷ giá USD/VND tạm lắng dịu từ cuối tháng Sáu vừa rồi là nhờ một phần tác động rất lớn của những con số FDI này. Nhà nước thì hồ hởi với những thành quả tột bật, người dân thì hy vọng điều đó sẽ cải thiện đáng kể tình hình u ám đầy bất ổn từ cuối năm 2007 đến giờ.

Tuy nhiên, nếu phân tích một cách có trách nhiệm các con số này thì người ta sẽ phải thực sự lo lắng vì những hệ quả rất đáng lo ngại của nó.

Hãy tạm bỏ qua những khả năng xấu nhất – dùng kinh tế bẫy chính trị – tức là đăng ký thật nhiều để được cấp phép nhưng sẽ thực hiện giải ngân vốn rất ít để đặt Việt Nam vào tình trạng sụp đổ do vỡ nợ. Hãy giả định một tình huống lạc quan nhất mà chính phủ đang trông đợi: nguồn vốn FDI sẽ được thực hiện giải ngân nhanh chóng và ồ ạt trong vòng 3 năm 2008-2010. Theo dự báo mới nhất chưa được công bố rộng rãi của cục Đầu tư nước ngoài, tổng số vốn FDI đăng ký trong năm nay sẽ đạt không dưới 50 tỷ đô-la Mỹ. Số vốn FDI đã được cấp phép trước cuối năm 2007 nhưng chưa thực hiện vẫn còn thời hạn khoảng 40 tỷ nữa, đưa tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên hơn 90 tỷ đô-la Mỹ đang và sẽ rót vào Việt Nam. Để đạt được con số ấn tượng này, chính phủ đã phải ưu đãi “giành” cho các nhà đầu tư nước ngoài những lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn, từ thuế đến đất đai, từ quyền kinh doanh đặc biệt đến cả những bảo hộ ngầm. Ngược lại, những con thú sừng dài này phải cam kết thực hiện giải ngân nhanh chóng theo tiến độ mà chính phủ mong muốn (2008: 10 tỷ USD, 2009: 15 tỷ USD, 2010: 20 tỷ USD).

Những đồng đô-la ngoại này sẽ làm chuyển biến và tác động như thế nào đến các khía cạnh kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước là điều đòi hỏi sự quan tâm của không chỉ nhà nước mà cả đông đảo các thành phần xã hội.

Tỷ trọng nền kinh tế

Dù được mọi ưu đãi và tập trung hỗ trợ của nhà nước nhưng sau 20 năm kể từ lúc có luật đầu tư nước ngoài 1988, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chỉ mới chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào cuối năm 2007 như số liệu của tổng cục Thống kê công bố:

Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân (ngoài nhà nước) chỉ mới được công nhận chính thức từ đầu năm 1991 bởi luật doanh nghiệp tư nhân 1990, và chỉ thực sự có được một môi trường pháp lý tương đối tốt từ đầu năm 2000 bởi luật doanh nghiệp 1999. Thành phần này không nhận đầu tư gì từ ngân sách hay hưởng những đặc quyền kinh doanh và bảo hộ đặc biệt từ nhà nước, cũng là thành phần bị nhũng nhiễu nhiều nhất bởi tệ quan liêu hành chính và tham nhũng nhưng đã vươn lên dẫn đầu tỷ trọng GDP từ đầu thập niên 1990. Đến cuối năm 2007 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đến hơn 46% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bỏ xa 36,8% của khu vực kinh tế nhà nước vốn chiếm gần trọn ngân sách đầu tư quốc gia và hơn 70% lượng vốn cho vay của các ngân hàng huy động được từ người dân, cùng với 100% vốn vay của nước ngoài do chính phủ bảo lãnh. Tổng cộng trong 3 năm từ 2005 đến 2007, khu vực kinh tế nhà nước đầu tư đến hơn 546 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 45% tổng giá trị đầu tư phát triển toàn xã hội:

Tuy nhiên, cấu trúc tỷ trọng này sẽ thay đổi đột biến từ năm nay khi dòng đô-la ngoại rót vào ồ ạt để đầu tư phát triển cho khu vực kinh tế nước ngoài tại Việt Nam. Trong cùng lúc đó thì khu vực kinh tế tư nhân bị chính sách thắt chặt tiền tệ - nâng lãi suất để chống lạm phát - trói cứng, vốn để duy trì mức cũ còn khó nói gì đến đầu tư mở rộng. Khu vực kinh tế nhà nước thì phải cắt giảm đầu tư công, nhưng dù sao nguồn vốn đầu tư cho nó vẫn khá dồi dào. Theo tài liệu “Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009” của bộ Kế hoạch Đầu tư gửi các bộ ngành, địa phương vào cuối tháng 6-2008 vừa rồi thì tổng giá trị đầu tư công trong năm 2008 dự kiến đạt 238 ngàn tỷ đồng[1] (tăng 19% so với 200 ngàn tỷ năm 2007), năm 2009 sẽ đạt 295 ngàn tỷ đồng[2]; đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân (ngoài quốc doanh) được dự báo đạt mức 190 ngàn và 235 ngàn tỷ đồng tương ứng cho 2008 và 2009, đây quả thật là một con số quá lạc quan so với 187 nghìn tỷ đồng trong năm 2007. Tiếp tục lạc quan để đưa ra số dự báo trị giá đầu tư phát triển trong năm 2010 của 2 khu vực kinh tế trong nước này sẽ tăng 20% so với số dự kiến của 2009[3].

Những giả định lạc quan

Tỷ trọng đầu tư này sẽ dịch chuyển tỷ trọng GDP theo thành phần kinh tế như thế nào? Để có đủ thông số để tính toán, chúng ta lại giả định những con số lạc quan nhất trong tình hình hiện nay: chỉ số giá tiêu dùng CPI trung bình 2008 tăng 25% so với 2007, 2009 tăng 15% so với 2008, 2010 tăng 9% so với 2009; chính phủ sẽ kiềm được tỷ giá VND/USD ở mức bình quân là 16.700 cho cả năm 2008, 17.200 cho 2009 và 17.700 cho 2010. Dùng chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ICOR[4] (bằng mức thay đổi tổng giá trị đầu tư chia cho mức thay đổi tổng giá trị sản lượng GDP được qui về giá so sánh với 1994 theo chuẩn của tổng cục Thống Kê) cho từng thành phần kinh tế, có thể tính ra kết quả:

Tỷ trọng GDP của thành phần kinh tế nước ngoài bứt phá từ 17% trong năm 2007 lên 30% trong 2008; đến 2009 thì vươn lên dẫn đầu với 35%, nhỉnh hơn thành phần kinh tế tư nhân trong nước một chút. Nhưng nó sẽ khống chế hoàn toàn với tỷ trọng 37.5% GDP, bỏ xa hai thành phần kinh tế trong nước vào năm 2010. Một đất nước mà ngoại lực kiểm soát đến 30% nền kinh tế thì chủ quyền của người dân nước đó sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Ở Việt Nam ta, khi mới đạt tỷ trọng có 15% - 17% GDP mà thành phần kinh tế nước ngoài đã tạo sức ảnh hưởng rất lớn, chi phối thao túng đến hầu hết các chính sách vĩ mô thì sức mạnh của lực lượng này sẽ đến mức nào một khi nó chiếm tỷ trọng khống chế của cả nền kinh tế. Tỷ trọng này sẽ còn lớn hơn nhiều nếu tính cả tác động của nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Chưa có số liệu thống kê nào cho biết hiện nay có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ vốn của các doanh nghiệp trong nước (cả quốc doanh và ngoài quốc doanh) được sở hữu bởi các tổ chức nước ngoài. Nhưng với nguồn vốn khổng lồ tích lũy được sau chiến dịch đầu cơ vào thị trường chứng khoán Việt Nam quá thành công của bầy thú sừng ngắn vừa rồi, cộng với việc chính phủ vừa cho phép chuyển nhượng các dự án đầu tư bất động sản cho nước ngoài, và hiệp định đầu tư song phương Việt-Mỹ sắp ký kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và đảm bảo cho hoạt động này, chưa kể tình trạng thiếu vốn do lãi suất cao buộc các doanh nghiệp tư nhân phải tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư gián tiếp này thì không ai có thể nghĩ cái tỷ lệ này sẽ dưới 25% trong một hai năm tới.

Đầu tư trực tiếp sẽ kiểm soát 37,5% GDP, đầu tư gián tiếp sẽ kiểm soát 25% của 62,5% còn lại, tương đương với 15,6% GDP. Tổng cộng thành phần kinh tế nước ngoài sẽ chiếm trên 53% của cả nền kinh tế. Thật khó mà không choáng váng khi nghĩ đến một con số như vậy. Nên nhớ rằng các con số này được tính toán dựa trên những giả định lạc quan nhất, chưa tính đến các tác động tự nhiên và cả những tác động bằng sức mạnh có chủ đích của các thực thể tham gia vào quá trình kinh tế làm biến đổi nhanh chóng các yếu tố kinh tế. Xem xét các tác động này theo đúng qui luật vận hành thì sẽ thấy rằng những mong muốn lạc quan này là không có cơ sở.

Lạm phát và nhập siêu

Báo chí trong nước đang lạc quan về những dấu hiệu giảm dần của tốc độ lạm phát và nhập siêu trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua. Điều này chẳng khác gì việc chườm đá cho con bệnh đang bị sốt. Nguồn gốc căn bản của lạm phát và nhập siêu chưa bao giờ được thừa nhận để áp dụng những giải pháp đúng phù hợp. Thay vào đó là những mệnh lệnh hành chính áp đặt chủ quan lên quá trình vận hành nhằm kiềm nén, che dấu những triệu chứng biểu hiện ra ngoài của căn bệnh đang ngày một trầm trọng hơn.

Nhập siêu là một nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát. Trước hết nó tác động làm giảm giá trị đồng nội tệ so với ngoại tệ, sự suy giảm này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu. Nếu nhu cầu nhập khẩu phải giữ nguyên khối lượng để đáp ứng nhu cầu nội địa thì giá cả trong nước sẽ tăng vọt và tiếp tục làm tăng cao mức nhập siêu. Cái vòng xoáy lẩn quẩn ấy chỉ chấm dứt khi nào nhu cầu tiêu dùng nội địa bị cắt giảm đáng kể. Trong tình hình hiện nay của Việt Nam, sự cắt giảm nhu cầu này sẽ dẫn đến suy thoái và khủng hoảng, nhấn chìm cả nền kinh tế và gây rối loạn xã hội. Với trên 99% dân số thuộc thành phần nghèo, bình dân và trung lưu thì mức chi tiêu hiện nay của họ đa phần là cầu tự định (thuật ngữ kinh tế học để chỉ mức cầu căn bản tối thiểu mà người ta muốn sử dụng ngay cả khi không có thu nhập). Đang cố gắng thoát nghèo như Việt Nam ta thì mức cầu như vậy là chính đáng và cần được thúc đẩy. Nếu nó bị kéo thấp xuống thì trung lưu sẽ trở thành bình dân, bình dân trở thành nghèo, nghèo trở thành đói. Thành quả tăng trưởng của nhiều năm có thể bị xóa sạch.

Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009 của bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: “tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội cả năm 2008 dự kiến đạt khoảng 925 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 27,4% so với năm 2007”. Con số tăng trưởng 27,4% này tương đương với mức lạm phát, có nghĩa rằng người dân phải trả một cái giá cao hơn 27,4% cho cùng một khối lượng hàng hóa và dịch vụ sử dụng trong năm 2007. Như vậy mức tiêu dùng nội địa không tăng trong khi mỗi năm dân số tăng thêm cỡ một triệu người, tính trên đầu người là giảm sút. Xu thế này tiếp tục thêm một năm nữa thì những rối loạn xã hội sẽ xảy ra.

Một quốc gia xây dựng chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu mà không đạt được tình trạng xuất siêu ở mức cao để tạo dự trữ lớn và thặng dư đủ cho tiêu dùng nội địa thì sẽ rước vào mình những nguy cơ chờ sẵn. Chúng sẽ bùng phát khi thị trường các nước nhập khẩu bị sụt giảm và thị trường toàn cầu bị biến động. Dựa vào xuất khẩu mà lại nhập siêu là “cái chết được báo trước”. Việt Nam theo đuổi chiến lược này nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ có được xuất siêu, thay vào đó nhập siêu liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Các chính sách vĩ mô hướng ngoại của Việt Nam đã không mang lại đến quả mong muốn. Đầu tư nước ngoài và xuất khẩu được chú trọng thúc đẩy nhưng lại tạo ra giá trị gia tăng quá thấp nên phần thu nhập còn ở lại trong nước không đủ bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày một tăng.

Trong khi đó chiến lược khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu lại được thực hiện bằng việc bảo hộ bởi các rào cản hành chính là thuế và giấy phép. Sự bảo hộ này lại chỉ dành cho thành phần kinh tế nhà nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp được bảo hộ lại khai thác lợi thế đó để bán giá cao cho người tiêu dùng trong nước. Nhà nước giảm nguồn thu thuế, người dân bị giảm sức mua, tất cả lợi ích này chạy hết vào túi các doanh nghiệp được bảo hộ và các quan chức làm nhiệm vụ bảo hộ. Điều trớ trêu là lợi ích càng cao thì khả năng cạnh tranh của chúng càng thấp. Sau khi gia nhập WTO thì các rào cản hành chính dần bị gỡ bỏ, thuế suất nhập khẩu giảm dần nên hàng nhập khẩu giá rẻ và chất lượng tốt hơn trở thành lựa chọn chính đáng của người dân. Các doanh nghiệp được bảo hộ giờ đây không còn sức chống đỡ, nhiều doanh nghiệp nhà nước thì không biết làm gì ngoài việc kinh doanh trái ngành nghề như đầu tư vào chứng khoán, tài chính và bất động sản; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì đóng cửa sản suất xoay sang kinh doanh hàng nhập khẩu. Nhập siêu tăng vọt là tất yếu.

Cầu tiêu dùng nội địa

Một phần nhu cầu tiêu dùng nội địa trước giờ được đáp ứng tốt bởi các nhà sản xuất khu vực tư nhân. Nhưng nguồn cung này đang bị sụt giảm và đe dọa nghiêm trọng bởi lãi suất cho vay quá cao hiện nay. Lực lượng sản xuất này đang chịu đựng để duy trì hoạt động, đầu tư phát triển để tăng thêm sản lượng là chuyện không thể. Trong khi đó, nếu nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam trong thời gian tới đây thì sẽ làm tăng mạnh mức cầu đầu tư trong nước. Đầu tư này chưa thể tạo ngay ra sản phẩm trong vòng 1-2 năm nên sẽ gia tăng sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. Điều đó sẽ tạo áp lực lên nhu cầu tiêu dùng nội địa làm nó càng tăng giá. Sự khan hiếm hàng hóa tất yếu xảy ra. Để hoàn tất việc đầu tư nhanh chóng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường nhập khẩu. Với nguồn đô-la ngoại sẵn có cộng với chính sách miễn giảm thuế để thu hút FDI thì việc nhập khẩu này trở nên quá dễ dàng và thuận lợi. Nhập siêu lại tăng, bắt đầu cho một vòng xoáy lẩn quẩn mới. Vốn đầu tư vừa rót vào lại chảy ra ngay lập tức. Người dân chưa kịp hưởng thành quả của đầu tư thì đã bị lạm phát và khan hiếm hàng hóa hoành hành ngay lập tức.

Như vậy có thể thấy nguyên nhân gốc của vấn đề lạm phát và nhập siêu là do nhu cầu tiêu dùng nội địa đã không được chú trọng để có giải pháp đáp ứng hiệu quả. Chính phủ đang giải quyết vấn đề này bằng lệnh kiềm chế giá một số mặt hàng thiết yếu. Nhưng đây lại chính là nguyên nhân làm gia tăng thêm lạm phát và thiếu hụt nguồn cung. Nhìn thẳng vào sự thật sẽ thấy người dân không được hưởng mức giá đó. Các mức giá đó chỉ tồn tại trên sổ sách và được dùng để thống kê chỉ số giá tiêu dùng CPI. Nhưng nó lại để ngỏ một cơ hội tuyệt vời cho tham nhũng. Bình thường không ai dễ dàng gì làm cái việc bán rất rẻ sản phẩm của mình dưới giá thị trường để nhận những khoản đút lót lớn của các đại lý phân phối, tuy nhiên khi có mệnh lệnh hành chính là phải kiềm giá để hỗ trợ chống lạm phát thì việc này trở nên rất hợp pháp.

Đại lý phân phối các mặt hàng này muốn mua được hàng buộc phải chi một khoản tiền hối lộ lên đến 80% phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá kiềm chế. Và đây mới chính là căn nguyên của nạn đầu cơ trục lợi mà các quan chức chính phủ lớn tiếng phê phán, đổ lỗi cho người dân và doanh nghiệp. Những nhà sản xuất đàng hoàng không thể lươn lẹo như vậy, cũng không thể phạm pháp mà bán cao hơn giá chính phủ yêu cầu, theo giá này thì sẽ chịu lỗ lớn mà người tiêu dùng cuối cũng chẳng đuợc hưởng gì. Họ chỉ còn cách dừng sản xuất làm cho sản lượng cung ứng cho toàn xã hội càng sụt giảm trong lúc nhu cầu thì không giảm. Giá cả vì thế càng leo thang. Những nguyên vật liệu đã nhập khẩu để sản xuất lại được xuất ngược trở ra. Nhập siêu vì thế mà giảm chút ít. Triệu chứng chườm đá ấy lại được tuyên truyền lạc quan. Hiện tượng một số ngân hàng hạ lãi suất cho vay hiện nay là sự áp dụng bài vở này của những quan chức tham nhũng lọc lõi.

Lựa chọn chống lạm phát

Chúng ta đang ở trong tình trạng bệnh rất nặng. Nếu các triệu chứng phát bệnh trầm trọng bị che dấu thì đến khi nó bùng phát sẽ không còn cách nào chữa trị. Nguy hại hơn nữa là nó làm cho định bệnh sai dẫn đến chọn sai phương thuốc. Nếu không mau chóng chấm dứt chính sách lãi suất cao để chống lạm phát thì nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ ngay vào năm sau.

Có 2 phương thức để chống việc tăng giá do lạm phát tiền. Thứ nhất là thắt chặt tiền tệ để giảm lượng tiền đang lưu hành bằng cách tăng lãi suất đi kèm với cắt giảm chi tiêu. Thứ hai là gia tăng sản lượng nhưng không tăng thêm lượng tiền lưu hành. Cách thứ nhất làm giảm sản lượng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, hậu quả của nó đối với nền kinh tế Việt Nam như vừa phân tích ở trên. Cách thứ hai là lựa chọn tối ưu cho tình hình của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên những thầy thuốc ngoại danh giá đã đồng loạt khuyến nghị, thậm chí tạo sức ép lên chính phủ để phương thức thứ nhất phải được thực hiện.

Nền kinh tế Việt Nam lâu nay tăng trưởng dựa chủ yếu vào sự gia tăng nguồn vốn chứ không phải nâng cao năng suất và giá trị sáng tạo. Điều này chưa bao giờ được chú trọng cải thiện mà còn bị làm xấu hơn do hiệu quả đầu tư ngày càng thấp của khu vực kinh tế nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn chưa được cải thiện mà thắt chặt tiền tệ, nâng cao lãi suất, cắt giảm chi tiêu thì chẳng khác gì hút máu khỏi cơ thể và khai tử các doanh nghiệp trong nước. Nó đồng thời tạo ra một khoảng trống tuyệt vời cho các doanh nghiệp nước ngoài vốn chẳng bị ảnh hưởng gì bởi chính sách thắt chặt tiền tệ lấp vào thay thế. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng vọt gần đây. Các nhà doanh nghiệp nước ngoài thừa biết và có thể dự báo chính xác được thời điểm xảy ra những khoảng trống như vậy. Và do đó, lúc nào thì sẽ thực hiện giải ngân nguồn vốn đã đăng ký để hưởng ưu đãi là những kế hoạch đầy mưu tính để đạt được hiệu quả tối ưu.

Hãy xem xét lý thuyết của phương thức thứ nhất – thắt chặt tiền tệ để hút tiền về bằng lãi suất cao. Nguyên lý hoạt động: đầu tiên sản lượng sẽ giảm do các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất vì thiếu vốn, dẫn đến sa thải làm tăng mức thất nghiệp; cung lao động gia tăng nên sẽ làm thay đổi kỳ vọng của người lao động về mức lương doanh nghiệp phải trả; điều này làm giảm thu nhập cá nhân dẫn đến giảm nhu cầu chi tiêu và giữ tiền; và do đó sẽ làm cho mức cầu hàng hóa và tiền giảm xuống nên cung tiền cũng giảm. Lạm phát nhờ vậy mà hạ nhiệt. Khi lạm phát giảm thì có thể điều chỉnh hạ lãi suất, từ đó sẽ tăng ngồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất làm giảm thất nghiệp và tăng nguồn cung hàng hóa. Liệu đây có phải là những gì mà người dân chúng ta sẽ kỳ vọng và chấp nhận? Những nghiên cứu thực chứng gần đây của các nhà kinh tế học tại nhiều nước áp dụng phương thức này đã chứng minh rằng những tác động của nguyên lý trên chỉ có thể tạo ra sự điều chỉnh đầy đủ trong vòng 2 năm. Hai năm là quá đủ để những khoảng trống tai hại nói trên được lấp đầy kín.

Bây giờ hãy xem xét tiếp cách thức áp dụng thực tế lý thuyết này. Trước hết nó đòi hỏi rằng giá cả của hàng hóa, dịch vụ và tiền lương phải hoàn toàn linh hoạt theo phương thức thị trường, đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho nguyên lý của nó hoạt động. Một nền kinh tế rơi vào lạm phát cao, chính phủ của nó sau khi nghiên cứu rất kỹ để đưa ra những con số lạm phát thấp hơn dần rất cụ thể cho từng thời kỳ (gọi là lạm phát kỳ vọng). Tất cả những chỉ số giá này phải được công bố với toàn dân cùng với cam kết chống lạm lạm phát kiên quyết bằng cách thắt chặt tiền tệ. Niềm tin là một yếu tố rất quan trọng mà chính phủ phải có được từ dân chúng để họ tin tưởng mà thay đổi kỳ vọng của mình theo ý chí của chính phủ. Để đạt được điều này, chính phủ phải cam kết và thực hiện đúng việc cắt giảm chi tiêu của các cơ quan công quyền (bao gồm cả thu nhập của công chức) đồng thời với việc tăng trợ cấp và an sinh xã hội để hỗ trợ cho những người bị mất việc làm; điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với thu nhập thực tế bị giảm xuống do lạm phát tăng. Ngân hàng Trung ương sẽ liên tục quan sát và đo lường mức lạm phát thực tế và điều chỉnh nhanh chóng lãi suất theo nguyên tắc thực dương, tức là làm sao để lãi suất tiền gửi phải luôn cao hơn mức lạm phát hiện hành ở một mức cố định (gọi là lãi suất thực tế). Quá trình đo lường và điều chỉnh này phải diễn ra liên tục và nhanh chóng cho đến khi lạm phát giảm xuống mức kỳ vọng và xác lập trạng thái cân bằng dài hạn của nền kinh tế tại đó.

Không chọn lãi suất cao

So sánh với những gì đang diễn ra ở Việt Nam thì có thể thấy trước sự thất bại nặng nề của việc áp dụng lý thuyết này. Giá cả bị áp chế và dùng đó để đo lường chỉ số lạm phát. Không hề thấy chính phủ đưa ra một lộ trình cụ thể cho những chỉ số lạm phát kỳ vọng thấp dần theo từng thời điểm như thế nào, người dân chỉ được biết chung chung khi báo chí đưa tin về việc thủ tướng trả lời đại diện tập đoàn J.P Morgan Chase ngày 05-06-2008 rằng “lạm phát sẽ được hạ dần dần về mức một con số vào năm 2010”. Niềm tin thì lấy đâu ra khi mà cam kết trợ giá xăng dầu cho toàn dân bị thất hứa đột ngột, những chương trình trợ cấp cho một số đối tượng thì bị tệ quan liêu tham nhũng hạch họe và cắt xén. Có nhiều tiếng nói đề nghị xem xét điều chỉnh ngay mức đóng thuế theo pháp lệnh thuế thu nhập cho người có thu nhập cao hiện hành, thay đổi mức khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân theo luật thuế mới sẽ được áp dụng đầu năm 2009 hoặc dời thời điểm thực hiện nó. Nhưng các quan chức tổng cục Thuế “thay mặt” quốc hội trả lời dứt khoát là không cần thiết. Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009 của bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2008 tăng cao, vượt xa mức dự toán và cùng kỳ năm 2007[5]. Lạm phát là một thứ “thuế” khủng khiếp đánh vào toàn dân làm giảm thu nhập thực tế của họ. Thuế nhà nước lại không điều chỉnh, đánh luôn vào phần thu nhập bị sụt giảm thì sức dân làm sao chịu đựng nổi.

Chọn phương thuốc không phù hợp, lại dùng nó một cách sai trái thì hậu quả không thể lường hết được. Chỉ xét trên mục tiêu chống lạm phát của liều thuốc này được áp dụng ở nhiều nước, chưa nói đến những hệ quả mà nó tạo ra: có rất nhiều nước đã thất bại không thể hạ nhiệt lạm phát dù họ đã áp dụng nghiêm ngặt cách dùng thuốc. Lý do: chính phủ không tạo được niềm tin đối với dân chúng. Biện pháp này trên thực tế chỉ có thể áp dụng thành công ở những nước có nền kinh tế phát triển khá cao, có một hệ thống đảm bảo an sinh xã hội rất mạnh và sâu rộng, trạng thái kinh tế đã đạt gần tới mức toàn dụng lao động và sản lượng tiềm năng[6]. Nhưng điều quan trọng và trên hết là nội lực của nền kinh tế đó đã phải rất mạnh để chống lại những hệ quả do tác động của ngoại lực gây ra. Một cơ thể yếu không thể dùng một liều thuốc mạnh. Những thầy thuốc danh giá đã không hề cảnh báo cho con bệnh như vậy. Tệ hại hơn, họ lờ đi một điều kiện ban đầu rất quan trọng của lý thuyết này: “tốc độ lưu thông tiền giả định là không thay đổi”. Tốc độ lưu thông tiền là tốc độ lưu chuyển của lượng tiền trong một nền kinh tế. Tốc độ này càng cao thì lượng tiền cần càng ít cho cùng một khối lượng giao dịch.

Đây là điều thực sự rất có ý nghĩa đối với việc quản trị kinh tế vi mô lẫn vĩ mô. Trong quản lý doanh nghiệp, nếu mỗi năm cần tạo ra mức doanh số 100 đồng mà số vòng quay vốn chỉ đạt 1 vòng/năm thì người ta cần đến 100 đồng vốn, nhưng nếu quay được 2 vòng/năm thì người ta chỉ cần 50 đồng vốn, nếu 4 vòng/năm thì chỉ cần 25 đồng vốn. Cứ thế, tốc độ quay vòng càng nhanh người ta càng cần ít vốn. Trong kinh tế vĩ mô cũng vậy, cùng một giá trị sản lượng (GDP) nếu môi trường kinh tế thông thoáng, vận hành trơn tru, tốc độ lưu thông tiền nhanh chóng thì nền kinh tế đó sẽ cần một lượng tiền ít hơn so với tình trạng ngược lại. Lý thuyết nói trên ngụ ý rằng khi mà tốc độ lưu thông tiền đã đạt mức tối ưu, không còn có thể cải thiện hơn được nữa bằng những biện pháp khác, thì gia tăng lãi suất lúc đó là cách khả dĩ duy nhất nhằm gia tăng tốc độ lưu thông tiền để giảm lượng cung tiền nên giảm được lạm phát. Điều này một lần nữa giải thích vì sao lý thuyết này chỉ có thể áp dụng cho những nền kinh tế đã có trình độ phát triển cao, tệ quan liêu tham nhũng ở mức rất thấp.

Tốc độ lưu thông tiền

Như vậy bản chất của vấn đề là gia tăng tốc độ lưu thông tiền. Hiểu được điều này Việt Nam ta có thể tự xây dựng một phương thức chống lạm phát hữu hiệu mà không tạo ra những hậu quả nghiêm trọng kèm những tác động khác không lường trước được. Về nguyên lý, khi gặp tình trạng lạm phát tiền thì một là hút lượng tiền đã cung ứng thừa trở về, hai là tăng sản lượng (tức là giá trị của cải) tương ứng với lượng tiền đã cung thừa ra. Phương thức thứ nhất dùng lãi suất đã phân tích là không phù hợp vì sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng. Phương thứ thứ hai thì nguy cơ ở chỗ lạm phát có thể tác động nhanh và mạnh gây sụp đổ nền kinh tế trước khi nó có thể tạo ra một lượng của cải cân bằng. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may: tốc độ lưu thông tiền hiện nay của nền kinh tế Việt Nam quá thấp[7] mà lý do chính của nó cũng là do tệ quan liêu tham nhũng gây ra. Quyết tâm cải cách hành chính thực sự và kiên quyết chống tham nhũng thực tâm sẽ có thể tăng tốc độ lưu thông tiền của cả nền kinh tế lên nhiều lần. Nó không những không tạo ra hệ quả xấu mà còn gia tăng hiệu quả đầu tư vốn (ICOR) cho cả nền kinh tế.

Thành phần kinh tế nhà nước lâu nay chiếm tỷ trọng khoảng 37% GDP. GDP là đại lượng đại diện tốt nhất cho khối lượng giao dịch trong quá trình lưu thông vận hành của một nền kinh tế. Có nghĩa rằng thành phần kinh tế nhà nước chiếm đến 37% các giao dịch kinh tế. Nền kinh tế được vận hành theo một chu trình khép kín mà nhà nước, doanh nghiệp và người dân là những mắc xích quan trọng. Ở Việt Nam nhà nước tham gia vào chu trình này với hai tư cách, vừa là doanh nghiệp, vừa là chính phủ. Do vậy sự ì ạch của khu vực nhà nước sẽ tạo ra sự chậm chạp, tắt nghẽn ở cả hai mắc xích lớn tập trung nhiều lưu lượng, gây ảnh hưởng dây chuyền lên toàn bộ chu trình và những mắc xích còn lại. Những doanh nghiệp tư nhân làm ăn với những doanh nghiệp nhà nước luôn phải chịu thiệt thòi về vòng quay vốn, chẳng có hợp đồng nào dù nhỏ có thể thu hồi tiền dưới 1 năm, trung bình là 2 năm, dài thì có khi vài ba năm. Cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước thì còn tệ hơn nữa.

Các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước theo nghĩa công bộc của dân thì lại càng tồi tệ. Muốn nhận được tiền thoái thu thuế thì không khác gì ăn xin. Tiền vốn đã bỏ ra nhập hàng phải nằm chờ hải quan kiểm hóa thông quan đến cả tuần lễ. Tiền và vât liệu xây dựng nằm chờ để xin được giấy phép xây sửa nhà. Có thể kể cả tháng mà không hết tất cả những thứ tương tự làm tắt nghẽn lưu thông tiền. Thu hồi vốn chậm nên doanh nghiệp và người dân phải vay tiền ngân hàng, vì thế lượng cung tiền gia tăng trong khi giá trị của cải (sản lượng) chẳng tăng lên chút nào mà còn phải chia sẻ cho các ngân hàng do lãi suất vay. Lạm phát ở Việt Nam trong nhiều năm liền luôn ở mức cao là vì vậy. Giới ngân hàng nhờ đó hưởng lợi lớn quá dễ dàng mà chẳng cần sáng tạo cung cấp thêm dịch vụ gì có lợi cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả là đã tạo ra ma lực kéo người ta ùn ùn bỏ vốn đi lập ngân hàng. Một số ngân hàng cho vay vô tội vạ mà không ý thức rằng mình đang “in” thêm tiền cho nền kinh tế.

Tốc độ lưu thông của cả nền kinh tế chậm đến là vậy. Thế nhưng ở một vài lĩnh vực cục bộ thì lại có tốc độ nhanh đến dị thường, quay vòng nhanh lẹ đến chóng mặt. Đó chính là thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Chẳng có đâu trên thế giới mà chứng khoán lên ồ ạt rồi xuống ào ào trong vòng một vài tháng, bất động sản thì sốt rồi đóng băng vài ba lần chỉ trong vòng hơn 3 năm. Ai cũng hiểu là do những nhóm lợi ích mạnh thao túng, nhưng thực tế là họ chẳng thể làm được nếu không có sự tiếp tay của quan chức nhà nước. Khi hai thị trường này sốt đến chóng mặt thì nhà nước lại hồ hởi, báo chí lại hoan nghênh. Không biết người ta có hiểu rằng đó vừa là triệu chứng của một căn bệnh nặng, vừa là nguyên nhân làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng như ngày nay hay không. Lượng tiền các ngân hàng cung ra được bơm vào vòng xoáy hút nhồi của 2 thị trường này, nó hút luôn cả những nguồn vốn trong dân và lĩnh vực kinh tế khác. Kết quả nó tạo ra là một nền kinh tế thừa tiền nhưng thiếu vốn. Lưu thông tiền vì thế lại càng chậm chạp. Nó tạo ra rất ít của cải vật chất, thậm chí không có nhưng lại sản sinh ra một lớp người có rất nhiều tiền. Lớp người này kiếm tiền quá dễ nên tiêu xài bạt mạng cho những nhu cầu xa xỉ, tạo thêm gánh nặng và cả tệ nạn cho xã hội. Sự phồn vinh giả tạo là vì thế.

Xem tiếp tại đây

Chú dẫn:

[1] Bao gồm: vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước khoảng 102 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 25 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước đạt 40 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đạt 71 nghìn tỷ đồng.

[2] Bao gồm: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 125 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 35 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước khoảng 50 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 85 nghìn tỷ đồng.

[3] Tài liệu “Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009” của bộ KHĐT không đưa ra số dự báo cho năm 2010.

[4] Incremental Capital Output Ratio. Do đặc điểm về độ trễ trong hiệu quả đầu tư nên các chỉ số này được thống kê một giai đoạn dài 3 năm (2005-2007) và dùng chúng để tính mức tăng trưởng dựa trên mức đầu tư cho giai đoạn 3 năm kế tiếp (2008-2010), xem như 3 thành phần kinh tế sẽ giữ nguyên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho tăng trưởng. Tình hình thực tế hiện nay thì chỉ có thành phần kinh tế có vốn nước ngoài là có khả năng gia tăng hiệu quả này.

[5] Nguyên văn: “Thu ngân sách nhà nước 6 tháng tăng cao bảo đảm nhu cầu chi tiêu cần thiết, nhất là bảo đảm cấp đủ kinh phí thực hiện các chính sách an sinh, xã hội. Thu NSNN 6 tháng đạt 195.850 tỷ đồng, bằng 60,6% dự toán, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2007 và bằng 31,3% GDP; trong đó: thu nội địa (không kể dầu thô) ước đạt 107.300 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán (cùng kỳ năm 2005 đạt 53,8%, năm 2006 đạt 48,8%, năm 2007 đạt 46,1%), tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2007; thu từ dầu thô đạt 42.210 tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Giá dầu thanh toán tháng 6 bình quân đạt 125 USD/thùng, bình quân 6 tháng đầu năm đạt 105 USD/thùng, tăng 41 USD/thùng so với dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 6,89 triệu tấn, bằng 44,5% dự kiến năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43.740 tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán năm, tăng 53,7% so với cùng kỳ. Cả năm 208 phấn đấu thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 358 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán năm. Trong đó: thu nội địa đạt 198 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với dự toán; thu từ dầu thô đạt trên 85 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8% so với dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 71 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước dự kiến đạt 369 nghìn tỷ đồng, giảm 7,4% so với dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 102 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với dự toán. Bội chi ngân sách khoảng 59 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP. Năm 2009 Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 379-388 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước 461-470 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 87.000 nghìn tỷ đồng, bằng 5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 thấp hơn năm 2008.”

[6] Thuật ngữ kinh tế học để chỉ mức sản lượng mà một nền kinh tế làm ra được nếu tất cả các lực lượng sản xuất được sử dụng đầy đủ.

[7] So với các nước phát triển thấp hơn cả chục lần, với các nước công nghiệp tới vài lần.

23 Comments:

  1. viet+die said...
    chờ tin hồi sáng tới giờ , click vô hoài mà ko thấy , bây giờ thấy rồi mừng quá , đây là tin em đang quan tâm
    Chí Tân said...
    Được bóc tem blog bác Chấn là sướng nhứt rồi:D
    Khang Duy said...
    Quả thật bài viết xứng tầm Trần Đông Chấn, tôi đã đọc tất cả bài của anh trên blog này và các bài rải rác khắp nơi trên tất cả các diễn dàn khác và được xem là "hiện tượng Trần Đông Chấn".
    Nếu như chính phủ luôn có tư duy được như thế, có trái tim thực sự vì dân như thế thì chắc rằng dân ta đã đỡ khổ rồi.Thật sự mỗi khi đọc là mỗi lần lại ngán ngẩm thêm. Ngán ngẩm cho cái sự đời và ngán ngẩm cho bản thân mình bạc nhược chỉ biết lén lút đọc những thông tin thế này để rồi thở dài tự nhủ: "phải làm cái gì đi chứ"
    Giải pháp thì nêu khá nhiều, mỗi người một góc nhìn một tư duy khác nhau nhưng tất cả đều chung quy cần hậu sức dân. Trong lúc chính phủ thì luôn ngồi trong những căn phòng máy lạnh để vẽ ra những đề án trên giấy để lấp liếm hay phục vụ cho chính họ, chứ có bao giờ dám chấp nhận cái dở và cái bạc nhược của mình để đối mặt với khủng hoảng và lạm phát ?. Đơn giản thôi, lạm phát chỉ sờ gáy người nghèo, còn những nhà tài phiệt đỏ thì có phải chạy cơm từng bữa bao giờ để biết lạm phát là gì ?.
    Hôm rồi gặp người bạn người nước ngoài, họ kể 1 chuyên vui mà làm mình nhục đến điếng người. Anh ấy hỏi "Có biết sao để phân biệt quan chức chính phủ việtnam và thường dân ?. Trả lời: Quan chức chính phủ thì luôn béo tốt, còn thường dân thì luôn gầy gò xanh xao.".
    Chắc rằng cần phải có một sự thay đổi triệt để, thay đổi tận gốc.
    Cảm ơn bác Chấn về bài viết rất giá trị
    NongnghiepVietnam said...
    Thay vì những lời khen, Vỹ xin gửi đến anh và mọi người đôi điều:
    Một là, Giả định anh đưa ra không bao quát được chuyện "nội bộ" của Việt Nam cũng như biến động kinh tế toàn cầu.
    Hai là, anh viết quá dài dòng, rất khó cho người biên tập để Public trên các phương tiện truyền thông. Nếu chỉ lưu truyền trên thế giới mạng thì chưa đủ.
    Ba là, nếu chỉ là một "Trần Đông Chấn" e rằng xúc phạm anh linh dân tộc này. Tại sao không hình thành những nhóm - trường phái đủ Mạnh, đủ uy tín bảo vệ lợi ích quốc gia? Đừng nói, đó không phải việc của tôi? hay của riêng Trần Đông Chấn. Bao giờ người Việt mới thôi Hành động đơn lẻ?
    Thứ tư, nói nhiều về Hiện trạng rồi nhưng Giải pháp thì quá Chung chung hoặc chưa Đúng - Trúng và Thuyết phục.
    Thân ái!
    Phạm Hùng Vỹ
    NongnghiepVietnam said...
    Thay vì những lời khen, Vỹ xin gửi đến anh và mọi người đôi điều:
    Một là, Giả định anh đưa ra không bao quát được chuyện "nội bộ" của Việt Nam cũng như biến động kinh tế toàn cầu.
    Hai là, anh viết quá dài dòng, rất khó cho người biên tập để Public trên các phương tiện truyền thông. Nếu chỉ lưu truyền trên thế giới mạng thì chưa đủ.
    Ba là, nếu chỉ là một "Trần Đông Chấn" e rằng xúc phạm anh linh dân tộc này. Tại sao không hình thành những nhóm - trường phái đủ Mạnh, đủ uy tín bảo vệ lợi ích quốc gia? Đừng nói, đó không phải việc của tôi? hay của riêng Trần Đông Chấn. Bao giờ người Việt mới thôi Hành động đơn lẻ?
    Thứ tư, nói nhiều về Hiện trạng rồi nhưng Giải pháp thì quá Chung chung hoặc chưa Đúng - Trúng và Thuyết phục.
    Thân ái!
    Phạm Hùng Vỹ
    Do Trong Nhan said...
    Bài này tôi đọc đến lần thứ 3 rồi mà vẫn còn muốn đọc lại. Nhiều vấn đề có bề mặt tưởng bình thường hóa ra lại có không ít góc tối. Cám ơn anh Chấn đã có quan sát tinh tế, thấu hiểu đến tận cùng và đưa ra những phân tích tuyệt vời giúp soi sáng các góc cạnh còn chìm khuất này. Sức tàn phá của tham nhũng quả là khủng khiếp, xa hơn rất nhiều các chiến tích của nó mà lâu nay người ta vẫn thường nói. Tôi quá bất ngờ và khâm phục. Chắc chắn là tôi vẫn còn phải đọc lại nhiều lần để thấm, để cảm thấy đã, để thấy mình cần trách nhiệm hơn, để thấy đất nước này trong tro tàn vẫn còn đó một chút than hồng hy vọng ...
    psonkhanh said...
    Kính thưa anh Chấn
    Trước hết xin thành thật cảm ơn anh và xin được nói lên sự ngưỡng mộ của tôi dành cho anh. Có rất nhiều vấn đề ai cũng gặp hàng ngày nhưng không giải thích được bản chất của nó, không chỉ riêng tôi, cả những người có học vị cao trong cơ quan tôi thường trao đổi phân tích những vấn đề như thế để tìm cách giải thích hầu tìm ra giải pháp. Nhưng quả thật, không nhìn nhận được vấn đề một cách rộng và sâu sắc đến tận cùng của bản chất của chúng như anh đã viết trong bài này.
    Tôi vẫn còn nhớ cách đây vài tháng, giáo sư Trần Ngọc Thơ có nhiều bài viết trên các tờ báo lớn. Ông phản đối việc nâng lãi suất để chống lạm phát, có rất nhiều bài viết của ông khá dài nhưng vẫn không đủ sức thuyết phục vì sao không nên làm như thế. Cơ quan của tôi là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành cũng không đưa ra được phân tích thuyết phục. Nay đọc bài của anh thấy mọi vấn đề rất là sáng tỏ.
    Xin được tri ân anh. Tôi sẽ cố gắng hành động và lên tiếng, nếu không làm được chim hồng hộc thì dứt khoát sẽ không chấp nhận làm chim hoàng Yến.
    Kiến thức của anh từ uyên bác không thể hiện đúng. Nếu được làm bạn với anh sẽ là một hân hạnh rất lớn của tôi.
    Mong anh giữ gìn sức khỏe
    Gia Long Kiem said...
    Em là người ngoại đạo nên đọc bài viết của bác hơi chậm mới thông suốt. Bác có cái nhìn toàn cục thấy được nguồn vốn FDI ồ ạt vào VN trong năm nay không là lợi thế như các báo đài tuyên truyền.
    Chống lạm phát chỉ bằng siết chặt tiền tệ mà không làm tăng tốc độ lưu thông tiền tệ, chống tham nhũng tích cực thì đúng là không có hy vọng gì.
    Em cũng thích đoạn Hoàng Yến và diều hâu, xã hội VN ngày nay không ngủ nhưng vẫn mê. Hy vọng nhờ mạng internet cùng với những chiến sỹ dân chủ dũng cảm mà trong tương lai gần dân ta sẽ thức và biết được vị trí của dân tộc mình đang đứng ở đâu trên thế giới.
    Chúc bác khoẻ, một hồng hạc bay giữa trời xanh.
    Gia Long Kiem said...
    Em là người ngoại đạo nên đọc bài viết của bác hơi chậm mới thông suốt. Bác có cái nhìn toàn cục thấy được nguồn vốn FDI ồ ạt vào VN trong năm nay không là lợi thế như các báo đài tuyên truyền.
    Chống lạm phát chỉ bằng siết chặt tiền tệ mà không làm tăng tốc độ lưu thông tiền tệ, chống tham nhũng tích cực thì đúng là không có hy vọng gì.
    Em cũng thích đoạn Hoàng Yến và diều hâu, xã hội VN ngày nay không ngủ nhưng vẫn mê. Hy vọng nhờ mạng internet cùng với những chiến sỹ dân chủ dũng cảm mà trong tương lai gần dân ta sẽ thức và biết được vị trí của dân tộc mình đang đứng ở đâu trên thế giới.
    Chúc bác khoẻ, một hồng hạc bay giữa trời xanh.
    psonkhanh said...
    À quên 1 điều, xin phép anh Chấn cho tôi được đăng lại bài này trên blog của tôi nhé. Cảm ơn anh.
    viet+die said...
    chờ tin hồi sáng tới giờ , click vô hoài mà ko thấy , bây giờ thấy rồi mừng quá , đây là tin em đang quan tâm
    viet+die said...
    túm lại cũng là quan liêu , tham nhũng , mệnh lệnh hành chính còn có sự tiếp sức của bọn bồi bút tô hồng nữa , tất cả là sự giả tạo , giả tạo
    canhchim h said...
    Một cánh hồng hạc bay giữa trời xanh! Cho tôi xin được in ra những bài viết của anh!
    canhchim h said...
    Một cánh hồng hạc bay giữa trời xanh! Cho tôi xin được in ra những bài viết của anh!
    Dân thường said...
    Cám ơn anh Trần đông Chấn ( anh đúng là Sấm nổ ) chắc phải là ( Lôi - Lôi = Chấn ) hy vong tiếng vang nó sẽ làm nhiều người tỉnh cơn mê .Chúc anh có nhiều sức khoẻ để làm việc
    Pivo said...
    Thưa đồng chí Vỹ:
    - Đồng chí phê bình anh Chấn viết dài dòng mà lại muốn có cả chuyện nội bộ của Việt Nam cũng như biến động kinh tế toàn cầu thế thì bài sẽ dài đến đâu?
    - Đồng chí muốn biên tập để public trên các phương tiện truyền thông mà lại muốn có chuyện "nội bộ" của Việt Nam. Yêu cầu của đồng chí không khả thi.
    - Đồng chí đòi hình thành những nhóm, trường phái và đặt câu hỏi bao giờ người Việt mới thôi hành động đơn lẻ? Câu trả lời là đồng chí mơ ngủ à? Thiếu gì những diễn đàn có uy tín và trung lập bàn về kinh tế Việt Nam. Vấn đề là người ta có thích nghe trí thức nội đóng góp ý kiến hay không và có cho phép tụ tập hay không?
    - Đồng chí phê bình giải pháp chung chung, chưa đúng, chưa trúng? Đồng chí có cao kiến gì không ạ? Chỉ ra được hiện trạng, có tiếng nói ngược lại với những gì báo chí tô vẽ đã là dũng cảm và có trách nhiệm rồi. Có giải pháp mạnh ai cũng nhìn thấy đấy ạ, đồng chí có dám tham gia không ạ?
    ................ said...
    Một bài phân tích rất sâu, thật sự khâm phục Mr.Chấn. Cảm ơn rất nhiều!
    Nhận xét chủ quan của tôi:
    Nếu áp dụng cách chống lạm phát thứ nhất - áp dụng chính sách tài chính và tiên tệ thắt chặt thì liều thuốc quá mạnh, dẫn đến nguy cơ đột tử.
    Nếu áp dụng cách thứ hai: tăng tốc độ lưu thông của tiền bằng cách chống tham nhũng, cải cách hành chính và gia tăng khả năng cung hàng hóa của nền sản xuất nội địa. Cách này thầy lang sẽ không chịu bốc thuốc, mà thầy lang bốc thuốc thì cần phải có một thời gian dài để điều trị (cơ thể bị bệnh không chờ được lâu thế).
    Cũng xin nói thêm về cơ sở hạ tầng ở VN hiện nay rất yếu kém, nguồn nhân thiếu lao động có trình độ và tay nghề cao.
    Tóm lại là "chuyện gì phải đến, sẽ đến".
    coclech said...
    Tham gia cộng đồng mạng tôi mới biết: ĐẤT VIỆT TRONG MỌI HOÀN CẢNH KHÔNG VÀ CHƯA BAO GIỜ THIẾU NHÂN TÀI! Xin thật lòng gởi đến anh (chú) Trần Đông Chấn sự khâm phục và ngưỡng mộ!
    AC-Arizona Cowboy said...
    Bác Chấn tiếp tục cống hiến những bài viết rất tâm huyết .
    Xin phép Bác Chấn MANG Entry này VỀ BLOG VÀ đem giới thiệu bài viết này để mọi người tranh biện .
    luatsu_phapquyen said...
    Ai ít hiểu biết 1 chút cũng có thể tù mù hiểu được phần nào về thực trạng của nền kinh tế VN hiện nay. Đọc bài của Bác Chấn để biết, để rõ và để hiểu sâu hơn. Nhìn chung những bài viết, phân tích của Bác là khách quan, toàn diện và đầy đủ rồi. Nhưng vấn đề tôi muốn nói khi rút và từ bài viết của Bác là : Tổ chức chính phủ và bộ máy tư vấn, giúp việc kia có lẽ cũng hiểu, cũng biết, cũng nghe, cũng thấy dù ít thì nhiều những gì Bác viết để có cái nhìn tổng thể rồi cân nhắc, chọn lọc sao để điều phối cả nền kinh tế dở dở ương ương không giống tư bản cũng chẳng còn là XHCN 1 cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, con bệnh của nền kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng và cái ung nhọt kia có thể bục vỡ bất cứ lúc nào vì có bệnh mà không dám kê toa. Chính từ chỗ không dám kê toa, không dám công khai cho bàn dân thiên hạ hiểu được cái thực trạng khó khăn, cái nguy cơ cần thừa nhận, đối mặt và cùng nhau tìm giải pháp vượt qua thì người ta lại cố tình bưng bít, lấp liếm rồi tìm mọi giải thích ngụy biện loằng ngoằng và thực hiện 1 phương thuốc tự chế, lang băm. Do đó, cái bệnh càng trầm kha và mức độ của thuốc được đẩy lên là dùng liều mạnh nhất. Điều này, cực kỳ nguy hiểm là có thể bị sốc thuốc và đột tử mà người chịu hẩu quả nhiều nhất trong xã hội là tầng lớp công - nông dân, nếu nghĩ sâu xa hơn là con cháu của chúng ta sau này sẽ phải gánh chịu hậu quả này. Với cái thói quen bảo thủ, bứng bít không dám nhận sai để chứng tỏ cái tài cán lãnh đạo đó sẽ vô hình trung giết chết, bóp nghẹt nền kinh tế đồng thời mở cửa thái quá cho những thế lực bên ngoài tràn vào thao túng và giành quyền kiểm soát và điều tiết cả nền kinh tế. Mà ai trong trong ta cũng biết khi nắm được vị thế kinh tế, quyền lực kinh tế thì cũng đồng nghĩa nó ảnh hưởng và chi phối luôn cả chính trị. Đáng nghĩ và đáng lo ngại quá đi chứ! Tự chúng ta gây khó cho mình khi tạo ra quá nhiều sự mất cân bằng, nhiều lỗ hổng vá chằng, vá đụp và 1 tham gia vào 1 sân chơi WTO mà ta đang cố gắng theo đuổi, thích nghi...khi chưa có sự chuẩn bị kỹ. Sự nhập nhằng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có vẻ trừu tượng, không dám thừa nhận là kinh tế tư bản...nên có vẻ ta đang hụt hơi. Chỉ có Doanh nghiệp trong nước là bị thiệt thòi và bị lấn sân. Tóm lại, muốn thay đổi diện mạo của nền kinh tế cũng như việc chuyển biến được tình hình khả quan thì phải biết nhận sai, biết sửa sai và chấp nhận yếu kém để làm động lực khách quan cho phát triển nếu không muốn bị sụp đổ, hủy diệt và mất hết tất cả những thành quả đã có trước./.
    Gõ Kiến said...
    Gửi mọi người tham khảo bài viết này
    http://vneconomy.vn/home/tin-tuc/0/6/20080808100351818/tai-chinh/lam-phat-giam-toc-vua-mung-vua-lo.htm
    “Khi lạm phát bắt đầu giảm, khó khăn thanh khoản hồi phục, cũng chính là lúc doanh nghiệp gặp khó vì nội lực cạn kiệt trong khi nợ nần đến hạn. Và đó là cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài trong một chiến lược dài hơi”
    Sau những tờ báo ca tụng đến mây xanh việc thu hút nguồn vốn FDI khổng lồ vào VN ở giai đoạn này thì cũng đã có xuất hiện cảnh báo. Bài viết ra sau và có những quan điểm gần với bài viết mới này của anh Chấn tuy rằng phạm vi đề cập còn giới hạn và cách thức đề cập còn rón rén dù đang đi trên cái “hành lang an toàn” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080806_ledoanhop_chat.shtml các bạn đọc link này để biết người ta xây cái hành lang đó thế nào, còn tôi thì cho rằng dù đã đầu tư nhiều tiền của lẫn công sức nhưng nó chỉ là một cái cầu khỉ lắc lẻo không tay vịn …)
    Không rõ Y! hay net có vấn đề mà tôi gửi vài lần vẫn lỗi. Nếu comment có bị trùng nhờ anh Chấn bỏ dùm. Cám ơn anh.
    BON said...
    Nhân đọc bài 'Phát biểu gây xôn xao của ông Lý Quang Diệu ' của tác giả
    Thục Minh trên báo Thanh niên sáng nay, xin trích dẫn lời ông Lý Quang Diệu thay lời bình : "Ở Singapore, chúng ta chọn lựa ứng cử viên kỹ càng. Năm này qua năm khác, thông qua bầu cử, chúng ta thấy được chất lượng của những nghị sĩ quốc hội, trình độ học vấn, năng lực của họ. Sức trẻ của họ luôn được vun đắp, và chúng ta có một đội ngũ lãnh đạo có đủ phẩm chất đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao hơn của xã hội".
    psonkhanh said...
    Thật hay, bài viết này đã có tác động rất mạnh. Tối nay thời sự của VTV1 đã có một phóng sự của Trần Uy phân tích các vấn đề về lạm phát, năng lực sản xuất, vòng quay đồng tiền, tệ quan liêu hành chính tham nhũng giống như bài viết này. Một phóng sự ngắn nhưng đề cập được một vấn đề rộng. Lâu nay VTV chỉ phát những tin tức bình luận vuốt theo chính sách của chính phủ, sự xuất hiện của phóng sự này tối nay là một sự ghi điểm đối với công chúng. VTV có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất rộng, hy vọng những vấn đề của bài viết này sẽ tiếp tục tác động tích cực và sâu sắc.

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ