KINH TẾ BẪY CHÍNH TRỊ ĐÃ KHỞI ĐỘNG

Vào giữa tháng 6/2008, Trần Đông Chấn cho đăng bài Khủng hoảng và thời cơ (dưới bút danh Dương Hữu Canh). Lúc đó đã nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa về nhiều vấn đề, trong đó có ý kiến nghi ngờ về khả năng dùng kinh tế bẫy chính trị, tức đăng ký vốn FDI thật nhiều nhưng không thực hiện để đặt VN vào 1 cái bẫy. Kế hoạch này bây giờ đã bắt đầu khởi động rồi.

Hôm nay trên BBC đăng tin dưới đây cho thấy các cái cớ đang từng bước được tạo ra để không giải ngân vốn. Những kế hoạch âm mưu này ngày càng rõ và nếu diễn tiến đúng như những gì anh Chấn đã nhận định thì năm tới sẽ rất xấu, người dân sẽ rất khó khăn nhưng sẽ xuất hiện thời cơ cho thay đổi.

Tôi đăng lại bài của anh Chấn và bài trên BBC dưới đây để mọi người tiền theo dõi.

Hoa Kỳ cảnh báo VN về nguồn vốn

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lên tiếng nói tính minh bạch, công tác quản lý và tham nhũng là những vấn đề lớn ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Anh và tiếng Việt hôm 1/12/2008 trên mạng của mình, AmCham nói Việt Nam "không miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu".

Nhưng thách thức chính của Việt Nam, theo Hoa Kỳ, là phải quản trị tốt, minh bạch và chống tham nhũng.

Dù hoan nghênh các cam kết chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, đại diện của giới kinh doanh Hoa Kỳ nói thẳng rằng họ chưa thể tin vào sự thành công của những cam kết.

Tiền dân Mỹ đóng thuế

Trong ngôn ngữ khá mạnh mẽ, bản phúc trình đưa ra nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam viết:

"Chúng tôi lấy làm tiếc rằng chúng tôi chưa thể tự tin nói với Quốc hội Mỹ rằng số tiền đóng thuế của người Mỹ được phân bố thông qua Ngân hàng Thế giới và ADB cho sự phát triển của Việt Nam đang được sử dụng đúng chỗ."

Quan ngại của phía Mỹ đến từ ví dụ họ nêu ra về những vụ thất thoát do tham nhũng trong các công trình hạ tầng và công cộng.

Hoa Kỳ cũng nói: "Hệ thống kiểm soát hiện tại không đủ để ngăn ngừa các quan chức tha hóa biển thủ nguồn vốn dành cho cơ sở hạ tầng công cộng."

"Một ví dụ gần đây nêu tại Quốc hội liên quan đến một dự án xây dựng cầu ước chi phí khoảng 1,2 triệu đô-la với thời gian thi công 16 tháng. Dự án vẫn chưa được hoàn thành sau 10 năm với chi phí 7,3 triệu đô-la."

Dù ngôn ngữ của bài phát biểu mang màu sắc ngoại giao, người đọc có thể cảm nhận được ý nghĩa cảnh báo.


Theo đó, các nhà tài trợ sẽ không giải ngân các khoản cam kết đầu tư nếu Việt Nam không giải đáp được các câu hỏi về tham nhũng.

Nói thẳng ra, Hoa Kỳ và các nhà tài trợ đã nhìn thấy "khoảng cách lớn giữa đầu tư trực tiếp (FDI) cam kết và FDI giải ngân."

Nay họ nói: "Khoảng cách này sẽ còn lớn hơn nhiều lần nữa, trừ khi những trở ngại này được quan tâm giải quyết."

Hoa Kỳ cũng không quên nhắc rằng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đóng góp vào gần 60% xuất khẩu của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam cũng trích lời Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Pease nói "sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng, đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng là bức thiết".

Cũng liên quan đến nguồn vốn, viện trợ và đầu tư vào Việt Nam, cuối tuần qua tại Hà Nội có cuộc đối thoại thường kỳ về chủ đề chống tham nhũng giữa các nhà tài trợ và chính phủ Việt Nam.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nước tài trợ cho VN, được tổ chức mỗi năm hai lần, với cả sự tham gia của báo chí và đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông.

Trả lời BBC, bà Fiona Lappin, trưởng đại diện Bộ Phát triển Hải ngoại Anh quốc (DFID) cũng nêu ý kiến rằng vì tiền viện trợ là tiền người dân Anh đóng thuế, nên cơ quan của họ "không bao giờ dung thứ cho việc sử dụng sai nguồn vốn viện trợ phát triển".

Dư luận trong và ngoài nước thời gian qua đặc biệt quan tâm đến vụ PCI với khoản tiền hối lộ lên tới hàng triệu đôla trong một dự án xây xa lộ ở TPHCM.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến một sự sụp đổ xã hội trầm trọng. Và đây chính là thời cơ cho người dân đứng lên thực hiện một cuộc thay đổi chính trị, giành lấy quyền lực thực sự về cho nhân dân.

Cuộc khủng hoảng đang xảy ra là tất yếu theo qui luật. Nói đúng hơn, thể chế chính trị hiện nay đang cai trị đất nước một cách trái qui luật nên việc sụp đổ là đương nhiên. Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường nhưng gắn thêm "định hướng xã hội chủ nghĩa". Điều này dẫn đến việc cố gắng dùng lý thuyết của Marx để giải thích cho sự vận động của cái qui luật mà lúc sinh thời chính ông đã bác bỏ và phê phán. Marx là một thiên tài về phân tích hiện trạng và dự báo nhưng ông đã tỏ ra sai lầm nghiêm trọng trong việc đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề.

Thực nghiệm đã cho thấy những lý thuyết kinh tế, xã hội và chính trị của Marx đề ra đã được kiểm chứng là không phù hợp và thất bại trong gần 150 năm thực chứng từ lúc ra đời. Sai lầm đó xuất phát từ chỗ ông đã áp đặt những ý muốn chủ quan và nôn nóng để thay thế qui luật khách quan tự nhiên. Do xuất phát từ ý nguyện tốt cộng với cách nhìn nhận vấn đề một cách cực đoan nên ông đã làm cho những người áp dụng học thuyết của mình tưởng rằng có thể sáng tạo, phát minh ra các qui luật chủ quan để thay thế tự nhiên và sự vận động khách quan của vũ trụ.

Thực chứng và chuẩn tắc

Chấp nhận qui luật kinh tế thị trường nghĩa là phải công nhận quyền tư hữu và đảm bảo cho mọi cá nhân có thể mưu cầu lợi ích riêng của mình trong một không gian tự do cạnh tranh, để từ đó xã hội có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Trên phương diện khoa học, kinh tế thị trường là môn kinh tế học thực chứng nhằm nghiên cứu để hiểu rõ các qui luật vận hành kinh tế của con người. Nó cho biết những kết quả khách quan sẽ được tạo ra từ những yếu tố tác động chủ quan của con người trong các hoạt động kinh tế.

Nhà nước cần hiểu rõ các qui luật ấy để tạo ra những luật lệ điều chỉnh hành vi chủ quan của con người nhằm hướng toàn xã hội đạt được những kết quả mong muốn một cách khách quan theo qui luật. Phần này chính là công việc của môn kinh tế học chuẩn tắc nhằm nghiên cứu để tạo ra những nguyên tắc chuẩn mực được luật hóa giúp định hướng các hành động của con người thông qua động lực của lợi ích chính đáng. Kinh tế chuẩn tắc không phải là qui luật mà là sự ứng dụng qui luật. Không phải là qui luật vì nó không bao giờ cho ra những kết quả luôn đúng hay luôn sai, có thể "đúng" cho một nhóm lợi ích này nhưng lại là "sai" đối với các nhóm khác.

Muốn một xã hội phát triển ổn định thì quyền lợi của đa số dân chúng phải được ưu tiên và đảm bảo. Con người cũng đã thử nghiệm rất nhiều các mô hình nhà nước khác nhau để giải quyết vấn đề này. Cuối cùng thì quá trình tiến triển của văn minh nhân loại cũng đã cho thấy rằng dù đi theo hình thái nhà nước nào thì đều phải tôn trọng dân chủ vì chỉ có dân chủ mới tạo ra được một thiết chế chính trị đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân – nền tảng ổn định của xã hội. Ai muốn cầm quyền thì phải đề ra được những chính sách có nhiều người dân ủng hộ nhất, và dân chúng cũng dễ dàng hạ bệ chính quyền nào đi ngược lại quyền lợi của đa số hoặc không giữ đúng lời đã hứa trước khi lên nắm quyền. Đó chính là sự kết hợp tối ưu giữa vận dụng qui luật khách quan, tôn trọng quyền căn bản và thiêng liêng của con người để tạo ra một xã hội thịnh vượng bền vững. Đó cũng chính là qui luật phát triển tất yếu.

Kinh tế thị trường đỏ

Việc gắn thêm định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường được chính quyền giải thích bằng những ý niệm tốt đẹp trên lý thuyết với mong muốn sẽ tạo ra những chuẩn tắc vĩ mô công bằng hơn cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhưng trên thực tế định hướng này được thực hiện bằng việc xác định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế quốc doanh để tạo ra những đặc quyền làm bất công bằng cho thành phần kinh tế tư nhân, không công nhận chính thức quyền tư hữu. Đó chính là sự áp dụng không đầy đủ những nguyên tắc căn bản của qui luật kinh tế thị trường. Sự phát triển méo mó đó đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn xã hội Việt Nam như hiện nay chính là kết quả của việc không tôn trọng qui luật khi áp dụng.

Con người không thể sáng tạo ra qui luật. Con người chỉ có thể phát hiện ra qui luật, tôn trọng và áp dụng các qui luật đó một cách sáng tạo để đạt được những thành tựu tốt đẹp phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của nhân loại. Đã là qui luật khách quan của tự nhiên thì nó luôn tồn tại bất chấp thời gian và không gian, nó vượt lên trên mọi sáng tạo của con người. Người ta không thể chế tạo ra một chiếc máy bay phản lực an toàn nếu không hiểu rõ và tôn trọng tuyệt đối những nguyên tắc căn bản của các định luật phản lực, khí động học, v.v… Năng lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người là rất lớn nhưng nó có giới hạn. Giới hạn đó chính là những qui luật vận động khách quan của vũ trụ, của trời đất.

Chính quyền hiện nay đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế do sai qui luật bằng những biện pháp tiếp tục đi ngược lại với qui luật khách quan. Những mệnh lệnh hành chính để áp chế giá cả phá vỡ sự vận động của kinh tế thị trường nhưng lợi ích của nó lại chỉ rơi vào những nhóm thiểu số rất nhỏ có quan hệ đặc biệt với những người ra quyết định. Qui luật khách quan không được tôn trọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng vốn đang rất khốn cùng lại tiếp tục bị hy sinh và chà đạp để những kẻ cơ hội trục lợi thì làm sao tránh được sự sụp đổ. Thời điểm này sẽ đến rất nhanh không quá hai năm nữa. Báo chí đang bị khống chế hoàn toàn để che đậy sự thật với dân chúng nhưng điều này cũng sẽ làm cho những người nắm quyền lực càng trở nên u mê tự che mắt chính mình, tự huyễn hoặc nên không thể nhận ra thời điểm đó.

Động lực của niềm tin

Nhiều người nuôi hy vọng vào chuyến thăm Mỹ đang diễn ra của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tìm thấy một "thần dược" chữa trị khủng hoảng giúp kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi. Đó là điều ảo tưởng và kém hiểu biết. Hãy thử nghĩ xem niềm tin của công chúng thế giới sẽ được định hình như thế nào nếu Việt Nam sụp đổ kinh tế dẫn đến tan rã thể chế chính trị? Việt Nam sao chép mô hình của Trung Quốc và thực trạng của hai nước có rất nhiều những điểm giống nhau. Việt Nam qui mô nhỏ, thể chất kém hơn Trung Quốc nên nhiễm bệnh nhanh và ngã đổ trước. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng sản, được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc sẽ dẫn đến sụp đổ và tan rã chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mỹ sẽ không thể bỏ qua cơ hội có một không hai vào lúc này ở Việt Nam để tạo ra một sức mạnh niềm tin chống lại xu thế thiên tả đang liên tục xảy ra ở châu Mỹ La Tinh, mới đây là Nepal và đang tiếp tục ảnh hưởng đến Phi châu. Những đảng cực tả ở các nước này đã nắm quyền phần lớn là do đa số dân chúng ở đó lầm tưởng vào sự thành công nhất thời của Trung Quốc, và cả Việt Nam trong vài thập kỷ qua. Nó tương tự như sự phát triển nhanh chóng của hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây bởi ảo tưởng về sức mạnh của mô hình Liên Xô. Nhưng sự sụp đổ của hệ thống này còn nhanh chóng hơn nhiều so với lúc nó hình thành.

Hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc nhưng một Trung Quốc đó sẽ như thế nào: tư bản hay cộng sản, dân chủ đa nguyên hay độc đảng chuyên chế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những ván cờ chính trị, những kế hoạch và toan tính của nhiều nước không chỉ về kinh tế mà cả chính trị trong giai đoạn hiện nay. Xem như vậy thì sẽ hiểu được động lực của các quốc gia có lợi ích trong những ván cờ này lớn đến như thế nào, đó là những giá trị tinh thần mà không thể dễ dàng mua được bằng vật chất. Xem tiếp những quốc gia đó đang nắm hầu bao của Việt Nam ra sao thì sẽ đoán biết được những hành động ứng xử sắp tới của họ đối với cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam sẽ như thế nào.

Kinh tế bẫy chính trị

Chính phủ Việt Nam đang làm mọi cách để tăng cường đầu tư nước ngoài với hy vọng bù đắp vào sự thâm hụt mậu dịch trầm trọng mà nếu không cân bằng được sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn diện. Những chính sách ưu đãi đặc biệt hơn nữa để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đưa ra vội vã từ đầu năm đến nay bất chấp những hậu quả lâu dài. Kết quả là vốn đăng ký cam kết tăng vọt một cách khó hiểu. Nhưng sẽ chẳng khó để hiểu ra nếu nhìn vào các dự án đầu tư đã được cấp phép trong mấy tháng qua. Đài Loan đăng ký đầu tư hàng chục tỷ đô la vào những nhà máy thép và công viên phần mềm; Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn tiếp tục là những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Những đoàn doanh nghiệp Mỹ hứa hẹn sẽ trở thành nhà đầu tư số một kèm theo đòi hỏi hiệp định thương mại đầu tư song phương Mỹ - Việt phải nhanh chóng được ký kết để "tạo thuận lợi" cho môi trường đầu tư.

Thường thì muốn đạt được các mục tiêu chính trị lớn người ta sẽ chấp nhận thiệt thòi về kinh tế. Nhưng ở Việt Nam, không những mục tiêu chính trị dễ dàng đạt được mà quyền lợi kinh tế lại càng lớn và được đảm bảo. Những cam kết đầu tư với số vốn lớn vào lúc này là để chiếm chỗ và chiếm những ưu đãi được đảm bảo bởi chính phủ vốn đang cần những "cái phao cứu sinh". Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra hồi cuối năm ngoái là lúc nhà nước Việt Nam đã bị sập một chân vào bẫy. Thay vì tìm cách thoát khỏi cái bẫy, thậm chí nếu cần phải chặt đứt bàn chân dính bẫy thì chính quyền lại đang bước tiếp một chân còn lại vào bẫy. Chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam chắc chắn sẽ kết thúc tốt đẹp bằng những hứa hẹn và cam kết trợ giúp với những điều kiện sẽ được cài đặt khéo léo. Cả thế giới phương tây cũng có cùng động lực và mục tiêu như vậy.

Chẳng khó gì để viện nhiều cớ nhằm trì hoãn việc giải ngân thực hiện các nguồn vốn đã cam kết, đã hứa hẹn giúp đỡ, nhất là trong một môi trường quản lý hành chính yếu kém như Việt Nam. Hai chân đã vào bẫy, chỉ cần giật nhẹ thì sẽ lăn kềnh đổ vật. Thòng lọng được xiết chặt. Nhìn từ hiện tượng thì nghĩ rằng sức mạnh bên ngoài rất ghê gớm để đánh sập một hệ thống kỳ cựu như vậy, nhưng nếu nhìn sâu vào nhân và quả thì sẽ hiểu rằng tác động từ bên ngoài là khách quan, dù muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại; chính sức mạnh của nội lực mới quyết định kết quả của sự tác động đó như thế nào. Cơ thể yếu ớt và bệnh hoạn của Việt Nam chính là cái nhân của hậu quả tồi tệ ngày nay. Những động lực lợi ích to lớn từ bên ngoài sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội để tấn công vào những cơ thể như vậy.

Cơ chế tự điều chỉnh

Một thiết chế chính trị độc đảng luôn triệt tiêu dân chủ, dân chủ lại là một cơ chế tự điều chỉnh những vấn đề của xã hội, kinh tế, chính trị hiệu quả để tạo ra sự hài hòa bền vững. Thể chế chấp nhận đa nguyên kinh tế nhưng chuyên chế độc đảng chính trị như Trung Quốc và Việt Nam thì sự phát triển chỉ có được nhờ may mắn xuất hiện các lãnh đạo giỏi giang nhất thời. Điều may mắn không phải lúc nào cũng đến nên một xã hội vận hành mà chỉ dựa vào sự may mắn thì chắn chắn sẽ bất ổn. Không ai có thể sáng suốt trong một thời gian dài, nhất là khi người ta cảm thấy mình luôn có công nhưng không có cái gương để soi rọi lại mình. Nhưng nguy hiểm hơn là những nhà lãnh đạo đó thường có xu hướng giải quyết những xung đột xã hội bằng vũ lực. Sự kiện Thiên An Môn đẫm máu là một ví dụ, cho dù nó tạm thời dẹp tan hiện tượng của xung đột nhưng mầm mống loạn vẫn còn đó và tiếp tục tạo ra những sóng ngầm u uất mà không có một thành tích kinh tế nào có thể xóa nhòa đi được, và chúng sẽ nhanh chóng biến thành những sức mạnh lật đổ ghê gớm khi có thời cơ.

Nhân loại thường phải trải nghiệm dài, cả trả giá đắt để phát hiện ra và hiểu được những qui luật khách quan. Những quốc gia như Việt Nam không nên theo đuổi những gì chưa được thực chứng đầy đủ để đặt cả dân tộc vào một cuộc thử nghiệm mạo hiểm mà sự thất bại của nó có thể dẫn đến diệt vong. Đừng vội lựa chọn ý thức hệ chính trị nào vì điều đó sẽ luôn dẫn đến những sai lầm duy ý chí do chủ quan của một thiểu số nhỏ. Dân tộc Việt Nam cần sáng suốt nhìn nhận và áp dụng những qui luật khách quan đã được thực chứng và hiểu biết thấu đáo; tôn trọng những quyền căn bản và thiêng liêng của con người trong việc tự do mưu cầu lợi ích tinh thần và vật chất chính đáng để tạo một không gian vận hành hợp qui luật phát triển cho toàn xã hội.

Kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ, nó là một qui luật vận động khách quan của con người khi sống thành xã hội. Nó không phải do chủ nghĩa tư bản sáng tạo ra. Chủ nghĩa tư bản chỉ là người phát hiện ra và vận dụng nó một cách tôn trọng và sáng tạo theo từng giai đoạn phù hợp với trình độ phát triển của loài người. Kinh tế thị trường là một khoa học thực chứng, nó tồn tại mặc nhiên như qui luật vạn vật hấp dẫn hay bất kỳ qui luật nào khác của khoa học tự nhiên. Nhưng vì là khoa học xã hội liên quan đến sự vận động không ngừng của con người nên việc thực chứng đã phải mất rất nhiều thời gian để thực nghiệm và kiểm chứng trong thực tế. Không giống như các qui luật được phát hiện trong phòng thí nghiệm của các môn khoa học tự nhiên, loài người đã phải trải qua một thời gian dài và phải trả giá để hiểu sâu sắc kinh tế thị trường như ngày hôm nay. Ý thức hệ chỉ là nhân sinh quan, là sản phẩm trí tuệ của con người. Nó chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu được xây dựng trên sự hiểu biết những qui luật vận động khách quan của vạn vật, hay còn gọi là vũ trụ quan, là sản phẩm của tạo hóa. Người ta có thể sở hữu ý thức hệ hoặc các phát minh sáng chế nhưng không ai có quyền sở hữu những qui luật của trời đất do tạo hóa ban tặng.

Ý thức hệ Lạc Hồng

Ý thức hệ chính trị của dân tộc Lạc Hồng sẽ được hình thành và hoàn thiện qua từng năm tháng một cách tự nhiên dựa trên sự vận động khách quan theo qui luật. Không ai có thể mô tả và đủ tư cách để công bố "hình hài" của cái ý thức hệ đó sẽ như thế nào. Nó chỉ có thể được định hình bởi ý muốn của đa số dân chúng thông qua lá phiếu của mình lựa chọn những thành phần tinh hoa của dân tộc để dẫn đắt đất nước vận hành theo đúng qui luật. Đúng qui luật thì ắt sẽ phát triển và phát triển bền vững. Đúng qui luật và thuận theo xu thế tiến triển chung của nhân loại, của thế giới thì sẽ phát triển thịnh vượng mà không phải mất quá nhiều công sức, có khi phải trả bằng máu.

Khi một dân tộc đã chọn con đường phát triển theo qui luật của tạo hóa thì dân tộc đó sẽ tìm thấy thế mạnh và phát huy được tối đa sức mạnh đó dựa trên những đặc tính và lợi thế mà thiên nhiên - trời đất đã ban tặng cho họ. Một ý thức hệ được hình thành theo con đường như vậy chắc chắn sẽ mang đậm bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc tính dân tộc và gìn giữ được những gì thiên nhiên ban tặng cho dân tộc đó. Địa thế của Việt Nam nằm ngay điểm giao cắt của Đông và Tây cả về phương diện địa lý (vật thể) lẫn văn hóa (phi vật thể). Một điểm giao cắt như vậy nếu không trở thành nơi giao thoa văn hóa và kinh tế của toàn cầu thì sẽ bị biến thành một điểm nóng của xung đột chính trị và quân sự và cả ý thức hệ. Cuộc chiến Việt Nam trong thế kỷ 20 có đầy đủ tính chất của một sự xung đột như vậy. Nó đã xảy ra vì dân ta đã không thể giải quyết những mâu thuẫn bằng lá phiếu của mình.

Bản tính trời cho dân tộc Việt Nam là ôn hòa và thân thiện, không thích suy tư tranh cãi về triết học hay các lý thuyết chính trị. Cả ngàn năm nay dân tộc ta không sáng tạo hay phát triển nên bất kỳ một trường phái triết học, chủ thuyết chính trị riêng nào cho dù chỉ số thông minh được đánh giá rất cao. Đó là một món quà quí giá mà tạo hóa ban tặng để dân tộc này có thể biến mình trở thành một nơi giao thoa văn hóa, kinh tế với bất kỳ nền văn minh nào trên thế giới mà không tạo ra những mâu thuẫn và xung đột về văn hóa, sắc tộc và tôn giáo. Sự giao thoa ấy chắc chắn sẽ tạo nên những thành tựu kinh tế và văn hóa mới không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho cả thế giới. Sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ bắt đầu từ đó.

Để có thể đi trên một Con đường như vậy thì điều kiện tiên quyết là quyền lực thực tế phải thuộc về nhân dân một cách thực chất. Nếu đảng Cộng sản Việt Nam không tỉnh táo nhận ra thế sự mà chủ động trao quyền về cho nhân dân thì toàn dân sẽ đứng lên giành lại cái quyền chính đáng ấy của mình mà bao lâu nay chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Thời cơ cho một sự thay đổi như vậy đang đến. Sự bất mãn đang dâng đến cao độ, ngay cả trong những thành phần đảng viên và quan chức có trách nhiệm. Còn giới báo chí thì chỉ chờ đợi một thời cơ như thế để có thể thoát khỏi sự áp chế đang đè nặng đến ngạt thở. Tất cả sẽ tràn ra thành những cơn lũ cuốn phăng tất cả những gì cản trở.

Dương Hữu Canh

Mùa hạ tháng 6, 2008

Xem thêm Dân chủ và Thịnh Vượng

8 Comments:

  1. viet+die said...
    tụi tư bản sẽ giãy chết , vn mình sẽ tiến nhanh , tiến mạnh lên thiên đàng xhcn,lúc đó mọi người không cần ăn cơm , nấu cháo lỏng húp qua ngày , chờ ngày được lên thiên đàng
    Change We need said...
    Đảng ta và Chính Phủ đang rối bời rồi, sức ép của ngoại bang ghê gớm lắm, Mỹ một kiểu, TQ một kiểu, chưa kể các nước như Nga, Ấn lại một kiểu khác. Mình ở vào tình thế người ta nói gì mà không được. Nhưng điều đáng sợ nhất là nó làm chia rẻ nội bộ nghiêm trọng lắm.
    Muối said...
    Bao nhiêu đóng góp tâm huyết của những người tâm huyết từ chuyện nhà máy điện hạt nhân , chuyện giáo dục , chuyện tự do báo chí , chuyện dân chủ , ... họ vứt vào sọt rác hết !
    Đất nước với lãnh đạo là những người đã ít học (!) , tham nhũng như rươi , lại còn không biết trọng dụng người tài như VN thì dân đen mong kết quả nào hơn ?
    nhi said...
    "Trả lời BBC, bà Fiona Lappin, trưởng đại diện Bộ Phát triển Hải ngoại Anh quốc (DFID) cũng nêu ý kiến rằng vì tiền viện trợ là tiền người dân Anh đóng thuế, nên cơ quan của họ không bao giờ dung thứ cho việc sử dụng sai nguồn vốn viện trợ phát triển".
    - nghe phát biểu này hok bik đảng nghĩ sao ...
    Dongsongxanh said...
    Tôn trọng quy luật vận động tự nhiên để phát triển cũng chính là một quy luật của sự sống còn mà cái đảng cộng sản ngu dốt này đang làm ngược lại, điều đó có khác gì tự đào huyệt chôn mình đâu, hãy đợi xem cái huyệt mộ mà đảng này đang đào đã đủ sâu chưa thôi. Không lâu nữa đâu.
    Skarlor said...
    Xem bài "Thiếu dân chủ sẽ không có sự thịnh vượng" làm em hiểu được rất nhiều điều, bài phân tích chỉ rõ những ngộ nhận mà với sự hiểu biết nông cạn về kinh tế, chính trị thì quả thật dễ bị lừa với lối suy luận theo kiểu bánh vẽ.
    "....Hỏi thăm các bạn ở Bắc, ai cũng bảo hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó, xét chung, thất bại, chỉ trừ một vài nơi ở Thái Bình… Trong nhiều hợp tác xã còn đất bỏ hoang, vì khó khai phá, không có lợi… Ở trong Nam mấy năm đầu dân phải đóng thuế nặng, lúa bị thu mua nhiều quá với giá rẻ mạt, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt lại bị cán bộ ăn cắp bán chợ đen v.v… Do đó nông dân chán ngán, không ham sản xuất.
    Năm 1975 tôi trình bày lại ý đó với một cán bộ cách mạng, họ cho tôi là bi quan, bảo: “Dân tộc mình thắng được Mĩ, hùng cường thứ nhì Đông Á, chỉ 5 năm nữa thì kinh tế mình sẽ thịnh, hai chục năm nữa sẽ đuổi kịp Nhật rồi vượt họ.”… Có những người dễ tin bánh vẽ quá. Họ thật sung sướng, tối chắc ngủ ngon...." (trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê)
    CIA mafia STATE & ФСБ олигарх said...
    Bài viết của bạn khá hay!!!
    Cộng Sản muốn biến một giấc mơ lớn của nhân loại thành hiện thực. Đảng CSVN thực chất làm việc thì kém -rất kém, chỉ mạnh về tổ chức các phong trào và tuyên truyền...Tất cả những ưu việt và tốt đẹp về Đảng có được trong nhận thức người dân Việt Nam là do công tác tư tưởng, tuyên truyền và giáo dục...
    CIA mafia STATE & ФСБ олигарх said...
    Bài viết của bạn khá hay!!!
    Cộng Sản muốn biến một giấc mơ lớn của nhân loại thành hiện thực. Đảng CSVN thực chất làm việc thì kém -rất kém, chỉ mạnh về tổ chức các phong trào và tuyên truyền...Tất cả những ưu việt và tốt đẹp về Đảng có được trong nhận thức người dân Việt Nam là do công tác tư tưởng, tuyên truyền và giáo dục...

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ